Một cảnh trong phim Taxi, em tên gì? (Ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Ngành điện ảnh Việt những năm qua đã bật dậy nhanh chóng với sự tham gia của các nhà đầu tư điện ảnh nước ngoài. Tuy nhiên, sự xuất hiện dồn dập này khiến các doanh nghiệp phát hành và phổ biến phim trong nước đang dần mất thị phần.
Thất thế từ rạp chiếu nhà nước
Tại Hội thảo Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành và phổ biến phim diễn ra vào ngày 31/5 tại Hà Nội, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh cho biết: Trên cả nước, hiện tại có 3 hệ thống rạp chiếu phim đang hoạt động. Trong đó, hệ thống rạp chiếu phim của các trung tâm hay công ty phát hành phim và chiếu bóng do Nhà nước quản lý là 58 rạp đang hoạt động với 103 phòng chiếu; 10 rạp không hoạt động; 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng; 18 trung tâm phát hành phim và chiếu bóng không có rạp chiếu phim.
Trong khi đó, hệ thống rạp chiếu phim của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là 34 rạp với 138 phòng chiếu. Hệ thống rạp chiếu phim của các liên doanh với nước ngoài có 46 rạp và 269 phòng chiếu. Trong đó, CJ CGV - Hàn Quốc có 30 rạp và 196 phòng chiếu; Lotte - Hàn Quốc có 16 rạp và 73 phòng chiếu.
Năm 2015, có 41 bộ phim truyện Việt Nam được sản xuất, 199 bộ phim truyện nước ngoài nhập khẩu. Tỷ lệ số phim Việt Nam so với phim nước ngoài là 20,06%. Hệ thống rạp do Nhà nước quản lý thì có buổi chiếu phim VN chiếm tỷ lệ 67,63%, người xem phim VN chiếm tỉ lệ là 61,9%. Hệ thống rạp của công ty nước ngoài, liên doanh với tư nhân buổi chiếu phim VN chiếm tỷ lệ 34,8%, người xem phim VN chiếm tỷ lệ 47,5%.
Tôi đã tìm nhà đầu tư 20 tỷ đồng vào rạp chiếu phim Công Nhân (Hải Phòng) nhưng vướng các cơ chế chính sách Nhà nước. Tôi đã xin trả lại một rạp 1-5 để lấy một máy chiếu công nghệ DCP từ 3 năm nay nhưng vẫn chưa được đồng ý”. Ông Bùi Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm phát hành phim và Chiếu bóng Hải Phòng |
Thực tế, tình hình điện ảnh trong nước hiện nay đang rơi vào trạng thái: Điện ảnh nước ngoài đang tìm cách tận dụng thị trường VN như “gà đẻ trứng vàng”, các hãng phim Nhà nước cùng các bộ phim được đầu tư bằng tiền ngân sách vẫn chỉ nghĩ đến việc làm phim phục vụ tuyên truyền, chứ không quan tâm đến chuyện thu lại tiền cho nhà nước bằng phát hành thương mại. Ngay như hệ thống rạp chiếu của Nhà nước cũng gần như tê liệt, hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Giám đốc Phát hành phim và Chiếu bóng Phú Thọ, ông Cao Xuân Du cho biết: Hiện đơn vị quản lý 3 rạp chiếu phim, năm 2014, hoạt động kinh doanh của đơn vị là 911 triệu đồng. Tuy nhiên, đến năm 2015, cụm rạp 4 phòng chiếu phim hiện đại của Lotte hình thành ngay tại Trung tâm TP Việt Trì nên các rạp của đơn vị không đủ sức cạnh tranh khiến doanh số chỉ đạt 520 triệu đồng, năm 2016 dự kiến chỉ đạt 225 triệu đồng.
Ông Bùi Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm phát hành phim và Chiếu bóng Hải Phòng nêu thực trạng, đơn vị có 3 rạp chiếu phim nhưng hiện nay các phòng chiếu đều đã xuống cấp, dột, ngấm trần nhà và hệ thống cách âm không đảm bảo, mặt rạp, phòng đợi đã lâu không được cải tạo... Nguồn phim chiếu cũng là một trở ngại lớn cho trung tâm.
Nhiều năm nay trở lại đây, hệ thống rạp không có phim chiếu, một phần nguồn phim các hãng cung cấp đều sử dụng công nghệ DCP rạp không có thiết bị hoặc rạp chiếu ít người xem không có nguồn thu nên các hãng không cấp phim cho chiếu.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của 2 cụm rạp lớn là CGV và Lotte Cinema là một trong những bất lợi lớn của trung tâm vừa không có khán giả, không có thị phần trên thành phố của mình. “Có phòng chiếu chỉ có 12 ghế ngồi trang bị máy lạnh, thiết bị hiện đại nhưng nhiều hôm khán giả ngồi không đầy phòng.
Các Nhà sản xuất - phát hành phim Việt cũng chịu áp đặt?
Mới đây, 8 Nhà sản xuất (NSX) và nhà phát hành (NPH) phim trong nước vừa cùng gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan Nhà nước, khẳng định họ đang bị chèn ép bởi hệ thống rạp chiếu phim và các hình thức kinh doanh của tập đoàn CJ CGV Việt Nam (gọi là CGV). Tám đơn vị gồm: BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA.
Đơn khiếu nại chung khẳng định: “Dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, CGV đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Còn với phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỉ lệ vẫn là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần).
8 đơn vị lo ngại trong thời gian sắp tới CGV sẽ dần củng cố vai trò, tiến tới điều tiết và làm chủ thị trường điện ảnh Việt Nam. Đây có thể xem là nguy cơ cho nền công nghiệp và thị trường nước nhà nằm trong tay tập đoàn này. Các nhà sản xuất phim lo ngại sẽ bị chèn ép buộc chiếu ở những rạp ít khán giả, tần suất và thời gian chiếu bị hạn chế…
Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam cho biết, hiện thị trường rạp chiếu phim chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài nắm chính và họ cũng là những đơn vị phát hành nhiều phim của Mỹ và Hàn Quốc. Bởi vậy, những nhà sản xuất và phát hành phim Việt Nam đang phải chịu nhiều “bất lợi so với phim nước ngoài ở tại chính đất nước mình về tỷ lệ ăn chia, giờ chiếu, suất chiếu”.
“Việc phát hành và phổ biến phim tại rạp đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu cân đối, thị trường điện ảnh trong nước xuất hiện biểu hiện chèn ép trong sản xuất phim, cạnh tranh thiếu lành mạnh thiếu công bằng, ảnh hưởng đến văn hóa kinh doanh, gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, lâu dài, lành mạnh của ngành điện ảnh nước nhà”, ông Nhiêm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận