70 năm kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đã đổi thay từng ngày. Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, trong nhiều kết quả đạt được, hạ tầng giao thông là điểm nhấn sáng nhất.
Trước đây, nhắc đến Điện Biên, nhiều người nghĩ ngay tới một địa bàn xa xôi, cách trở, khó khăn. Nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác khi tỉnh có bước phát triển vượt bậc, là điểm đến ngày càng hấp dẫn về văn hóa, du lịch, đầu tư... Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
70 năm sau chiến thắng lịch sử, nhất là sau 20 năm chia tách từ tỉnh Lai Châu, Điện Biên đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, khai khác tốt tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh như lúa gạo, cà phê, ca cao, cây cao su, mắc ca với hàng nghìn ha giúp giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân. Sau thủy điện, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hơn 60% tỷ trọng phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Đầu tư hạ tầng cũng được địa phương rất chú trọng, 100% thôn bản có lưới điện, 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.
Hiện nay, Điện Biên luôn đạt tốc độ phát triển kinh tế khá cao so với khu vực. Điển hình nhất là năm 2023, tốc độ tăng trưởng đứng thứ 4 trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đứng 27 trong cả nước. Quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng đạt 6,07%, đứng thứ 4 trong vùng và thứ 25 cả nước.
Những năm qua, dù đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm song Điện Biên vẫn là một trong những tỉnh nghèo. Ngoài nguồn lực hạn chế, đâu là thách thức của tỉnh, thưa ông?
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của cả nước, xa thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên hiện nay, thách thức lớn nhất là khả năng kết nối giữa Điện Biên và các địa phương khác.
Bên cạnh đó, việc phát triển giữa các địa phương trong tỉnh không đồng đều, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao... cũng là trở ngại lớn.
Đã xác định rõ những khó khăn, thách thức như vậy, tỉnh sẽ làm gì để vượt qua, thưa ông?
Điện Biên luôn xác định phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Vì vậy, tỉnh phối hợp rất chặt chẽ với Bộ GTVT đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ, kết nối Điện Biên với Hà Nội, thông qua quốc lộ 6 và quốc lộ 12; mở rộng đường kết nối với các tỉnh Lào Cai, Lai Châu…
Đặc biệt, để rút ngắn thời gian di chuyển, khai thác hết tiềm năng lợi thế của tỉnh, Điện Biên đã tập trung nguồn lực cùng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hoàn thành nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, rút ngắn về mặt địa lý và thời gian giữa Điện Biên với cả nước.
Cùng đó, chúng tôi chú trọng tạo kết nối trong nội bộ. Đến nay, mạng lưới đường giao thông từ tỉnh đến huyện, xã đều đã được cứng hóa.
Trước đây, từ TP Điện Biên Phủ đi huyện Mường Nhé phải mất 7 giờ di chuyển bằng ô tô, thường xuyên bị chia cắt trong mùa mưa lũ. Nay, hệ thống đường giao thông đã được nâng cấp, cải tạo nên việc kết nối đã thông suốt, thời gian di chuyển đã giảm xuống chỉ còn 3,5 giờ.
Giờ đây, với việc sân bay Điện Biên đã được nâng cấp, mở rộng, tỉnh sẽ tận dụng lợi thế này ra sao?
Điện Biên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, là nơi có các di tích quốc gia đặc biệt. Cùng đó là bản sắc văn hóa của 19 dân tộc, với nhiều nét độc đáo; danh lam thắng cảnh đẹp... Đây là những tiềm năng lớn để khai thác du lịch với 3 trụ cột chính là du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch văn hóa, bản sắc các dân tộc và du lịch thể thao, nghỉ dưỡng, kết hợp danh lam thắng cảnh.
Điện Biên cũng chú trọng mời gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, cung cấp các sản phẩm mới về du lịch, nhất là khai thác tốt đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đến Điện Biên. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến mở các đường bay mới từ các tỉnh đến Điện Biên, trong đó đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ mở được ít nhất một đường bay nội địa từ Đà Nẵng hoặc Khánh Hòa, tiến tới mở các đường bay thẳng từ quốc tế đến Điện Biên.
Từ khi sân bay được mở rộng, khách du lịch đến với Điện Biên ra sao, thưa ông?
Sau khi mở lại đường bay đến Cảng hàng không Điện Biên, lượng khách đến với Điện Biên tăng rất cao. Đặc biết, từ tháng 12/2023 đến nay, lượng khách đến với Điện Biên đã tăng đột biến.
Hiện khách du lịch đến với Điện Biên đã tăng 1,46 lần so với cùng kỳ của năm 2023; doanh thu từ du lịch tăng 1,48 lần so với trước.
Theo ghi nhận của các hãng hàng không, chuyến bay đến Điện Biên có lượng khách khá ổn định, là một trong những chuyến bay có tỷ lệ hiệu quả khai thác cao nhất. Trong đó, Vietnam Airlines có tỷ lệ khai thác đạt trên 80% số ghế, Viet Jet đạt trên 90%.
Giao thông kết nối đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, Điện Biên sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế này như thế nào trong thời gian tới?
Tới đây, tỉnh sẽ chú trọng thu hút đầu tư, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, trong đó đã quy hoạch xây dựng 6 sân golf, đầu tư cáp treo đến Sở chỉ huy và Đài quan sát cách đây 70 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đồng thời, chúng tôi sẽ xây dựng các khu du lịch tâm linh, sinh thái... Thực tế hiện nay đã có các tập đoàn lớn như Danko, Sun, Vingroup đến khảo sát, đầu tư trên địa bàn.
Điện Biên sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Để tiếp tục bứt phá, Điện Biên có đề xuất gì với Trung ương về nguồn lực, thưa ông?
Hiện nay, Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn, chúng tôi rất mong được Đảng, Nhà nước có chính sách ưu tiên hơn trong việc phân bổ nguồn lực cho địa phương.
Trong đó, tăng tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách tỉnh để đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Tăng tỷ lệ dư nợ vay cho ngân sách địa phương so với bình quân chung của cả nước, vì theo quy định hiện nay, trần nợ công của tỉnh chỉ chiếm 20% tổng thu. Nếu được nâng lên, địa phương sẽ có nhiều lợi thế trong việc huy động nguồn lực, nhất là vốn ODA để đầu tư, phát triển.
Cám ơn ông!
Nhóm PV (thực hiện)
Thiết kế: Vân Anh - Thảo Nguyên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận