Trước đó, vào lúc 16h ngày 25/1, Sở Y tế Sóc Trăng tiếp nhận thông tin một số ca nghi ngờ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố sau ăn bánh mì mua tại cơ sở ở đường Hai Bà Trưng, phường 1, thành phố Sóc Trăng, có nhiều người phải nhập viện.
Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp Trung tâm y tế thành phố Sóc Trăng xác minh vụ việc theo quy định. Ngày 25/1, Trung tâm Y tế thành phố Sóc Trăng xác định có hơn 30 ca nhập viện cấp cứu, điều trị.
Các bệnh nhân đều có sử dụng bánh mì Thu Hà (bánh mì, pate, chả lụa, chà bông, dưa leo…) mua trên đường Hai Bà Trưng, phường 1, thành phố Sóc Trăng. Sau ăn, những người này xuất hiện các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt...
Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đã kiểm tra tại hai cơ sở, gồm tại điểm kinh doanh bánh mì Thu Hà, địa chỉ số 2, đường Hai Bà Trưng, khóm 1, phường 1, thành phố Sóc Trăng và lấy mẫu hai sản phẩm gồm pate gan và thịt nguội để kiểm nghiệm. Đồng thời xét nghiệm test nhanh một mẫu chả lụa chưa phát hiện hàn the trong sản phẩm.
Còn tại cơ sở của hộ kinh doanh Thái Thị Thu Hà, địa chỉ số 22 Nguyễn Văn Hữu, khóm 3, phường 1, thành phố Sóc Trăng, đoàn kiểm tra phát hiện có một sản phẩm chà bông thịt heo chưa xuất trình được hồ sơ tự công bố sản phẩm.
Đoàn đã niêm phong 95kg sản phẩm chà bông thịt heo, đồng thời lấy mẫu để kiểm nghiệm.
Nhận định ban đầu của Sở Y tế Sóc Trăng, tất cả bệnh nhân nhập viện cấp cứu, điều trị đều có ăn bánh mì mua từ cơ sở Thu Hà nên khả năng đây chính là nguyên nhân gây ngộ độc hàng loạt.
Theo số liệu ghi nhận đến 15h ngày 26/1, số ca nhập viện tiếp tục gia tăng (riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thêm 14 ca nhập viện), nâng tổng số ca trong vụ ngộ độc là 49 ca. Hiện, tất cả bệnh nhân nhập viện sức khỏe đã ổn định.
Bác sĩ Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng cho biết: "Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục thực hiện quy trình điều tra, xử lý vụ ngộ độc, hướng dẫn Trung tâm Y tế thành phố xử lý trường hợp này và kiểm tra cơ sở sản xuất theo thẩm quyền quản lý.
Chúng tôi cũng thông báo tất cả cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thống kê báo cáo số lượng bệnh nhân có các triệu chứng ngộ độc sau khi ăn bánh mì mua tại cơ sở bánh mì nêu trên. Đồng thời tập trung nguồn lực cấp cứu điều trị những trường hợp ngộ độc đang điều trị tại bệnh viện".
"Sở Y tế tiếp tục theo dõi chỉ đạo về diễn tiến và kết quả xử lý sau khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm", bác sĩ Trần Văn Dũng cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận