Cầu Tăng Long (quận 9) rất nhỏ hẹp trong khi lượng phương tiện qua lại rất đông |
Dự án xây dựng mới cầu Tăng Long trên địa bàn quận 9 ban đầu chỉ có vốn đầu tư 91 tỷ đồng và đã được HĐND TP.HCM thông qua vào tháng 4/2016. Tuy nhiên, mới đây Sở GTVT thành phố đề xuất nâng quy mô thiết kế và tổng mức đầu tư lên 450 tỷ đồng.
Cây cầu huyết mạch thường xuyên ách tắc
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND Q9 cho biết, cầu Tăng Long nằm trên đường Lã Xuân Oai (sát Khu công nghệ cao TP.HCM) thường xuyên xảy ra kẹt xe do cầu nhỏ và yếu. Đường Lã Xuân Oai gần như độc đạo, nối trung tâm Q9, ngã tư Thủ Đức với các phường: Long Trường, Trường Thạnh, Long Phước... Đặc biệt, khi Khu công nghệ cao Samsung mới được mở rộng, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên, lưu lượng xe cộ qua lại tăng rất cao với khoảng 10 nghìn lượt/ngày. Trước nhu cầu bức xúc trên, Q9 đã đề nghị Sở GTVT, lãnh đạo TP.HCM khẩn trương đầu tư cầu mới, giảm ách tắc giao thông khu vực này.
Cầu Tăng Long là hiện trường xảy ra vụ côn đồ hành hung và cướp máy quay phim của PV Báo Giao thông năm 2015. Cầu này chỉ chịu tải trọng 13 tấn nhưng hàng ngày vẫn phải “oằn mình” cõng những chiếc xe nặng mấy chục tấn chạy như hung thần. Trước tình hình này, Báo Giao thông đã cử hai PV Vĩnh Phú và Linh Hoàng tác nghiệp phản ánh tình trạng xe quá tải hoành hành tại đây. Khi đang tác nghiệp, cả hai PV bị côn đồ hành hung, cướp máy quay phim. Sau đó, Công an Q 9 đã khởi tố vụ án nhưng sau đó lại đình chỉ vì không tìm được thủ phạm… |
Còn theo Sở GTVT TP.HCM, cầu Tăng Long cũ có khẩu độ thông thuyền và tĩnh không quá nhỏ, tàu thuyền lớn không lưu thông được. Đồng thời, kết cấu cầu là dầm thép bê tông liên hợp, có bề rộng mặt cắt ngang nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại của người dân trong khu vực. Do vậy, Sở GTVT đã đề xuất TP cấp vốn xây dựng mới cầu này. Hiện, dự án đã được TP thông qua quyết định đầu tư công, Sở GTVT đang hoàn thành các bước tiếp theo để thẩm định phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu... Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2016-2018.
Theo thiết kế, cầu được bố trí hệ thống chiếu sáng đầy đủ, các ống trên thành cầu phục vụ nhu cầu luồn cáp điện, viễn thông, bố trí hệ thống báo hiệu đường thủy. Điểm đầu cầu là nút giao đường Lã Xuân Oai - D2. Điểm cuối là nút giao Lã Xuân Oai - đường Lò Lu.
Thay đổi thiết kế, tăng chi phí GPMB
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trước đây chủ trương của HĐND TP thông qua là cầu có chiều dài 200m, rộng 10m với hai làn xe (cầu cũ một làn xe). Ban đầu, cầu không phải GPMB; Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khi Sở GTVT phối hợp với khu công nghệ cao thực hiện chủ trương kết nối hạ tầng đồng bộ, có nhiều yếu tố cần điều chỉnh.
Hiện, lượng hàng hóa của khu công nghệ cao đang di chuyển ra các cảng biển chủ yếu bằng đường bộ, gây quá tải khu vực này. Trong chiến lược phát triển, khu công nghệ cao sẽ tập trung khai thông các tuyến đường thủy, dự kiến sẽ làm cảng nội địa khoảng 10ha tại đây.
Cũng theo ông Cường, tuyến đường thủy nội địa sẽ chạy qua sông Rạch Chiếc, kết nối với sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Tuyến đường thủy này cũng sẽ đi dưới cầu Tăng Long mới, trong khi quy hoạch là sông cấp 4 phải sâu 6m, rộng 30m. Do vậy, khi đầu tư đồng bộ, Sở GTVT xem xét, đề xuất nâng cầu dài 218m, rộng 23m với 6 làn xe (mỗi chiều 3 làn xe). Đồng thời, chi phí GPMB tăng thêm 100 tỷ đồng, chi phí xây dựng cũng tăng lên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận