Malaysia bắt đầu cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề biển Đông |
Trong một bài luận đăng trên tờ New York Times mang tên “Tranh chấp biển Đông: Quan điểm của Bắc Kinh” xuất bản ngày 1/6 theo giờ Việt Nam, ông Zhu Haiquan, cố vấn báo chí, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã đưa ra một số quan điểm trái với thực tế.
Theo đó, ông Zhu Haiquan ngang nhiên tuyên bố: “Trung Quốc đang thực thi quyền pháp lý qua việc gìn giữ chủ quyền các hòn đảo trên biển Đông”. Thực tế, Trung Quốc đang thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi pháp và bành trướng, trong đó đòi gần 90% diện tích biển Đông, bỏ ngoài tai tuyên bố chủ quyền của các nước khác trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia. Riêng Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, theo Reuters.
Tiếp tục những luận điểm ngang ngược, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nói: “Trung Quốc luôn luôn theo sát các biện pháp ngoại giao và kiềm chế trên biển Đông. Các hoạt động xây dựng trên đảo đá chỉ nhằm mục đích hòa bình và không ảnh hưởng tới tự do hàng hải và hàng không trong khu vực”.
Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác. Vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động bồi đắp, cải tạo, biến đổi hiện trạng trên biển Đông. Thậm chí, Trung Quốc còn xây dựng đường băng rồi đưa vũ khí, phương tiện quân sự ra các đảo đá nhân tạo này. Những hành động đó đã khiến cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại. Liệu Trung Quốc có thực sự kiềm chế trên biển Đông khi liên tục đưa tàu hải cảnh, chở người có vũ trang tới các khu vực tranh chấp do thám; đưa hàng trăm tàu thuyền đánh cá tới khu vực đánh bắt cá truyền thống của các nước khác như đã làm với Việt Nam và Malaysia?
Trong ngày 1/6, hãng tin Reuters nhận định Malaysia đã phải lên tiếng sau khi Trung Quốc gia tăng những hành động khiêu khích trên biển Đông. Hãng tin này nhắc lại thông tin tháng 3 năm nay, Hải quân Malaysia được phen sốc nặng khi tàu hải cảnh của Trung Quốc tới khu vực bờ biển ngoài khơi bang Sarawak và có động thái chống trả quyết liệt như phóng tàu tốc độ cao, rú còi ầm ĩ khi bị xua đuổi. “Hành động đó nhắm vào tàu thuyền chấp pháp của Malaysia và có khả năng gây nguy hiểm” - một quan chức Cơ quan Thực thi pháp luật Hải quân Malaysia (MMEA) nói.
Sự việc “gây sốc” trên và sự xuất hiện khoảng 100 tàu thuyền đánh cá Trung Quốc tại khu vực cụm bãi cạn Luconia thời gian gần đây khiến nhiều quan chức Malaysia không thể im lặng trước “người hàng xóm khổng lồ”. Dù Malaysia có mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, có nhiều mối liên hệ về thương mại và đầu tư; nhưng một Bộ trưởng Malaysia giấu tên khẳng định, Malaysia cần phải cứng rắn chống lại những hành động xâm phạm chủ quyền.
Gần đây, sau khi nhiều lần phát hiện tàu đánh cá Trung Quốc bén bảng tới khu vực Nam bãi cạn Luconia – khu vực đánh bắt cá trên thềm lục địa của bờ biển bang Sarawak, Malaysia lập tức đưa hải quân ra ứng phó và triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Malaysia để giải thích rõ nguyên nhân. Mặc dù, ở các sự việc tương tự trước đó, Malaysia đều im lặng, theo Reuters.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận