Nhiều chính trị gia của Mỹ cho rằng tiến trình phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) là một cuộc đua vũ trang và Washington có nguy cơ tụt sau Bắc Kinh nếu không nhanh chóng cải thiện đầu tư và nghiên cứu vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc coi những sự tiến bộ trong công nghệ AI vào là cuộc đua vũ trang lại là sai lầm trầm trọng, có thể ảnh hưởng tới không chỉ Mỹ.
Không có lợi nếu ăn thua với Trung Quốc
Trong cuộc tranh luận tranh cử tổng thống năm 2020 của Đảng Dân chủ, ứng viên Andrew Yang, người vốn là kỹ sư công nghệ nhấn mạnh rằng: “Nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ thua đau trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo trước Trung Quốc”. Ông dẫn bằng chứng, Bắc Kinh đã có thể tiếp cận tới số lượng dữ liệu khổng lồ cũng như đầu tư trong các hoạt động phát triển và nghiên cứu trí thông minh nhân tạo.
Andrew Yang và một số chuyên gia khác, người của Uỷ ban An ninh Quốc gia Mỹ về trí thông minh nhân tạo, vừa công bố báo cáo sơ bộ lên Quốc hội Mỹ hồi tháng trước, có lẽ đã đúng khi nhận định về sức mạnh hiện tại của Trung Quốc trong phát triển AI cũng như những mối lo ngại nghiêm trọng cần phải được nêu ra tại Mỹ. Thực tế rõ ràng cho thấy, Trung Quốc đang theo đuổi AI vì mục đích quân sự.
Nhưng, điều đáng nói ở đây, Mỹ và Trung Quốc cần phải tìm ra cách để đàm phán và hợp tác về AI. Việc vừa kết hợp giữa cạnh tranh hiệu quả và hợp tác suôn sẻ sẽ mang đến nhiều lợi ích cho Mỹ hơn là tiếp cận theo cách thức như một cuộc đua vũ trang.
Tờ Foreign Policy đăng tải bài viết giải thích về nhận định trên từ hai chuyên gia là ông Tim Hwang, cựu Giám đốc về Đạo đức và Việc quản lý sáng kiến AI của Harvard-MIT, từng là người phụ trách về chính sách cộng đồng toàn cầu của Google về trí thông minh nhân tạo và ông Alex Pascal, học giả đang nghiên cứu trong chương trình Các mối quan hệ quốc tế và công nghệ thuộc Quỹ Carnegie vì hoà bình quốc tế.
Ai lập ra quy định, người đó sẽ thắng
Theo hai vị chuyên gia, mặc dù hiện nay đã có rất nhiều tuyên bố cho rằng AI sẽ thay đổi gần như tất cả mọi thứ trong cuộc chiến nhưng xét trong tương lai gần, AI sẽ chỉ có thể cải thiện các nền tảng hiện tại, hỗ trợ xây dựng những hệ thống không người lái như: Máy bay, xe hơi. Việc phải đảm bảo Mỹ đi trước các đối thủ về quân sự và ứng dụng thông minh nhờ AI là điều quan trọng và đáng đầu tư. Tuy nhiên, những ứng dụng đó chỉ là một yếu tố nhỏ trong xu hướng phát triển AI và không nên chi phối toàn bộ cách tiếp cận của Mỹ.
Hiện tại, để nói chính xác những yếu tố nào quyết định người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh phát triển AI hay chỉ đơn giản là phát triển tốt hơn trên quy mô quốc gia là rất khó.
Theo hai chuyên gia, Uỷ ban An ninh Quốc gia Mỹ có thể đúng khi nói rằng, “việc phát triển AI không được tách rời xu hướng cạnh tranh chiến lược mới nổi với Trung Quốc cũng như những diễn biến trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn” và việc Mỹ dẫn đầu trong AI là bắt buộc.
Tuy nhiên, dẫn đầu không có nghĩa là có chiến thắng. Việc duy trì ưu thế trong lĩnh vực AI là cần thiết nhưng chưa đủ. Một người lãnh đạo toàn cầu thực thụ đòi hỏi phải có khả năng lập ra các quy định và thông lệ cho các ứng dụng AI, đảm bảo những lợi ích từ AI có đóng góp cho toàn cầu trên quy mô lớn và công bằng đồng thời bình ổn những cuộc đua quyền lực có thể dẫn tới xung đột thảm hoạ.
Do đó, nó đòi hỏi Mỹ phải hợp tác với không chỉ các quốc gia đang có quan hệ hữu nghị mà còn cả những đối thủ lớn như Trung Quốc. Nhưng, bản báo cáo gần đây về AI của Uỷ ban An ninh Quốc gia Mỹ lại không mấy chú ý tới vấn đề này.
Các chuyên gia cho rằng, nếu dùng từ “cuộc đua vũ trang” AI, nó sẽ thu hút sự chú ý từ báo giới nhưng nếu Mỹ và Trung Quốc cứ mãi cạnh tranh không kiểm soát, sẽ đặt ra những mối hiểm hoạ đẩy Mỹ và toàn bộ thế giới vào tình thế nguy hiểm.
Thời điểm này, Washington và Bắc Kinh cần công nhận “cuộc đua vũ trang AI” là một cuộc chơi không có người chiến thắng. Thay vào đó, cả hai cường quốc cần đi đầu bằng cách nâng cấp công nghệ nhằm khởi động những cuộc đàm phán giữa hai bên và tăng cường hợp tác thiết thực, cùng mang đến lợi ích cho toàn thế giới trong tiến trình phát triển AI.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận