Vé điện tử đã đường ngành Đường sắt áp dung, mang lại thuận lợi cho hành khách
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về cảm nhận, suy nghĩ của ông về ngành Đường sắt nhân chuyến công tác Quảng Bình bằng tàu hỏa.
Đánh giá về những tiến bộ của ngành Đường sắt thời gian gần đây, ông viết: “Tiến bộ rõ rệt nhất của ngành Đường sắt là thông qua dịch vụ khai thác khách hàng. Không còn cái vé nhỏ tí tẹo mà nằm trên tàu lúc nào cũng sợ bị rơi mất, khiến không thể ra khỏi nhà ga khi tàu đỗ. Vé điện tử thuận tiện đổi hoàn giúp tôi có cảm giác sắp lên tàu ở nơi nào đó bên trời Âu”.
“Sáng kiến hợp tác bán vé cả chuyến tàu cho các công ty lữ hành có thể coi là đột phá. Tôi tin chắc nếu không có dịch Covid-19, đây sẽ là giải pháp nâng cao doanh số của cả ngành. Vậy, nhưng ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất nhiều đất để phát triển như wifi trên tàu, phần mềm theo dõi hành trình di chuyển của tàu, cảnh báo qua điện thoại tàu sắp đến ga lẻ... Khách đi tàu thế kỷ 21 là những người khó tính. Nhưng còn gì tuyệt vời hơn khi họ di chuyển nhưng vẫn được làm việc, giải trí không khác gì ở nhà”, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Ông cũng cho biết, theo một hành khách “trung thành” với tàu hỏa, đường sắt có những ưu thế riêng, đó là: An toàn nhất so với các phương tiện giao thông khác kể cả máy bay; không mất thủ tục phiền hà check-in như viết cam kết với các cụ trên 80 tuổi hay phụ nữ mang thai...; tàu đến ga ngay trong thành phố ngày hay đêm thì chỉ nửa tiếng sau là có mặt tại nhà. Và những ưu thế này cần được ngành Đường sắt đẩy mạnh quảng cáo để thu hút hành khách.
Những suy nghĩ của ông nhận được rất nhiều bình luận đồng thuận. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ngành Đường sắt cần cải thiện chất lượng dịch vụ.
Chẳng hạn, trong khi toa xe tương đối thoải mái, sạch sẽ thì buồng vệ sinh trên tàu luôn là nỗi ám ảnh. Vì có cái thì sạch sẽ, thiết bị hiện đại; nhưng có cái vẫn chật chội, đến đứng còn khó, chưa kể mùi hôi nồng nặc. Rồi hành trình tàu vốn đã dài, lại thêm khoản hay chậm giờ tàu...
Lý giải nguyên nhân, một số người cho hay, thực tế “căn bệnh kinh niên” này của tàu khách Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều trong khoảng 4 - 5 năm gần đây khi ngành Đường sắt thực hiện hàng loạt giải pháp đổi mới chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, do việc đầu tư chưa được đồng bộ, dẫn đến việc chất lượng chưa đồng đều, chỉ cần hành khách đi đúng toa xe cũ, buồng vệ sinh kiểu cũ sẽ dẫn đến “ác cảm”, không muốn đi tàu.
“Hạ tầng cũ kĩ, chờ cải thiện thì cần nhiều vốn và thời gian. Nhưng điều ngành Đường sắt có thể làm ngay, nếu muốn hút khách, là đẩy mạnh ngay chất lượng dịch vụ đồng đều trên cả đoàn tàu, trên các tuyến…”, một Facebooker viết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận