Ngày 9/12, cảnh sát Bỉ bắt giữ bà Eva Kaili - Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu, nghị sĩ Đảng Phong trào Xã hội toàn Hy Lạp (PASOK) và 4 người khác để thẩm vấn phục vụ cuộc điều tra tham nhũng và rửa tiền liên quan đến một quốc gia vùng Vịnh.
Trước thông tin trên, ông Michiel van Hulten, Giám đốc tổ chức thực hiện chiến dịch chống tham nhũng Transparency International, cho biết “Đây không phải trường hợp duy nhất. Trong nhiều thập kỷ qua, Nghị viện châu Âu đã cho phép văn hóa miễn truy cứu trách nhiệm được phát triển, thiếu quy định tài chính, kiểm soát và hoàn toàn thiếu biện pháp giám sát độc lập về mặt đạo đức của các nghị sĩ”.
Đồng thời, ông Van Hulten đề nghị cải cách “từ gốc tới ngọn” Nghị viện châu Âu.
Ông Alberto Alemanno, Giáo sư luật tại Belgium (Bỉ), cho rằng vụ bắt giữ một số cá nhân, bao gồm một Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu, trong cuộc điều tra tham nhũng, hé lộ nhiều góc khuất về đạo đức của các nghị sĩ thuộc tổ chức này cũng như quy mô ảnh hưởng từ bên ngoài đối với EU.
Bà Eva Kaili - một trong số các Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu. Ảnh - Getty
Một phát ngôn viên văn phòng công tố viên liên bang Bỉ cho biết 5 cá nhân bị bắt giữ đã bị thẩm vấn vào ngày 10/12. Trao đổi với hãng tin AFP, một nguồn tin am hiểu sự việc cho biết ít nhất 3 người trong số đó là công dân Italy hoặc đến từ quốc gia này. Ngoài ra, chồng của bà Kaili - ông Francesco Giorgi, nghị sĩ thuộc Liên minh tiến bộ Xã hội và Dân chủ của Nghị viện châu Âu, cũng nằm trong số những người bị bắt.
Một số nguồn tin khác cho biết, ông Pier-Antonio Panzeri - cựu nghị sĩ người Italy tại Nghị viện châu Âu, cũng bị bắt. Một nguồn tin chính phủ tại Rome xác nhận với AFP rằng vợ và con gái ông Panzeri đã bị tạm giam.
Vụ bắt giữ theo sau đợt khám xét nhiều địa điểm tại Brussels, Bỉ. Các công tố viên Bỉ cho hay cảnh sát đã thu giữ nhiều máy tính, điện thoại và số tiền mặt lên tới 600.000 Euro (630.000 USD).
Tờ L’Echo của Bỉ đưa tin cảnh sát phát hiện một vài chiếc túi chứa đầy tiền tại căn hộ ở Brussels của bà Kaili.
Công tố viên Bỉ không nêu cụ thể quốc gia liên quan tới cuộc điều tra tham nhũng và rửa tiền nhưng một nguồn tin am hiểu sự việc xác nhận với AFP rằng đây là chủ nhà World Cup 2022 - Qatar. Công tố viên cũng cho biết quốc gia liên quan tới cuộc điều tra bị cáo buộc gây ảnh hưởng tới quyết định của Nghị viện châu Âu bằng cách chi ra số tiền lớn hoặc quà cáp cho những nhân vật cấp cao tại tổ chức này.
Bà Kaili là 1 trong số 14 Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu. Vào tháng 11, trước thềm khai mạc World Cup, bà Kaili có cuộc gặp Bộ trưởng Lao động Qatar Ali bin Samikh Al Marri.
Chia sẻ với một hãng tin Qatar, bà Kaili từng khẳng định World Cup là công cụ hữu hiệu để cải cách chính trị đối với người Ả Rập. Trong một bài phát biểu sau đó tại Nghị viện châu Âu, bà Kaili cũng cho rằng World Cup tại Qatar đã chứng minh ngoại giao thông qua thể thao có thể giúp một quốc gia đạt thay đổi mang tính lịch sử.
Sau thông tin về vụ bắt giữ bà Kaili, Chủ tịch Đảng Phong trào Xã hội toàn Hy Lạp (PASOK) Nikos Androulakis đã tuyên bố khai trừ bà khỏi đảng.
Ngày 10/12, Liên minh tiến bộ Xã hội và Dân chủ của Nghị viện châu Âu cũng thông báo đình chỉ tư cách thành viên của bà Kaili.
Về phần mình, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cho biết cơ quan này không dung túng hành vi tham nhũng, khẳng định sẽ hợp tác với cơ quan điều tra.
Trao đổi với AFP, một quan chức Chính phủ Qatar khẳng định không có thông tin về một cuộc điều tra liên quan tới quốc gia này, khẳng định tất cả thông tin về việc Chính phủ Qatar vi phạm quy định, luật lệ quốc tế đều là sai sự thực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận