Hai cán bộ liên quan vụ Đường "Nhuệ" thế nào?
Chiều 21/4, ông Vũ Hải Đăng, Chánh văn phòng Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thái Bình cho biết, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Thái Bình vừa có quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với 2 cán bộ gồm Trịnh Thị Minh Thúy (SN 1970, ở tổ 5, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, là Trưởng phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình) và Hà Văn Dũng (SN 1984, ở tổ 9, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, là nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình) vừa bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án Đường “Nhuệ”.
Cũng theo lời ông Đăng chia sẻ, từ trước đến nay, cơ quan chưa có trường hợp nào bị bắt tạm giam vì vi phạm pháp luật. Hai cán bộ mới bị bắt luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, sống chan hòa, đoàn kết với đồng nghiệp. Vì vậy, khi sự việc xảy ra, toàn cơ quan đều rất bất ngờ. Lãnh đạo Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cán bộ ở trung tâm tập trung ổn định công tác, tránh để công việc bị đình trệ. Đồng thời, mong muốn cơ quan chức năng sớm có kết quả điều tra về vụ việc.
Trước đó, chiều 17/4, ông Phạm Cao Quân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình cho biết, Công an Thái Bình đã niêm phong và thu giữ toàn bộ tài liệu có liên quan tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh sau khi 2 cán bộ là Phạm Văn Hiệp và Vũ Gia Thành của Trung tâm bị bắt tạm giam. Trong quá trình công tác, lãnh đạo Sở Tư pháp chưa nhận được phản ánh về tiêu cực của các cán bộ bị bắt giữ. 2 cán bộ này luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Về sự liên quan đến vụ án “Đường Nhuệ”, ông Quân cho biết, việc 2 cán bộ này có liên quan như thế nào đến Đường Nhuệ thì phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền. Sở cũng xem xét các hình thức xử lý căn cứ vào kết quả điều tra về vụ án. Hai cán bộ thuộc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình cũng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng theo quy định.
Trước đó, ngày 16/4, thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho hay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với 4 bị can để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
4 bị can gồm: Phạm Văn Hiệp (SN 1984, ở tổ 36, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, là Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình), Vũ Gia Thành (SN 1977, ở tổ 7, Phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, là Đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình), Trịnh Thị Minh Thúy (SN 1970, ở tổ 5, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, là Trưởng phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình) và Hà Văn Dũng (SN 1984, ở tổ 9, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, là nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình).
Vì sao Đường nhuệ thâu tóm được dịch vụ hỏa táng?
Dư luận tỉnh Thái Bình đang xôn xao về vụ án Đường “Nhuệ” cùng đồng bọn thực hiện một loạt hành vi phạm pháp trong một thời gian dài nhưng không bị xử lý. Đặc biệt là việc tổ chức thu “tiền phế” đối với cả người đã khuất.
Để tìm hiểu thêm nội dung liên quan, PV Báo Giao thông đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Trần Ngọc Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long (Nam Định).
Theo đó, ngoài những thông tin đã được công bố, ông Giao còn cho biết, băng nhóm Đường “Nhuệ” không chỉ thu 500.000 đồng/ca hỏa táng mà số tiền phải nộp có thể từ 13- 14 triệu đồng.
“Công ty của tôi chỉ thu tiền dịch vụ là 4,3 triệu đồng. Số tiền còn lại đều do Đường “Nhuệ” xử lý. Vậy chắc chắn phải có sự “cấu kết” đặc biệt nào đó, Đường “Nhuệ” mới có thể thâu tóm được các đơn vị kinh doanh mảng dịch vụ này”, ông Giao cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo trình bày của ông Giao, việc này khó có được bằng chứng chính xác ngoài những thông tin người dân “rỉ” tai nhau hoặc bình luận trên các trang mạng xã hội. Bản thân ông Giao cũng rất mong muốn cơ quan Công an tỉnh Thái Bình có thể điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định.
Theo tìm hiểu, Công an tỉnh Thái Bình đã thu thập nhiều hồ sơ tài liệu liên quan đấu giá đất đai tại Trung tâm đấu giá; Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Thái Bình và Trung tâm phát triển quỹ đất tại các huyện Đông Hưng, Kiến Xương... Nhiều cán bộ được triệu tập để làm việc và vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Được hỏi về sự việc, lãnh đạo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thái Bình cho biết những cán bộ bị bắt không thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh nhưng cơ quan này đã cho người xuống trực tiếp chỉ đạo Ủy ban kiểm tra khối các cơ quan cấp dưới thực hiện việc kiểm tra, xử lý theo quy định.
Một thông tin khác, sau khi Nguyễn Xuân Đường bị bắt, hoạt động tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình và Nam Định vẫn diễn ra bình thường. Các dịch vụ hỏa táng từ Thái Bình đưa sang Nam Định đã tăng lên.
Ông Trần Ngọc Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long cho biết, cơ quan công an cũng đã có buổi làm việc và ông đã trình bày cơ bản những sự việc liên quan đến Đường “Nhuệ” cướp việc của Công ty Thành Phát, ăn chặn tiền của các cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình trong những năm qua.
Theo ông Giao, Công ty Thành Phát đang làm ăn yên ổn, giá cả hỏa táng ổn định, thì Đường “Nhuệ” nhúng tay vào đề nghị phía Hoàng Long để cho ông ta độc quyền nhận các ca hỏa thiêu ở Thái Bình.
Ông Giao đã không đồng ý nên trong suốt 2 tháng, Đường “Nhuệ” cho đàn em chặn tất cả các xe tang lễ không cho chở người đi hỏa táng tại Nam Định, bắt phải đưa sang hỏa táng tại Hải Phòng.
Trước đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, thượng tá Nguyễn Thanh Trường cho biết, ngoài vụ án đã khởi tố, cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ việc Đường “Nhuệ” có hay không các hành vi phạm tội khác liên quan đến đấu thầu giá đất, ăn chặn tiền hỏa táng, cho vay nặng lãi… Cơ quan điều tra cũng đã làm việc với nhiều cá nhân, đơn vị trong tỉnh Thái Bình và Nam Định về nội dung trên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận