Thời sự Quốc tế

Đình công liên tiếp, hoạt động đi lại ở nhiều nước châu Âu gián đoạn

Hàng loạt cuộc đình công khiến đường sắt Anh gần như tê liệt và hàng trăm chuyến bay tại châu Âu bị gián đoạn.

Anh: Đình công liên tiếp

Theo hãng tin Guardian, hôm nay (27/6), dự kiến Công đoàn Giao thông, Hàng hải, Đường sắt của Anh và các lãnh đạo ngành đường sắt sẽ nối lại các cuộc đàm phán để giải quyết bế tắc liên quan tới bức xúc của lao động về việc làm.

Trong đó, Ủy ban điều hành quốc gia của RMT ủng hộ tiếp tục đình công thêm nhiều ngày nữa vì Thủ tướng Anh vừa tuyên bố ủng hộ kế hoạch đóng cửa các phòng bán vé.

Ngày biểu tình gần nhất là hôm 25/6 khiến hệ thống đường sắt tại Anh tiếp tục tình trạng gần như đình trệ khi hàng chục nghìn lao động trong ngành này đình công. Hai lần trước đó là ngày 21/6 và 23/6 để yêu cầu tăng lương và đảm bảo việc làm.

Chỉ ⅕ số chuyến tàu tại Anh vận hành trong ngày 25/6 so với bình thường, giờ hoạt động buổi sáng bị muộn và giờ kết thúc lại sớm.

img

Ga tàu Waterloo vắng bóng người trong bối cảnh các cuộc đình công của công nhân đường sắt đang diễn ra tại Anh. Ảnh - AFP

Hiệp hội đường sắt RMT cho biết các cuộc đình công trong tuần trước vì thực trạng lương công nhân không theo kịp lạm phát vốn đã tăng tới mức cao nhất trong 40 năm qua tại Anh.

Trong khi đó, giám đốc điều hành Network Rail Andrew Haines cho rằng quyết định tổ chức thêm một ngày đình công của RMT là không cần thiết và thiếu suy xét, ảnh hưởng tới hoạt động đi lại của hành khách.

Hiện tại, dịch vụ tàu đã trở lại bình thường nhưng đại diện RMT tuyên bố khả năng sẽ tổ chức thêm các cuộc lãn công vào cuối tháng 7.

img

Nhân viên đường sắt Anh đình công, đòi quyền lợi về lương bổng và đảm bảo việc làm. Ảnh - Guardian

Về phía mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, để khẳng định số tiền đã chi cho đường sắt bao gồm 95 tỉ bảng Anh vào kế hoạch đầu tư đường sắt là đúng đắn, ngành đường sắt cần chứng minh cho dịch vụ vận tải công cộng và người đóng thuế thấy những cải cách đáng kể trong cách vận hành.

Ông Johnson cho rằng, ngành đường sắt không thể tiếp tục cách vận hành như xưa với các hệ thống bán vé trực tiếp gần như không được sử dụng hoặc chỉ bán 1 vé/1 giờ.

Sự can thiệp của ông Johnson gần như sẽ thổi bùng căng thẳng giữa các công đoàn đường sắt, người lao động và Bộ Giao thông.

Đình công trong ngành hàng không trên khắp châu Âu

Tại các nước Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Bồ Đào Nha và Bỉ, cuối tuần qua cũng xảy ra các cuộc đình công của nhân viên thuộc hãng hàng không giá rẻ Ryanair (Ireland).

Tại Bỉ, đình công khiến chỉ có 41% số chuyến bay của Ryanair cất cánh từ sân bay Charleroi gần thủ đô Brussels hôm 25/6. Trước đó, hãng hàng không này đã buộc phải hủy 127 chuyến bay trong các ngày 24/6-26/6.

img

Nhân viên của hãng hàng không Ryanair đình công. Ảnh - AFP

Bỉ vừa chứng kiến cuộc đình công kéo dài 3 ngày, mới kết thúc vào ngày 25/6 của nhân viên hãng hàng không Brussels Airlines, thuộc sở hữu của hãng hàng không quốc gia Lufthansa của Đức. Kết quả, hãng bay phải hủy 60% tương đương 300 chuyến bay từ ngày 23/6 - 25/6.

Tại Tây Ban Nha, nhân viên của Ryanair cũng tham gia ngày đình công thứ 2 buộc chi nhánh ở đây phải hoãn nhiều chuyến bay.

Các nghiệp đoàn khác đại diện cho tiếp viên và phi công của hãng Ryanair ở Tây Ban Nha đã kêu gọi tiếp tục thực hiện một đình công khác từ ngày 30/6 đến ngày 2/7 tới.

Ngoài lý do đình công, hồi đầu tháng, sân bay Schiphol tại Amsterdam, Hà Lan thông báo sẽ buộc phải giới hạn số lượng hành khách và hủy chuyến trong hè này do thiếu nhân sự.

Đây vốn là nguyên nhân khiến hàng trăm chuyến bay tại châu Âu bị hủy, khiến hành khách phải xếp hàng đợi hàng giờ tại sân bay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.