Tại TCT Thăng Long - CTCP, đảng viên luôn đề cao trách nhiệm của mình trong các hoạt động sản xuất kinh doanh (Trong ảnh: Đường Vành đai 3, HN giai đoạn II do TCT Thăng Long tham gia thi công) - Ảnh: Trần Hải |
Thời gian, kinh phí hoạt động khó khăn
Do đặc thù ngành nghề cũng như sau CPH và thoái vốn, tổ chức Đảng, đoàn thể trong các DN ngành GTVT hiện đang thuộc nhiều cấp ủy khác nhau: Đảng bộ Bộ; Đảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư; Đảng bộ các địa phương. Qua khảo sát tại các DN, một số tổ chức Đảng, đoàn thể còn lúng túng, chưa chủ động đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới cũng như khẳng định được vai trò. Đặc biệt, tại các DN vốn Nhà nước không chi phối hay đã thoái hết vốn, hoạt động các tổ chức Đảng, đoàn thể gặp nhiều khó khăn. Quan hệ giữa cấp ủy với lãnh đạo DN thực tế chỉ là quan hệ phối hợp.
"DN cần tổ chức Đảng, đoàn thể trong việc tham gia hoạt động, xây dựng chiến lược phát triển SXKD, quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, đoàn viên. Ngược lại, tổ chức Đảng, đoàn thể cũng phải thể hiện được vai trò đối với sự phát triển của DN”. Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông |
Tại các DN cổ phần Nhà nước đã thoái hết vốn, lợi ích của các cổ đông được đặt lên hàng đầu. Hoạt động của tổ chức Đảng và đoàn thể thực chất phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu quản lý DN và phụ thuộc vào lợi nhuận của DN. Vì vậy, tổ chức Đảng, đoàn thể gặp nhiều khó khăn về thời gian, kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất để hoạt động.
Bà Trần Thị Thu Thủy, Bí thư Đảng ủy Công ty CP Dịch vụ du lịch đường sắt Hà Nội cho biết, lĩnh vực kinh doanh của DN này hiện nay hầu như không còn liên quan, phụ thuộc vào đường sắt. Hoạt động Đảng, đoàn thể gặp nhiều khó khăn do không được chủ DN tạo điều kiện, ủng hộ. Tổ chức Đảng không lãnh đạo, chỉ đạo và tất nhiên không được tham gia góp ý các chiến lược, kế hoạch phát triển hay công tác điều hành SXKD của DN.
“Ngay cả cán bộ Đảng, đảng viên cũng do DN điều chuyển, thay đổi vị trí công tác chuyên môn, ảnh hưởng đến sự ổn định, hoạt động công tác Đảng”, bà Thủy nói.
Đổi mới để khẳng định vai trò
Để duy trì, phát huy được vai trò của tổ chức Đảng, mới đây, đoàn kiểm tra của Ban Cán sự, Đảng ủy Bộ GTVT đã làm việc với nhiều tổ chức Đảng ở DN cổ phần. Tại đây, đồng chí Nguyễn Ngọc Đông, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, các tổ chức Đảng, đoàn thể cần đổi mới phương thức hoạt động linh hoạt, đóng góp vào hoạt động SXKD, phát triển của DN sao cho hài hòa giữa lợi ích chủ sở hữu và duy trì hoạt động các tổ chức đảng, đoàn thể.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT TCT Vận tải thủy - CTCP cho biết, luôn ủng hộ chủ trương lấy hoạt động Đảng, đoàn thể làm “xương sống” trong lãnh đạo DN. Đặc biệt, tổ chức công đoàn là nòng cốt để đoàn kết, chăm lo đời sống người lao động, góp phần đảm bảo sự đoàn kết bền vững. Ông Nguyên cũng cho biết, sẵn sàng tạo điều kiện để các tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động, kể cả về kinh phí. Tuy nhiên phải đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động để phù hợp với điều kiện của DN như: không có cán bộ Đảng, đoàn thể chuyên trách; các cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải tích cực tham gia, đóng góp vì sự phát triển chung của DN…
Tương tự, ông Vũ Hồng Phương, Bí thư Đảng ủy TCT Thăng Long - CTCP cho rằng, phải “định vị” tổ chức Đảng trong DN cổ phần với chức năng phối hợp là chính. Đồng thời, gắn trách nhiệm của đảng viên với hoạt động SXKD của DN.
“Trong công tác phối hợp giữa HĐQT, Ban lãnh đạo với tổ chức Đảng, đoàn thể, cần xây dựng nguyên tắc qui định rõ những nội dung công việc phải có sự tham gia ý kiến của tổ chức Đảng như: xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển, công tác cán bộ cấp trung”, ông Phương đề xuất.
Còn theo đoàn kiểm tra của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ GTVT, sau khi tiến hành khảo sát tại các DN cổ phần ngành GTVT, với mỗi loại hình DN cần có những biện pháp khác nhau. Với DN Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, tổ chức Đảng, đoàn thể phải lãnh đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ SXKD, bảo toàn vốn Nhà nước; Cấp ủy lãnh đạo xây dựng điều lệ công ty, quy chế làm việc; Tập trung lãnh đạo toàn diện công tác tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ…
Với DN mà Nhà nước nắm giữ cổ phần không chi phối hay không còn vốn Nhà nước, cấp ủy cần phát huy được vai trò của mình. Cấp ủy thông qua cán bộ, đảng viên để nắm tình hình, chủ động trao đổi, tham gia với HĐQT trong việc xây dựng nghị quyết về chiến lược đầu tư, phát triển, kế hoạch SXKD của doanh nghiệp; Thực hiện tốt mối quan hệ đoàn kết, hợp tác với các thành viên HĐQT, ban lãnh đạo DN trên cơ sở mềm dẻo, đồng thuận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận