Hơi thở cuộc sống trong tranh
Ngồi chiêm nghiệm của cuộc đời mình, ông nhẩn nha kể về công việc như người lần tràng hạt. Nào những khó khăn ban đầu vào đời vào nghề, những năm khó khăn thời bao cấp, xoay xở để đưa cả gia đình vượt qua cái đói… Câu chuyện như cuốn phim thời sự dài và buồn.
Những ngày ấy, ông đã phải vẽ những đồ lưu niệm cho du khách, vẽ truyện tranh, vẽ biểu trưng, làm minh họa. Ông làm bất cứ việc gì dính đến nghề vẽ để có tiền cho cái gia đình nhỏ bé 5 miệng ăn. Ông là Đỗ Đức, một họa sĩ sinh ra trên đất Thái Nguyên.
Tôi có thể ngồi hàng ngày trên cao nguyên đá Hà Giang để ngắm biển đá mênh mông hai bên đường vào Khau Vai, Mèo Vạc, Lũng Phìn, Lũng Táo, Phó Là, Phó Cáo, Đồng Văn.
Nhìn đá cao nguyên như thấy biển người thời tiền sử hóa thạch, như chợ phiên đang họp trên núi. Đá như tường thành, như đồn lũy. Đá khô khan mà lại là mái che tường rào cho những căn nhà đơn côi bên vách núi.
Họa sĩ Đỗ Đức
Ông vừa hoàn thành cuộc triển lãm "Non nước biên thùy", kể chuyện về đá và núi với hơn 50 bức sơn dầu, được lựa ra trong trên 200 bức vẽ ông thực hiện hơn 2 thập kỷ qua. Với ông tuổi tác không là giới hạn hay thước đo cho sự tìm tòi, sáng tạo mà nhìn vào thành quả, đó là tác phẩm làm ra thế nào.
Ở Đỗ Đức luôn truyền một nguồn năng lượng dồi dào và sức sáng tạo gợi mở. Ông nói mình thường tranh thủ viết những khi có thể. Ông viết tạp văn về những vấn đề xã hội nóng hổi, nghiên cứu những giá trị văn hóa tộc người để bổ sung cho việc vẽ tranh.
Ông vẽ cẩn trọng qua từng đường nét. Thói quen đọc sách những năm ngồi trên ghế nhà trường đã cho ông nhiều kiến thức để hoàn thiện tốt những công việc của mình. Ông bảo: "Đời tôi thành đạt do vẽ, nhưng sách mới chính là người mở đường đưa tôi đi đến chỗ định vị nghề nghiệp".
Trong một lần đến xem tranh, cố họa sĩ Anh Thường, một bậc huynh trưởng trong nghề rất ngạc nhiên nói với ông: "Các tác phẩm của cậu đã vượt qua giới hạn tranh phong cảnh. Đã trở thành gương mặt đất nước… Bởi nhìn tranh người ta muốn bước vào trong đó du ngoạn khám phá, thấy làng bản và hơi thở cuộc sống của con người".
Đó là lời khen tặng có sức khích lệ rất lớn trong những sáng tác tiếp theo của ông.
Người kể chuyện về đá
Trong sự nghiệp cầm cọ, Đỗ Đức vẽ khá nhiều về núi và đá. Những nương đá ngút ngàn, những khối đá sắc lạnh, những dải đá mòn mỏi theo thời gian hay những hủm đất được đá bao quanh nhú lên vài chồi ngô non. Những bóng người thấp thoáng, bóng ngựa chập chờn giữa thiên nhiên khoáng đạt… đều mang một triết lý sống, một thân phận con người.
Để hiểu và thể hiện những triết lý nhân sinh trong tác phẩm của mình, ông đã phải cả đời lăn lóc gắn bó ở các vùng núi phía Bắc mới nhận dần ra những giá trị nằm sâu trong đá và núi rừng trùng điệp…
Ông tâm sự, ngoài vẽ, ông còn là người viết văn viết báo, cũng đã gần 30 năm. Góc quan sát của một người làm báo với con mắt nghiên cứu giúp ông khi vẽ thấy được chiều sâu của sự vật, hiện tượng. Đó là sự gắn kết lịch sử, văn hóa giữa con người với thiên nhiên, núi rừng.
"Chẳng hạn, tác phẩm "Huyền thoại Khau Vai", tôi mất gần 3 năm để tìm ý tưởng thể hiện. Tôi thấy, những gì mọi người vẫn vẽ về chợ tình Khau Vai, nhưng chưa thể hiện đúng tinh thần nơi đây.
Khau Vai là những hoài niệm, ký ức của những người già, những người đã bước qua phía bên kia của cuộc đời. Đến khi tôi gặp hình ảnh của một bãi đá lô xô như hình ảnh của những con người hóa thạch, tôi đã nảy ra ý tưởng và hoàn thành bức tranh rất nhanh. Tôi nghĩ Phiên chợ Khau Vai là chuyện về những mối tình hóa đá", ông chia sẻ.
Nhìn tranh ngẫm về người, chẳng khó để thấy rằng, cách ông tìm tòi và tận dụng cơ hội từ khó khăn hệt cách ông tinh tế ngắm những thân ngô mỏng manh trổ mầm từ núi đá khắc nghiệt. Như cách ông từng viết trong cuốn sách của mình rằng: "Cuộc sống dạy tôi rằng nghèo đói không đáng sợ. Cái đáng sợ là sống thiếu ước mơ và khát vọng. Đầy đủ mà không có ý chí và khát vọng thì cũng chẳng làm được gì...".
Trả ơn mảnh đất nuôi tâm hồn nghệ thuật
Nhắc đến ông, người ta không chỉ nhớ về những tranh ông vẽ, những tạp bút văn chương đậm triết lý nhân sinh. Ông còn là một người sẵn sàng dấn thân trong các hoạt động xã hội. Suốt 11 năm đồng hành cùng Quỹ xây trường học "Vì tương lai trẻ em vùng cao" và bây giờ là "Hoa của đá", ông và các thành viên trong nhóm tự mình trang trải tài chính cho các chuyến đi khảo sát, khánh thành. Ông không ngại rong ruổi rừng sâu núi xa khắp các làng bản, đèo dốc để tìm nơi khó khăn nhất làm lớp học cho thế hệ mầm non.
Triển lãm "Non nước biên thùy", ông tặng cho dự án làm lớp học thứ 19 cho Đồng Văn, Hà Giang tác phẩm sơn dầu "Trên nương" (sáng tác năm 2017). Ngày 14/9/2024, tranh đấu giá thành công, thu được 4.000 USD cho quỹ. May mắn những người tham dự đấu giá đã góp thêm được trên 50 triệu đồng nữa. Tổng cộng 150 triệu đủ để dựng một lớp học.
"Đây là việc nghĩa cử hơn là mua bán. Lựa chọn một bức tranh ý nghĩa để đấu giá, tôi mong đây là kỷ niệm đẹp cho người sưu tập và là niềm vinh dự cho bản thân. Vậy là sắp tới tại một bản xa xôi trên cao nguyên đá Đồng Văn lại có thêm một ngôi trường mới khang trang để các cháu mầm non yên tâm học tập", ông chia sẻ.
Về nhóm từ thiện mà ông là thành viên, ông cho biết, Quỹ đã vận động được nhiều cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm ủng hộ. Sau 11 năm, nhóm đã làm được 18 điểm trường thuộc các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh với 41 lớp học với trang bị đầy đủ học cụ. Có điểm còn thêm phòng lưu trú giáo viên cắm bản.
Tính đến nay đã có hơn trên 3.500 lượt trẻ em đã được học tại bản. Lứa đầu tiên ở Vần Chải đã có 7 em sắp vào lớp 10. Một thành quả rất đáng hãnh diện của nhóm.
Họa sĩ Đỗ Đức sinh năm 1945 ở Đại Từ (Thái Nguyên). Ông tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật, Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc năm 1970. Năm 1980, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội với bài thi tốt nghiệp tranh khắc gỗ "Chợ vùng cao". Tác phẩm này đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đưa vào bộ sưu tập tranh khắc gỗ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận