Là con trai thứ, họa sĩ Mạnh Đức được ví như “bản sao hoàn hảo” của cố nhà văn Kim Lân. Tết cận kề nhưng ông cho hay, “chưa nghĩ đến Tết” vì đang vừa tất bật cho các hoạt động cùng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, vừa trở lại với nghề “cầm cọ” sau hơn 3 thập kỷ.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức
Niềm đam mê đồ cổ
Nhắc tới họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, không ít người đều trầm ngâm nhớ về một nhân vật nào quen lắm, nhưng không thể hình dung là ai. Nhưng hễ nhắc đến cái tên Đức “nhà sàn”, Đức “cận”, rồi Đức “đồ cổ”… thì ai cũng gật đầu: “Chắc chắn biết!”.
Ông là con thứ 4 trong gia đình 7 anh chị em, đa phần là người nổi tiếng: Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền - “người thương” một thuở của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, họa sĩ Thành Chương, một trong những họa sĩ “triệu đô” của hội họa đương đại Việt, họa sĩ Từ Ninh, họa sĩ Việt Tuấn…
Nhiều người nhận xét, Nguyễn Mạnh Đức là “bản sao” hoàn hảo của nhà văn Kim Lân. Ông giống bố như đúc, là người tốt tính, quảng giao, nhà lúc nào cũng đầy khách khứa; luôn sẵn lòng hiến nhà mình cho các hoạt động nghệ thuật. Ở điểm này, ông nhận.
Trong nhà, ông là người giống bố nhất, từ ngoại hình, sở thích, cách đi đứng cho đến cách nhìn nhận về cuộc sống, nghệ thuật.
“Tôi không cố học theo ông cụ mà đó là sự ảnh hưởng hoàn toàn tự nhiên. Nhưng tưởng giống mà không giống, tôi không tạo ra giá trị như con đường thầy (bố - PV) tôi từng đi, đôi khi quan điểm cũng như cách xử lý lại khác với thời đại của cụ”, họa sĩ chia sẻ.
Nhắc về Nguyễn Mạnh Đức, người ta cũng nhớ về một họa sĩ “ấm áp, khù khì”, nhưng hễ động đến cái gì cũng đều mang dáng dấp văn hóa Viêt Nam: Từ địa chỉ nghệ thuật đương đại Nhà sàn Studio (nổi danh từ năm 1998), đến người họa sĩ đứng sau bối cảnh đậm chất Việt của hàng loạt bộ phim cổ trang, lịch sử…
Có dịp đến tư gia, ai cũng ngỡ ngàng khi nhà ông chất chật ních những đồ cổ, giả cổ... như tượng phật, tranh thờ... Vậy mà, ông nhất định không “chịu” nhận mình là “lão nông làm nghệ thuật” hay “nghệ sĩ nông dân”, bởi ông cho rằng, nông dân không phải là điều gì quá tự hào, bản thân ông cũng không lấy nông dân là tiêu chí làm nghệ thuật. Con người ông thích những điều xưa cũ nhưng luôn biết tiến lên theo xu thế.
“Điều quan trọng nhất là chúng ta tôn trọng với văn hóa mình sinh ra, dù mình nghèo, lạc hậu hay sung túc, đó đều là nguồn cội. Tôn trọng giá trị văn hóa của nguồn cội, là cách để không biến mình trở thành một kẻ khác”, họa sĩ trầm ngâm.
Theo họa sĩ Mạnh Đức, trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù gian truân hay thuận lợi đều phải biết mình là ai, mình đang ở đâu. Nếu chỉ biết chạy theo thời thượng bên ngoài, sẽ không còn là mình nữa.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là khước từ cái mới, phủ nhận sự vận hành, đổi mới của thời đại. Chẳng vậy mà ông từng khiến dư luận dậy sóng một thời khi phát ngôn: “Mặc áo dài với váy đụp có gì mà thảm họa”!
Cái Tết đói nghèo thời bao cấp
Gia đình nhà văn Kim Lân
Sinh ra trong gia đình đông con, lại có “máu” nghệ thuật, ngày Tết trong gia đình họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cũng lắm chuyện “dở khóc, dở cười”. Nhưng sau cùng, để nhớ lại, người họa sĩ già thốt lên: “Hồi đó nghèo mà vui, đầy ắp tình người!”.
Trong mắt ông, cố nhà văn Kim Lân là người sinh ra chỉ làm nghệ thuật. Mọi thứ đối với ông đều vụng về, nhưng lại rất khéo những “món” liên quan đến nghệ thuật. Ông cụ không biết trồng rau, nuôi gà nhưng tỉa tót cây cảnh rất khéo, nuôi chim, cá cảnh lại rất tài.
Trong mắt con trai, nhà văn nổi tiếng và các con có thể nói chuyện thâu đêm về vấn đề học thuật, hội họa, văn chương. Nhưng hôm nào gạo còn hay hết, bữa nay ăn gì, thậm chí đến nồi nước lúc sôi ông cũng không biết cách rót vào phích.
Đó là lý do khiến mọi gánh nặng về kinh tế đều đè lên đôi vai của mẹ ông, cụ bà Nguyễn Thị Tám. Đến nay, họa sĩ Mạnh Đức vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ ông lúc nào cũng tất bật với công việc. Một tay bà xăm xắn với cơm nước, chợ búa để nuôi chồng và 7 người con.
Ngày Tết, điều ông Đức nhớ nhất về mẹ đó là sự nín nhịn: “Cả nhà ai cũng hớn hớn, tiền không có, công việc nhiều, nhất là trong thời bao cấp, mẹ lúc nào cũng è cổ làm việc nhưng luôn vui cười.
Nhất là ngày mồng Một, thầy tôi cứ thế thôi, vui vẻ, bạn bè trò chuyện ăn uống, bàn văn chương thơ ca… Nhiều lúc bực lắm nhưng cụ chẳng bao giờ phàn nàn.
Có thể nói, tôi ảnh hưởng say mê nghệ thuật từ bố, nhưng ảnh hưởng từ mẹ là việc hăng say lao động và sự kiên cường, mạnh mẽ”, họa sĩ kể.
Ông nói, những năm tháng đó, gia đình gần chục người mặc dù chỉ trông mong vào đồng lương ít ỏi của cha và một tay vun vén của người mẹ, nhưng trong mắt ông gia cảnh mình không đến nỗi khổ sở quá.
“Điều quan trọng nhất cần học thời bao cấp không phải là cái nghèo, cái kiệm mà là tinh thần vươn lên và niềm tin mãnh liệt giữa con người - con người”, ông khẳng định.
“Những lúc này, chợt thấy bữa ăn sao ngon hơn, đông vui hơn đến vậy. Tết là lúc nhận biết cảm xúc về nhau rõ hơn. Biết bao kỷ niệm ùa về, khao khát được gặp gỡ, được ăn bữa cơm gia đình. Tết cứ thế trở nên ý nghĩa hơn trong đời sống”, họa sĩ Mạnh Đức trầm ngâm.
Sau hơn 30 năm, khi đã ở tuổi ngoài lục tuần, nam họa sĩ tuyên bố cầm cọ trở lại - điều ông từng bỏ dở khiến cha mình thất vọng, chán nản vì cho rằng con mình đi trên con đường mà ông cho là lầm lạc.
“Tôi nghĩ mình phải trở lại thôi. Hơn nửa đời người làm việc xã hội, có lẽ đã đến lúc tôi phải làm gì đó cho mình. Nghe điều này, chắc ông cụ vui lắm!”, họa sĩ hồ hởi.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức sinh năm 1953, từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Năm 2011, ông đoạt Cánh diều vàng - LHP Việt Nam cho hạng mục Họa sĩ thiết kế, phim “Long thành cầm giả ca”.
Trước đó, ông được biết đến như một họa sĩ bối cảnh có đóng góp quan trọng cho thành công của 23 tập phim truyền hình “Lều chõng” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), tham gia làm bối cảnh cho phim “Hạt mưa rơi bao lâu” (đạo diễn Đoàn Minh Phượng) và “Thời xa vắng” (đạo diễn Hồ Quang Minh).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận