Góc nhìn

“Đóa hồng” Aung San Suu Kyi nguy cơ lụi tàn danh tiếng

21/11/2018, 07:54

Việc rút lại giải thưởng được AI lý giải là do nhà lãnh đạo Myanmar đã bị cáo buộc “vi phạm nhân quyền”...

32

Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi

Việc Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) rút giải thưởng nhân quyền uy tín nhất của họ từng trao cho vị lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi năm 2009 là thể hiện sự bất bình của thế giới phương Tây trước các hành động đi ngược lại những gì mà bà tranh đấu hơn 20 năm qua.

Sự im lặng trước nạn diệt chủng

Tổ chức Ân xá quốc tế đã từng xướng tên bà Suu Kyi là người nhận Giải thưởng Đại sứ Lương tâm năm 2009 khi bà bị quản thúc tại gia do các nỗ lực khôi phục nền dân chủ ở đất nước Myanmar khi đó nằm dưới quyền quản lý của chính quyền quân quản.

Trong 8 năm kể từ khi bà được thả tự do, Suu Kyi dẫn dắt Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử cạnh tranh công khai đầu tiên ở Myanmar năm 2015 và thành lập Chính phủ vào năm sau đó.

Việc rút lại giải thưởng được AI lý giải là do nhà lãnh đạo Myanmar (người từng được ví như một “đóa hồng dân chủ”) đã bị cáo buộc “vi phạm nhân quyền” vì làm ngơ trước các hành vi bạo lực tàn bạo chống lại người thiểu số Hồi giáo Rohingya trên đất nước của bà.

Cuộc khủng hoảng này nổ ra sau khi các tay súng người Rohingya tấn công đồn cảnh sát vào ngày 25/8/2017. Giới chức Myanmar sau đó đã phát động chiến dịch quân sự đáp trả. Hàng trăm người thiệt mạng và hơn 700 nghìn người đã tháo chạy khỏi bang Rakhine, vượt biên giới phía Tây và tị nạn tại Bangladesh.

Các nhà điều tra của LHQ đã cáo buộc các chiến dịch của quân đội Myanmar là giết người, cưỡng hiếp và đốt phá… với ý định “diệt chủng”. Trong khi đó, chính quyền của bà Suu Kyi bác bỏ những cáo buộc này là một chiều và nói rằng, hành động quân sự trong chiến dịch là phản kháng hợp pháp.

Tổng thư ký AI Kumi Naidoo cho rằng, sự phủ nhận mức độ của thảm họa chống lại người Rohingya của Chính phủ bà Suu Kyi có nghĩa là sẽ rất ít khả năng tình hình được cải thiện.

Trong thư gửi cho bà Suu Kyi, ông Naidoo thể hiện sự thất vọng sâu sắc khi nhà lãnh đạo Myanmar không còn là đại diện cho một biểu tượng của hy vọng, lòng can đảm và sự bảo vệ nhân quyền bất diệt.

Ngoài ra, người đàn bà từng là biểu tượng của nền dân chủ mới ở Myanmar cũng đồng tình với việc tống giam hai nhà báo Reuters, những người điều tra và lên án các vụ giết hại người Hồi giáo Rohingya.

Mục đích chính trị

Sau cuộc bầu cử năm 2015, bà Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống Myanmar do có chồng và con trai là người nước ngoài. Nhưng thời điểm đó, người dân Myanmar ủng hộ nữ chính trị gia và coi bà như vị nữ thánh, bởi bà tranh đấu cho quyền lợi của họ.

Được sự ủng hộ của đại đa số cử tri, bà Suu Kyi từng tuyên bố sẽ nắm quyền điều hành “cao hơn Tổng thống”. Bà đã chọn người trợ lý thân cận trong đảng NLD và cũng là người bạn lâu năm, ông U Htin Kyaw, làm Tổng thống mới của Myanmar. Vì vậy, Suu Kyi được xem như người lãnh đạo thực sự của đất nước này.

Tuy nhiên, trong 2 năm lãnh đạo đất nước, bà đã không giám sát được lực lượng an ninh, quân đội và còn bảo vệ họ khỏi trách nhiệm trong các vụ bạo lực chống lại cộng đồng người thiểu số Rohingya (vốn không có quốc tịch).

Ở một quốc gia mà hầu hết dân chúng được giật dây cho những hành động bài xích người Rohingya (được coi là cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ Myanmar) và đạo Hồi, bà Suu Kyi bị cáo buộc là cũng bày tỏ sự “đồng lõa với số đông”. Thực tế, người Rohingya từ lâu luôn phải sống trong tình trạng bị phân biệt sắc tộc, gặp vô số khó khăn khi tiếp cận giáo dục, y tế, bị hạn chế về cơ hội việc làm và cũng không có quyền bầu cử.

Một nguyên nhân nữa phải kể đến là bà Suu Kyi đang buộc phải thỏa hiệp vì vị thế chính trị của mình ở Myanmar. Theo đó, mặc dù là lãnh đạo thực quyền của Myanmar nhưng nữ chính trị gia không kiểm soát được quân đội.

Lực lượng vũ trang ở Myanmar vẫn có quyền kiểm soát tất cả vấn đề về an ninh đất nước, chiếm giữ 25% ghế trong Nghị viện và còn quyền phủ quyết Hiến pháp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.