Công trường 4km đoạn ngầm và ga ngầm dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội ngừng thi công đã hơn 10 tháng nay.
Các khó khăn, vướng mắc đều được nhận diện, song tiến độ tháo gỡ vướng mắc chậm trễ.
Hai robot đào 4km đường hầm metro Nhổn - ga Hà Nội nằm bất động từ tháng 4/2021
Ngừng thi công hơn 10 tháng
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại các công trường thi công 4 ga ngầm thuộc đoạn tuyến ngầm dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội (ga Kim Mã, Cát Linh, Quốc Tử Giám, ga Hà Nội), tình trạng chung là không có bất kỳ hoạt động thi công thực địa nào.
Phạm vi thi công các ga đều được quây rào chắn. Đường phố được phân luồng, hạn chế giao thông. Song, bên trong công trường không còn máy móc thiết bị thi công, cỏ dại mọc đầy.
Chị Nguyễn Tuyết Minh, chủ cửa hàng đối diện khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, việc rào chắn chiếm dụng đường nhưng không thi công gây ảnh hưởng đi lại và cảnh quan, cũng như việc kinh doanh của các hộ dân.
“Khoảng từ giữa năm trước, máy móc, nhân công làm việc được một thời gian ngắn. Sau đó, công trường im lìm, chẳng biết đến bao giờ mới dỡ rào chắn để cảnh quan, đường phố trở lại bình thường”, chị Minh nói.
Tương tự, một số người dân có nhà mặt phố Kim Mã, Cát Linh, Trần Hưng Đạo đoạn có rào chắn để phục vụ thi công ga ngầm bày tỏ than phiền về việc kinh doanh buôn bán khó khăn, ế ẩm.
“Hàng rào tôn quây chắn trước cửa hàng hơn 2 năm nay, chỉ còn chừa lối cho xe máy đi lại nên buôn bán rất khó.
Tầm này năm trước, thấy máy móc đào hầm được đưa về ga, tưởng rằng chỉ đến cuối năm là dỡ rào, hoàn trả mặt phố.
Thế mà đến bây giờ không thấy thi công, rào vẫn chắn kín, khiến giá trị nhà mặt phố như là mặt ngõ”, chị Đông, cửa hàng bán đồ mỹ phẩm đầu phố Kim Mã và vài người khác than vãn.
Một kỹ sư nhà thầu thi công ga ngầm Kim Mã chia sẻ, thiết bị quan trọng để thi công tuyến hầm là máy đào hầm đã hoàn thành lắp đặt tại ga Kim Mã từ tháng 4/2021, chỉ còn “chờ lệnh” để thi công. Dù vậy, chưa biết khi nào có thể đào hầm, dỡ rào hoàn trả mặt bằng.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB, chủ đầu tư dự án) xác nhận, từ tháng 7/2021, Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella thông báo tạm dừng thi công toàn bộ 4km đoạn ngầm và 4 ga ngầm của dự án ngừng hoàn toàn thi công.
Nguyên nhân do khi đào thăm dò ngầm phát sinh các công trình bị ảnh hưởng, cần bố trí tạm cư hoặc phá dỡ công trình, dẫn đến phát sinh đối tượng cần GPMB. Công tác giải quyết vướng mắc mặt bằng đang được TP Hà Nội giải quyết, song đến nay vẫn chậm trễ.
“Mặt bằng ga Quốc Tử Giám đến nay đã được giải quyết xong, nhưng vẫn còn vướng mắc tại khu vực công trình phụ trợ phía Nam ga Kim Mã. UBND TP Hà Nội đã giao UBND quận Ba Đình hoàn thành, xử lý dứt điểm tồn tại trên trong tháng 6/2022.
Ngoài các trường hợp GPMB thuộc phạm vi ga ngầm, trên dọc tuyến ngầm có 50 tòa nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm nên thuộc diện bồi thường, hỗ trợ, bố trí nơi tạm cư.
Theo chỉ đạo của thành phố, MRB và UBND quận Ba Đình, Đống Đa đang phối hợp để giải quyết, cố gắng hoàn thành trước ngày 30/9/2022”, theo MRB.
Cũng theo MRB, phát sinh trong GPMB đoạn ngầm là chưa có chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với công trình bị ảnh hưởng do thi công, đối tượng phải tạm cư.
Vừa qua, Hà Nội đã phê duyệt khung chính sách với mức hỗ trợ tạm cư 6 triệu đồng/tháng/cặp vợ chồng; hỗ trợ phục hồi sinh kế cho chủ đất 1 tháng lương tối thiểu (4.420.000 đồng/người/tháng) và tối đa 16 triệu/hộ dân/tháng.
3 nhóm vướng mắc chung chờ giải quyết
Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Hà Nội dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2022 và đoạn ngầm vào cuối năm 2025.
Trong văn bản gần đây gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, dự án trên đã và đang gặp 3 nhóm vướng mắc gây chậm trễ tiến độ: Sự khác biệt giữa hợp đồng theo mẫu của Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) với quy định pháp luật Việt Nam; quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành; hợp đồng tư vấn trọn gói của Systra (Pháp).
Thời gian qua, các bộ, ngành liên quan có nhiều ý kiến góp ý với UBND TP. Hà Nội để tháo gỡ các vướng mắc trên, song góp ý chủ yếu dựa trên quy định của pháp luật hiện hành, chưa đưa ra phương án cụ thể, khả thi để giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện và giải ngân dự án.
Do vậy, để sớm giải quyết những vướng mắc của dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có sự phân công cơ quan chuyên môn cụ thể chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, đưa ra giải pháp đối với vấn đề thuộc thẩm quyền.
Nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội phải tách tiến độ hoàn thành trước đoạn trên cao vào cuối năm 2022, đoạn ngầm vào năm 2025
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức, GPMB các dự án giao thông tại nội đô Hà Nội chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.
Riêng dự án Nhổn - ga Hà Nội còn cho thấy không có sự phối hợp tốt giữa đơn vị quản lý dự án và các địa phương, thậm chí có hiện tượng ngồi “chờ nhau”, thay vì chủ động giải quyết.
Còn theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, với bối cảnh hiện nay, chưa biết khi nào dự án Nhổn - ga Hà Nội mới giải quyết xong vướng mắc để thi công xong đoạn 4km ngầm.
“Liên danh nhà thầu nước ngoài thi công ga ngầm và đoạn tuyến ngầm đã 3 lần gửi khiếu nại yêu cầu dự án bồi thường hơn 114 triệu USD do chậm bàn giao mặt bằng thi công, dẫn đến chậm tiến độ, gây thiệt hại cho nhà thầu.
Đây cũng là vấn đề rất lớn phải giải quyết để khởi động lại thi công đoạn ngầm”, ông Ân nêu vấn đề.
Liên quan vấn đề trên, MRB thông tin, ngoài gửi 3 khiếu nại đòi bồi thường, Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella còn dừng một phần hoặc toàn bộ các hoạt động để gây sức ép.
Nhà thầu cũng đã đưa tranh chấp này ra Trọng tài quốc tế, nếu không giải quyết xong sẽ không tiếp tục thi công.
“UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất cho phép áp dụng chặt chẽ các điều khoản hợp đồng FIDIC (hợp đồng mẫu quốc tế về công trình xây dựng) để giải quyết tranh chấp với nhà thầu.
Vấn đề này được ưu tiên tháo gỡ để có thể sớm ký kết các phụ lục hợp đồng các gói thầu trong năm 2022”, MRB thông tin.
Tuy vậy, chưa thể xác định thời điểm thi công trở lại đoạn đi ngầm và các ga ngầm.
Theo MRB, hiện gói thầu đoạn ngầm và ga ngầm mới đạt hơn 32% tiến độ, khi đoạn ngầm được thi công trở lại, giải pháp kỹ thuật sẽ được áp dụng để bù lại tiến độ do dừng thi công trong hơn 10 tháng qua.
“MRB phối hợp với các đơn vị tư vấn và nhà thầu nghiên cứu và đề xuất phương án tối ưu tiến độ đoạn ngầm, trong đó áp dụng cải tiến kỹ thuật thi công, tăng nhân sự máy móc thiết bị.
Nhà thầu dự kiến tăng gấp đôi mũi thi công tại tường vây và công tác gia công lồng thép. Cùng đó, Ban đã đề xuất Sở GTVT Hà Nội cho phép xe bê tông, xe đổ thải có thể chạy 24/24h phục vụ thi công các công trường”, MRB cho biết.
MRB Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP báo cáo Chính phủ xin điều chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung nguồn vốn cho dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Cụ thể, MRB Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009-2022 thành 2009-2029. Trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao trong năm 2022; vận hành toàn tuyến vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029.
Điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 34.532 tỷ đồng, tăng khoảng 4.905,24 tỷ đồng (tương đương khoảng 202,81 triệu Euro).
Theo đại diện MRB Hà Nội, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là do sự biến động của tỷ giá quy đổi (tiền Euro sang tiền đồng) khi thanh toán khối lượng thực hiện; do điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công và phương án vận hành; do chậm trễ tiến độ dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện; cập nhật các chi phí trong tổng mức đầu tư...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận