Cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đã dành thời gian tiếp đoàn, Đại sứ Hans-Peter Glanzer nhấn mạnh, thời gian qua Áo và các doanh nghiệp Áo đã có nhiều hợp tác thành công tại Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp Áo đã cung cấp các giải pháp về giao thông được công nhận chất lượng cao, bền vững, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, hàng không.
"Chúng tôi mong muốn được tìm hiểu quy hoạch, kế hoạch phát triển tới đây của Việt Nam trong các lĩnh vực này nhằm tìm kiếm tiềm năng, cơ hội hợp tác hai bên, cũng như khả năng hỗ trợ tài chính từ phía Áo...", Đại sứ Hans-Peter Glanzer nói.
Cùng dự với đại sứ có đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Áo về công nghệ như: Doppelmayr Seilbahnen GmbH chuyên về cáp treo, Frauscher Sensortechnik GmbH chuyên cung cấp công nghệ lõi ứng dụng trong thông tin, điều hành chạy tàu; Frequentis - nhà cung cấp toàn cầu đối với các hệ thống liên lạc và thông tin phục vụ điều hành bay, bảo đảm an toàn bay...
Các doanh nghiệp này bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, hợp tác cụ thể với các doanh nghiệp, dự án giao thông Việt Nam, nhất là lĩnh vực đường sắt, hàng không, mục tiêu phát triển giao thông an toàn, bền vững.
Hoan nghênh ngài Đại sứ và các doanh nghiệp Áo đến làm việc với Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Áo trong lĩnh vực GTVT thời gian qua, đồng thời khẳng định tiềm năng, cơ hội hợp tác thời gian tới.
Về những nội dung phía Áo quan tâm, Thứ trưởng cho biết, hiện hệ thống đường sắt Việt Nam có hơn 3.000km, đường đơn, khổ 1.000mm. Kế hoạch đặt ra thời gian tới là sẽ xây dựng 6.000km; trong đó tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM chiều dài khoảng 1.550km, các tuyến mới khác là đường đôi, điện khí hóa, khổ 1.435mm.
Cùng đó, Việt Nam chủ trương nội địa hóa, phát triển công nghiệp đường sắt. Vì vậy khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ trong đóng mới, lắp ráp đầu máy, toa xe để từng bước nội địa hóa. Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp sở hữu công nghệ về chạy tàu, thông tin tín hiệu liên doanh với doanh nghiệp trong nước.
Về đường sắt đô thị, Việt Nam đặt kế hoạch đến 2035-2040 hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị ở hai thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh với tổng chiều dài dự kiến mỗi thành phố 300km. Mục tiêu đến 2035 đưa vào khai thác 500km.
Lĩnh vực hàng không, hiện có 22 cảng hàng không đang khai thác. Quy hoạch đến 2030 có khoảng 30 cảng hàng không, như vậy sẽ xây dựng 8 sân bay mới. Trong đó, sân bay Long Thành công suất 100 triệu hành khách/năm, hiện đang được xây dựng đáp ứng giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm và dự kiến đến 2026 sẽ bay hiệu chuẩn.
Các doanh nghiệp Áo quan tâm, tìm hiểu kế hoạch đầu tư, các dự án phát triển đường sắt, hàng không tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư (Ảnh: Tạ Hải).
"Có thể nói đây là kế hoạch khá "tham vọng" để phát triển đường sắt, hàng không. Hiện, GDP của Việt Nam đạt 430 tỉ USD, nợ công thấp. Do vậy, dù thực hiện kế hoạch này rất thách thức, nhưng chúng tôi cho rằng, về vốn sẽ khả thi, từ vốn đầu tư công, kết hợp vốn ODA, các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp...
Về chủ trương đầu tư, Chính phủ Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài sở hữu công nghệ liên quan lĩnh vực đường sắt liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất tại Việt Nam, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Các liên doanh này sẽ có nhiều ưu thế, cùng đó là nhiều ưu đãi thuế, phí...", Thứ trưởng Huy nói và cam kết, Bộ GTVT sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp Áo trong khuôn khổ pháp luật cũng như trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi thông tin sâu hơn về quy hoạch, dự án kết cấu hạ tầng, nhu cầu vốn lĩnh vực đường sắt, hàng không của Việt Nam; thống nhất sẽ tích cực trao đổi cấp cục, vụ, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy, hiện thực hóa hợp tác thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận