Bất động sản

“Doanh nghiệp bất động sản có thể phá sản nếu chính sách bất ổn"

04/05/2019, 17:17

Doanh nghiệp BĐS hiện vẫn đang đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có nguy cơ dẫn đến có thể bị phá sản, do thiếu tính ổn định...

img
Ông Lê Hooàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản

Ngày 4/5 ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết vừa có công văn gửi Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương liên quan đến những rào cản cần được tháo gỡ để phát triển lành mạnh và bền vững thị trường bất động sản (BĐS).

Theo ông Châu, đến nay có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản đang hoạt đng trên thị trường. Tuy nhiên, đa phần là những doanh nghiệp có quy mô trung bình, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới, dịch vụ BĐS. Mới chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp phát triển BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trong thời gian qua, Chính phủ, nhiều Bộ, ngành và nhiều địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt, lắng nghe, giải quyết được một số khó khăn của doanh nghiệp BĐS. Nhưng vì sao cho đến nay, kết quả tháo gỡ những vướng mắc vẫn còn khá khiêm tốn, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Và theo ông Châu hiện lĩnh vực BĐS tại TP.HCM còn 4 vấn đề vướng mắc chính.

Thứ nhất, môi trường kinh doanh dù có chuyển biến theo hướng tích cực, nhưng vẫn chưa thật sự minh bạch, lành mạnh, công bằng, bình đẳng. Những năm trước đây, đã có hiện tượng hình thành nhóm lợi ích trong lĩnh vực bất động sản, kể cả một số dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) được thanh toán đối ứng bằng quỹ đất đô thị, dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đợt rà soát, thanh tra, kiểm toán rất quyết liệt trong thời gian vừa qua.

Thứ hai, doanh nghiệp BĐS đang đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có nguy cơ dẫn đến có thể bị phá sản, do tính thiếu ổn định, khó đoán định về chính sách; Hoặc do hiện tượng áp dụng “hồi tố” đối với một số trường hợp trong thời gian gần đây.

Hoặc doanh nghiệp không tiên lượng được về chi phí trước khi ra quyết định đầu tư, mà điển hình là doanh nghiệp không thể dự đoán được số tiền sử dụng đất dự án phải nộp, lúc nào được nộp... Trong hơn 2 năm qua, TP.HCM có hơn 150 dự án bị rà soát, thanh tra. Nhưng mới đây mới vừa giải tỏa được cho 124 dự án, chiếm 78% số dự án bị rà soát, được hoạt động trở lại bình thường.

Thứ ba thị trường BĐS bị giảm quy mô, bị sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung căn hộ, nhà ở, giá cả có xu thế tăng do quy luật cung cầu. Từ tháng 3/2017 đến nay, thị trường BĐS TP.HCM liên tục bị sụt giảm: Năm 2018, quy mô thị trường giảm 34% so với năm 2017; Quý 1/2019, số lượng dự án được Sở Xây dựng phê duyệt giảm đến 67%; Theo Savills, số lượng căn hộ giảm 57% so với Q1/2018; Thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất giảm khoảng 70%.

Thứ tư, thị trường BĐS cần nguồn vốn đầu tư trung hạn, dài hạn, nhưng hiện nay đang lệ thuộc quá lớn vào hai nguồn vốn, nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn rủi ro đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, nhưng chưa có các nguồn vốn khác thay thế, bổ sung. Thị trường chứng khoán chưa thực sự trở thành kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản. Các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác chưa phát triển như kỳ vọng… Do vậy, thị trường này chưa thật sự phát triển lành mạnh và bền vững.

Vướng mắc là có nguyên nhân từ thể chế, hạ tầng và nhân lực

Theo ông Châu sở dĩ tồn tại những vướng mắc trên là do chúng ta còn nghẽn về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Những yếu tố này tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản. Ngoài ra hệ thống pháp luật chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đảm bảo tính hệ thống, thống nhất. Chẳng hạn Luật Đầu tư ghi tên “Nhà đầu tư” nhưng Luật Quy hoạch đô thị yêu cầu phải là “chủ đầu tư”.

Hoặc Luật Đất đai quy định doanh nghiệp có quỹ “đất” thì được thực hiện dự án, nhưng Luật Nhà ở lại quy định phải là “đất ở” mới được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở. Song song đó thủ tục hành chính còn nhiêu khê, trùng lắp, cùng một hệ thống pháp luật nhưng có địa phương thì doanh nghiệp bất động sản bị vướng thủ tục, nhưng nhiều địa phương khác lại không bị vướng…

“Trong khi chờ đợi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Chứng khoán... Hiệp hội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về dùng quỹ đất để thanh toán cho các nhà đầu tư BT, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay, và mở đường huy động các nguồn lực tư nhân tham gia phát triển hệ thống hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Với những cán bộ công chức hiểu luật, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, không máy móc, lệ thuộc từ ngữ. Các Bộ, ngành địa phương chủ động rà soát, đơn giản hoá, công khai hoá, minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình hành chính. Trước hết, Hiệp hội đề nghị giải quyết ngay thủ tục về chấp thuận chủ đầu tư dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có một tỷ lệ nhỏ đất công (khoảng 10%); hoặc quy trình, thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án hiện nay”, ông Châu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.