Kinh tế

Đề xuất tăng thuế TTĐB rượu bia: Cần có lộ trình, tránh gây "sốc"

08/07/2024, 18:16

Trong bối cảnh loạt "ông lớn" ngành bia rượu làm ăn thua lỗ, nhiều ý kiến cho rằng cần có lộ trình, tránh gây "sốc" khi tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm này.

Loạt "ông lớn" ngành rượu bia thua lỗ

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) trong giai đoạn từ năm 2020 tới nay, ngành đồ uống đã liên tục phải chịu tác động lớn từ dịch bệnh, các chính sách hạn chế đồ uống có cồn... dẫn tới sự “tụt dốc” về nhiều chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận... của các doanh nghiệp.

"Có những doanh nghiệp năng lực sản xuất chỉ ở mức dưới 80% so với trước dịch Covid-19, sản lượng sản xuất chỉ đạt 60% so với công suất thiết kế, sản lượng và doanh thu giảm 20-25%, lợi nhuận giảm tới 30%...", đại diện VBA cho hay.

Đề xuất tăng thuế TTĐB rượu bia: Cần có lộ trình, tránh gây "sốc"- Ảnh 1.

Một số nhà máy bia phải đóng cửa vì kinh doanh suy giảm (Ảnh minh họa).

Theo số liệu của VBA, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường của hãng Heiniken Việt Nam, tại Việt Nam đã sụt giảm hai con số trong năm 2023. 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tính tăng 20% so với năm 2022. Quý II/2024 cũng ghi nhận chỉ số tồn kho ngành đồ uống tăng 28,9%. Lợi nhuận thuần của toàn ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống chỉ sau 1 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 đã giảm tới 67%.

Đặc biệt, năm 2023 ghi nhận sự "tụt dốc" doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn, đặc biệt là các doanh nghiệp bia.

Trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính ngày 1/7, VBA cũng bày tỏ lo ngại việc tăng thuế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước. Đặc biệt, tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và bất hợp pháp cho hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay ước sản lượng những sản phẩm bia nhái thương hiệu khoảng 200-300 triệu lít.

Theo đó, đối với sản phẩm rượu, bia, cơ quan này cho rằng cần xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây "sốc", ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới.

Mới đây, Nhà máy bia Heineken tại Quảng Nam vừa thông báo tạm ngừng hoạt động, ngân sách tỉnh ước hụt thu khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm. Trước đó, Heineken từng đóng góp bình quân 1.000 tỷ đồng hằng năm. Nguyên nhân chính là do thị trường tiêu thụ bia trong nước và quốc tế sụt giảm nghiêm trọng.

Số liệu của VBA cũng chỉ ra, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành, từ năm 2021 tới nay tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ một tới hai con số. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng. Kéo theo hàng loạt hệ thống dịch vụ nhà khách sạn với hàng triệu lao động đi kèm.

Tương tự, Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO), năm 2023 sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động;

Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (HALICO) cũng liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay, nên đến cuối năm 2023, Halico đã ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, lũy kế lên đến 457,7 tỷ đồng.

Sabibeco và AB Inbev lỗ lần lượt 17 tỷ đồng và 170 tỷ đồng.

Tổng doanh thu thuần của nhóm rượu bia niêm yết trên sàn chứng khoán giảm còn hơn 45.000 tỷ đồng từ mức hơn 55.000 tỷ đồng năm 2022 (trong đó Sabeco chỉ đạt 30,7 nghìn tỷ đồng từ mức gần 35 nghìn tỷ đồng năm 2022, Habeco 7.757 tỷ đồng từ mức 8.398 tỷ đồng năm 2022).

Cần có lộ trình dài và tính toán đến các tác động

Theo Dự thảo Hồ sơ Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, đối với rượu từ 20 độ trở lên, lộ trình tăng thuế từ năm 2026 đến 2030 với phương án 1 là từ 70%- 90%, phương án 2 là từ 80%- 100% (hiện tại là 65%); Với rượu dưới 20 độ, phương án 1 là từ 40%- 60%, phương án 2 là từ 50%- 70% (hiện tại là 35%); Đối với bia, phương án 1 từ 70%- 90%, phương án 2 là từ 80%- 100% (hiện tại là 65%). Với các mức thuế đề xuất này, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2.

Từ góc nhìn của chuyên gia về thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng chính sách thuế TTĐB cần phải tính đến lộ trình dài hơi hơn so với dự thảo của Bộ Tài chính và cần tính toán đến các tác động. Nếu có nhu cầu tăng thuế, cần phải có lộ trình và mỗi lần tính thuế phải có bước đi tối thiểu là 10 năm.

"Ví dụ, hiện nay, xây dựng thuế TTĐB, thì lộ trình tối thiểu mỗi bước đi ấy phải là đến năm 2035, 2045. Điều này để tránh tình trạng “giật cục” về mặt chính sách, khiến doanh nghiệp khó xoay xở. Cũng cần nói thêm, thực tế có lúc tại Việt Nam, việc sửa đổi chính sách giống như “nhắm mắt bốc thuốc”, hệ quả là khiến chính sách sau khi xây dựng xong, đến khi áp dụng vào thực tiễn lại không đạt hiệu quả như mong muốn", TS Tú nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng nên duy trì ổn định các thể chế, chính sách nhằm tiếp sức doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước. Thay đổi chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo ông Việt, có 2 vấn đề cần xem xét, thứ nhất có nhất thiết phải tăng thuế hay không. Nếu có thì tăng ở thời điểm nào và mức độ nào, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, ông Việt còn cho rằng, các chính sách cũng cần có lộ trình để hạn chế những rủi ro đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp.

"Mỗi doanh nghiệp trong một ngành sẽ gặp nhiều bất lợi do những thay đổi quá đột ngột hoặc quá mạnh của chính sách, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các lĩnh vực khác", TS Nguyễn Quốc Việt đánh giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.