Tài chính

Doanh nghiệp cần gì, phải làm gì khi khó khăn chồng chất?

20/03/2022, 09:38

Cùng với các chính sách vĩ mô của Nhà nước, doanh nghiệp cần mở rộng thị trường, xây dựng kế hoạch tài chính dài hơi hơn so với trước.

Giá nguyên liệu đầu vào cùng cước phí vận tải tăng chóng mặt, khiến các doanh nghiệp chồng chất khó khăn, kế hoạch tăng trưởng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

img

Giá xăng tăng, giá vận tải tăng, giá kim loại tăng... khiến cho đầu vào của ngành cơ khí tăng tới 50% (Trong ảnh: Công nhân trong dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC). Ảnh: Khắc Kiên

Đầu vào tăng tới 50%, DN kiệt sức

Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, đang đau đầu với bài toán chi phí trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung chip xử lý trên thị trường để sản xuất các linh kiện, phụ kiện cung cấp cho các nhà máy sản xuất ô tô, xe máy.

Theo ông Kết, giá đầu vào tăng mạnh từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Hiện các nhà cung cấp đã thông báo tăng giá nguyên vật liệu 15 - 20% tùy chủng loại sản phẩm. Tính ra trong 3 năm qua, giá đầu vào tăng gần 50% so với trước.

Trong khi đó, doanh nghiệp rất khó tăng giá các sản phẩm bởi phần lớn khách hàng đã ký hợp đồng từ trước. Do thiếu nguyên liệu nên công ty phải giảm công suất. Giải pháp đẩy sản lượng để tăng doanh thu vì thế không thể thực hiện được.

‘Đã 3 năm nay doanh thu giảm còn phân nửa, ngưỡng 20 - 30 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi vì quy định ngặt nghèo”, ông Kết nói.

Tương tự, ông Phạm Mai Long, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật cơ điện và Thương mại MEGS (Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở: “Không biết sống được đến ngày nào! Cú sốc mang tên “bão giá” lần này sẽ bóp nghẹt những doanh nghiệp yếu ớt đang hồi sinh”.

“Năm ngoái nhập 1m3 hàng mất có 5 USD cước phí từ Thượng Hải về, nhưng giờ tăng gấp 14 lần, lên mức 70 USD. Giá mua hàng ngay tại nhà máy của đối tác cũng tăng trung bình 20 - 30% so với đầu năm ngoái. Tổng cộng, về đến Việt Nam, giá đầu vào hàng hóa tăng khoảng 40 - 50%”, ông Long thông tin.

Không như những đợt “báo giá” trước, lần này khó khăn nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Ban lãnh đạo công ty liên tục phải họp khẩn và rà soát lại tất cả những hợp đồng đã ký trước với đối tác và chỉ còn cách giảm lợi nhuận hết cỡ, đàm phán với khách hàng mức giá để cố gắng hòa vốn, còn những hợp đồng nào không giữ được cũng phải chịu.

“Sở dĩ có chuyện này vì doanh nghiệp không còn vốn để chịu lỗ giữ khách như trước đây. Doanh thu mỗi năm chỉ còn khoảng 5 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với thời điểm trước dịch”, ông Long lý giải.

Đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng, theo Trưởng phòng Kế hoạch thị trường thuộc Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, đến thời điểm này, Công ty chưa điều chỉnh giá bán, nhưng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đang phải được tính toán cẩn trọng khi chi phí đầu vào tăng cao.

Hiện tại, giá than cung cấp cho các nhà máy sản xuất xi măng cũng đã tăng giá, có thời điểm tăng hơn 40%, chưa kể chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao.

“Nếu tình hình tiếp tục leo thang quá sức chịu đựng, chắc chắn chúng tôi phải tăng giá bán”, đại diện công ty này cho hay.

Giá đầu vào tăng mạnh cũng khiến các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam gặp nhiều áp lực. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội cho biết, chi phí logistics, vận chuyển, giá nguyên phụ liệu tăng chóng mặt, trong khi phần lớn hợp đồng được ký trước 6 tháng, hoặc 1 năm trước.

Lo vỡ kế hoạch tăng trưởng

img

Giá đầu vào tăng mạnh khiến các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam gặp nhiều áp lực khi phần lớn hợp đồng được ký trước cả 6 tháng hoặc 1 năm

Nhận định về thị trường, ông Phạm Mai Long cho biết, với tình hình hiện nay, doanh nghiệp rất khó tìm đối tác mới vì bản thân doanh nghiệp cũng dè chừng hoạt động sản xuất khi giá đầu vào tăng cao.

Là một ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (TP.HCM) bày tỏ lo lắng, giá nguyên liệu nhựa tăng phi mã theo giá dầu khiến kế hoạch năm 2022 của doanh nghiệp có thể bị phá vỡ.

Theo ông Ngân, hạt nhựa chiếm khoảng 60 - 70% trong cơ cấu giá vốn sản xuất nhựa, vì vậy việc tăng giá dầu sẽ làm tăng mạnh chi phí đầu vào do hạt nhựa được làm từ các chế phẩm dầu mỏ, điển hình như nhựa PP và PE.

Năm 2021, giá nguyên liệu đầu vào tăng tới 1,6 lần khiến lợi nhuận của Bình Minh giảm 59% so với năm 2020 (đạt mức 214 tỷ đồng) - mức lợi nhuận thấp nhất trong 13 năm qua.

Với tình hình hiện nay, ông Ngân chia sẻ, mục tiêu doanh thu 5.680 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế tăng 109%, lên 560 tỷ đồng cho năm 2022 khó có thể đạt được.

“Doanh nghiệp đã tính đến hai phương án, một là theo dõi sát giá nguyên liệu để có chiến lược tích trữ tồn kho tại thời điểm giá tốt. Thứ 2 là tính toán lại giá bán, tuy nhiên phương án này sẽ chịu phải một số rủi ro nhất định, như giảm tính cạnh tranh”, ông Ngân cho hay.

Phải kìm được giá xăng dầu

Nhận định về những tác động mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực cho biết, việc suy giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát toàn cầu sẽ tạo sức ép tới kinh tế Việt Nam.

Tình hình thế giới hiện nay tác động rất nhiều đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tài chính cho 3 năm thay vì 1 năm như hầu hết các doanh nghiệp đang làm. Đó chính là khâu quan trọng nhằm quản trị rủi ro về thanh khoản, rủi ro thị trường, rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp, rủi ro pháp lý…
Doanh nghiệp cũng cần tìm thị trường mới để thay các thị trường đang bị khủng hoảng, tạo đầu ra cho sản phẩm. Chính phủ cần can thiệp để doanh nghiệp được tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu


Ông Lực phân tích, xung đột Nga - Ukraine dự báo làm gia tăng sức ép lên giá xăng dầu, khiến giá của mặt hàng này năm 2022 có thể tăng 30 - 40% so với năm 2021.

Như vậy, với kịch bản này, thâm hụt thương mại xăng dầu sẽ lên mức 9 tỷ USD (so với mức 6,3 tỷ USD năm 2021), CPI bình quân cả năm tăng thêm 0,8 - 1 điểm %, lên mức 3,8 - 4,2%; GDP năm 2022 sẽ giảm khoảng 1,1 - 1,3 điểm %.

Khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,7 - 5,9% (so với mức dự báo 6,5 - 7% hồi cuối tháng 2) và có thể thấp hơn, ở mức 4,5 - 5% nếu kịch bản xấu hơn xảy ra.

“Điều này đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay”, TS. Lực nói và cho rằng, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả nhằm thực hiện tốt chương trình phục hồi, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, phải kiềm chế giá xăng vì mặt hàng này ảnh hưởng lớn đến đầu vào.

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định: “Nếu chúng ta không có những chính sách quyết liệt để kìm giá xăng dầu, không chỉ ngành vận tải mà toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, hiệu quả gói hỗ trợ nền kinh tế có thể sẽ giảm đi rất nhiều”.

Do đó, vị chuyên gia đề nghị Chính phủ có giải pháp giữ giá xăng ở mức 22.000 - 23.000/lít cho đến cuối tháng 6 năm nay, giúp ngành vận tải phục hồi. Khi vận tải phục hồi thì chuỗi cung ứng sẽ không bị ảnh hưởng, chi phí vận tải vì thế cũng không bị đội lên.

“Phần giảm thu ngân sách do giảm thu từ giá dầu thì thặng dư từ thu nhập của PVN bù vào. Việc tăng nguồn cung liên quan tới vận tải sẽ bù đắp được giá dầu. Đây là giải pháp tránh khủng hoảng kinh tế do giá dầu mà nhiều nước cũng đã áp dụng”, ông Mại góp ý.

Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính dự báo một số yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3 và các tháng còn lại của năm. Theo đó, nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới.

Cùng với đó, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước tăng cao khi kinh tế phục hồi khiến giá xăng, dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch chịu sức ép tăng giá…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.