Thị trường

Doanh nghiệp cạnh tranh bằng thời gian, đã điện tử, đừng bắt scan bản giấy

15/12/2021, 14:37

Doanh nghiệp đang cạnh tranh bằng thời gian, do đó họ kỳ vọng ngành thuế và hải quan đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ "mềm"...

Hơn 140 nghìn tỷ hỗ trợ thuế, phí

Diễn đàn Thuế - Hải quan 2021 ngày 15/12, ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta.

img

Ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Chính phủ, các bộ ngành và các cấp chính quyền đã sát sao đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần yêu nước, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội, tạo động lực cho phát triển và tái khởi động nền kinh tế đất nước.

Hàng loạt cơ chế, chính sách đã được ban hành như: Chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất..

Ông Bách cung cấp số liệu, đến 23/11, ngành thuế đã tiếp nhận và giải quyết gia hạn thời hạn nộp thuế cho gần 140 nghìn người nộp thuế. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là trên 92 nghìn tỷ đồng.

Trong đó: Tiền thuế giá trị gia tăng trên 44 nghìn tỷ đồng; Thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp khoảng 45 nghìn tỷ đồng; Thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân của hộ và cá nhân kinh doanh trên 400 tỷ đồng; Tiền thuê đất được gia hạn trên 2,5 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, số tiền thuế (gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu), phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng.

“Tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền gần 140 nghìn tỷ đồng”, ông Bách cho hay.

Cạnh tranh bằng thời gian

Đánh giá cao nỗ lực chính sách thuế, phí, thủ tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 đã kéo dài hai năm nay, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng các chính sách này của Bộ Tài chính và Chính phủ vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

img

Ông Phan Đức Hiếu, thứ nhất từ trái sang

“Từ thực tế thời gian qua, chính sách của cơ quan thuế, hải quan có thể đi trước doanh nghiệp, tạo dư địa cho doanh nghiệp chứ không chỉ đi song song hoặc đi sau doanh nghiệp hay không? Ngành thuế, hải quan có thể làm tốt hơn nữa hay không?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.

Ông Hiếu cho rằng, trải qua thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, doanh nghiệp giờ đây rất khó khăn, nhất là về dòng tiền khi sản xuất kinh doanh không liên tục nhưng chi phí bỏ ra lại không giảm, thậm chí còn tăng lên. Thậm chí, doanh nghiệp thiệt hại lớn khi tài sản không được khai thác đầy đủ.

“Khó khăn hiện vẫn bất định vì không ai biết dịch khi nào đi qua”, ông Hiếu nói và cho biết, hiện doanh nghiệp đang kỳ vọng hai vấn đề là được hỗ trợ chi phí vật chất và hỗ trợ thuận lợi rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

“Đại diện Công ty May 10 phản ánh, trong bối cảnh bình thường thì đi từ ý tưởng đến thiết kế và thực hiện mất thời gian 6 tháng là chấp nhận được. Nhưng nay áp lực cạnh tranh phải giảm xuống còn 4 tháng. Mà trong bối cảnh dịch bệnh thì việc thực hiện còn khó khăn hơn nhiều, vận tải khó khăn, chờ hàng tuần mới có tàu. Do đó, hỗ trợ mềm trở nên vô cùng quan trọng”, ông Hiếu nói và cho biết một số nước trong khu vực đang chạy đua thiết lập kỷ lục thời gian hoàn thuế nhanh nhất để tạo dòng tiền cho doanh nghiệp.

Hoặc đối với thủ tục hải quan, ông Hiếu cho rằng nên đẩy mạnh hơn nữa cải cách, nhất là số hoá, khắc phục tình trạng đã điện tử lại yêu cầu doanh nghiệp scan bản giấy như nhiều doanh nghiệp phản ánh và chính bản thân ông Hiếu trải nghiệm.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đồng tình khi cho rằng, cải cách cuối cùng không phải trên văn bản mà là sự hưởng lợi của doanh nghiệp và người dân. Ông Lộc cũng cho rằng, hy vọng Quốc hội giao cơ chế đặc thù cho một số địa phương thì cũng cho Chính phủ cơ chế đặc thù xử lý các thủ tục, quy dịnh đặc thù trong thời gian dịch bệnh này. Đây cũng sẽ là mô hình thực hiện trong tương lai.

“Về cơ quan quản lý, bên cạnh gói hỗ trợ bằng tiền thì hãy hỗ trợ nhiều hơn về kỹ thuật, chuyển đổi mô hình kinh doanh, đó cũng là cách chuyển đổi nguồn thu, nuôi dưỡng và tăng cường nguồn thu. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế lắm, ngay cả các quy định về thuế hải quan cũng chưa nắm vững đâu”, ông Lộc nói.

Bà Lê Như Quỳnh, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết: Thời gian qua ngành hải quan rất quan tâm đến chỉ số thời gian thực hiện thủ tục hải quan và chỉ số hài lòng của doanh nghiệp. Chỉ số thời gian thì chúng tôi thực hiện nội bộ, còn chỉ số hài lòng của doanh nghiệp thì chúng tôi cũng phối hợp với VCCI thực hiện và công bố công khai.

Dịch đã hai năm, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra giám sát hải quan, thu thuế xuất nhập khẩu, điều tra chống gian lận thương mại, thống kê hàng hoá hải quan, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hai năm qua, chúng tôi vừa thực hiện nhiệm vụ vừa chia sẻ đồng hành cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất khó khăn, muốn giải phóng hàng nhanh nhưng thời gian vừa qua chịu tác động của dịch bệnh. Lúc đó, cán bộ hải quan cũng 3 tại chỗ cùng doanh nghiệp, tham gia lực lượng chống dịch tại TP.HCM, Bình Dương… hàng tháng trời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.