Kết quả khảo sát nhanh cho thấy, phần lớn đại diện doanh nghiệp (DN), hiệp hội đánh giá cao ý nghĩa, tính ưu việt và nhân văn trong nhiều quy định cụ thể của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi.
Tuy nhiên, căn cứ tính đóng BHXH bắt buộc là nội dung có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở bài toán an sinh cho xã hội, người lao động, mà còn là bài toán năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế Việt Nam. Do đó, các DN, hiệp hội cho rằng ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay để lựa chọn phương án khả thi, hợp lý.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất 2 phương án xác định mức đóng BHXH cho người lao động
Phân tích thiệt - hơn giữa 2 phương án mức đóng BHXH
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang cân nhắc 2 phương án xác định tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH, cụ thể:
Phương án 1 (giữ nguyên như quy định hiện hành) “là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động”.
Phương án 2 “là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động; không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Theo ý kiến của các DN, hiệp hội, trong trường hợp dự luật giữ nguyên quy định như phương án 1, DN và người lao động sẽ không phải chịu áp lực về chi phí “gia tăng đột biến”. Nhưng cơ quan quản lý Nhà nước thì phải tìm được phương án, giải pháp nhằm giải quyết bài toán “chậm đóng, trốn đóng, nợ BHXH...” của một số nhóm DN và người lao động như nhận diện thời gian qua.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi có một số thay đổi về mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung chế độ thai sản vào BHXH tự nguyện, giảm điều kiện số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm… được DN cho rằng phù hợp với chủ trương chung về cải cách chính sách BHXH gắn với Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, tạo động lực cho DN lẫn người lao động, từ đó góp phần nâng cao độ bao phủ của BHXH nhằm đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, toàn diện.
Chuyên gia quốc tế về lao động cho rằng, trường hợp này ban soạn thảo nên cân nhắc để đề xuất gia tăng các hình thức thanh kiểm tra, quản trị dựa trên dữ liệu, liên kết dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đân cư với cơ sở dữ liệu thuế, BHXH; kết hợp chế tài nghiêm minh,... thì hạn chế nêu trên sẽ dần được khắc phục mà vẫn tạo được thuận lợi cho DN và người lao động.
Nếu dự thảo Luật BHXH áp dụng theo phương án 2, căn cứ tính đóng BHXH tăng lên, sẽ có 2 vấn đề có thể xảy ra trong thực tế. Thứ nhất, trong bối cảnh DN và người lao động đều đang hết sức khó khăn, quy định này có thể dẫn đến tình trạng DN và người lao động càng tìm cách trốn đóng BHXH, khiến chính sách khó đạt được mục tiêu kỳ vọng và ảnh hưởng tiêu cực đến độ bao phủ của BHXH nói riêng và chính sách BHXH nói chung.
Thứ hai, sẽ khiến gia tăng chi phí lao động của DN, trong bối cảnh chi phí này được cho là “cao nhất khối ASEAN”, ảnh hưởng trực tiếp năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia và có thể gây “hiệu quả ngược” đối với các mục tiêu thu hút đầu tư FDI, đầu tư tư nhân đang được đẩy mạnh hiện nay.
Bên cạnh đó, việc tăng căn cứ tính đóng BHXH được thực hiện trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp bởi hầu hết DN đều đang rất chật vật để phục hồi hậu Covid-19 và đang phải đối mặt với những khó khăn quá lớn do suy thoái kinh tế cùng những biến động thị trường khác.
Đề xuất giữ nguyên mức đóng BHXH hiện hành
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, phân tích và nhận định nêu trên, các hiệp hội, DN xin đề xuất Ban soạn thảo dự Luật BHXH làm việc kĩ với các DN, hiệp hội, chuyên gia để đánh giá tính hợp lý, khả thi của các phương án và tập trung nhiều vào phân tích phương án đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về căn cứ tính đóng BHXH (phương án 1 của dự thảo luật), kết hợp với xác lập các biện pháp quản lý hiệu quả khác nhằm đảm bảo các mục tiêu toàn diện của chính sách BHXH cũng như chính sách phát triển kinh tế và DN.
Đồng thời, đề xuất Ban soạn thảo dự luật nghiên cứu, thể hiện rõ ràng các quy định liên quan tới các khoản phụ cấp, khoản bổ sung phải tính đóng BHXH để tránh tình trạng sau này dự Luật BHXH sửa đổi bổ sung đi vào đời sống, cơ quan quản lý Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động có những cách hiểu khác nhau khiến việc chấp hành pháp luật về BHXH bị ảnh hưởng tiêu cực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận