Thị trường

Doanh nghiệp điêu đứng vì Facebook "dở chứng"

14/11/2020, 07:36

Mỗi khi mạng xã hội Facebook “dở chứng”, không ít doanh nghiệp phải đau đầu.

img
Dân marketing chế ảnh Facebook vô hiệu hóa đúng dịp Trung thu

Với khoảng 60 triệu tài khoản, Facebook trở thành thị trường trực tuyến vô cùng tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi khi mạng xã hội này “dở chứng”, không ít doanh nghiệp phải đau đầu.

Mất trắng tài khoản, data khách hàng về 0

Hơn 2 tháng nay, nhiều doanh nghiệp Việt “điêu đứng” vì Facebook bất ngờ thay đổi thuật toán. “Ông lớn” mạng xã hội này đã vô hiệu hóa nhiều fanpage hoặc xoá trắng tài khoản quảng cáo của doanh nghiệp.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp Việt gần như không kiện được Facebook bởi Facebook không đặt pháp nhân ở Việt Nam, máy chủ đang để ở nước ngoài nên cơ quan quản lý chưa có căn cứ để bảo vệ doanh nghiệp Việt. Hơn nữa, khi chạy quảng cáo, các tài khoản phải cam kết các quy định về chính sách cộng đồng của Facebook. Tài khoản bị vô hiệu hóa là vi phạm chính sách của Facebook nên rất ít căn cứ để khởi kiện.
“Ngay cả những trường hợp chạy quảng cáo đúng cũng khó khởi kiện, bởi trường hợp như Facebook phải khởi kiện ra tòa Mỹ hoặc tòa quốc tế. Trong khi đó những doanh nghiệp kinh doanh phụ thuộc vào Facebook là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, rất khó đủ tiềm lực để theo đuổi kiện”, Luật sư Tùng nói.


Anh Nguyễn Văn Trường, CEO Sàn Bất động sản Sơn Đông (Hà Nội) cho biết, doanh thu công ty mỗi tháng 100 tỷ đồng, trong đó 25% lượng khách hàng được kéo về từ Facebook, 75% còn lại được thu hút qua các kênh khác.

Để đạt được kết quả đó, mỗi ngày anh Trường phải bỏ ra 50 triệu đồng, tương ứng mỗi tháng 1,5 tỷ đồng tiền quảng cáo dành riêng cho Facebook.

Bất ngờ, một buổi sáng đầu tháng 8 vừa qua, cả công ty nháo nhào vì cả 5 nhân viên SEO đang quản trị fanpege của công ty trên Facebook không ai có thể truy cập được vào tài khoản quảng cáo do mình quản lý. Màn hình giao diện một màu trắng xóa với dòng chữ “Tài khoản của bạn đã bị vô hiệu hóa”.

Nhân viên SEO công ty ngay lập tức đã khiếu nại theo thủ thuật và hướng dẫn công khai của Fecebook. Nhưng đến nay đã 2 tháng trôi qua, Facebook vẫn chưa có hồi âm.

Tình trạng tương tự đối với công ty của anh Võ Hoài, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thời trang.

Theo anh Hoài, trước đây, doanh nghiệp của anh cũng chỉ tập trung kinh doanh trên Facebook. Thế nhưng, sau thời gian xảy ra dịch Covid-19, anh và đồng nghiệp đã ý thức được việc phải phát triển rộng hơn các kênh online. Do đó, khi Facebook thay đổi thuật toán, doanh nghiệp chỉ bị kéo dài thời gian đạt kế hoạch doanh thu (ít nhất khoảng 1 quý) chứ không ảnh hưởng quá nhiều.

“Điều đáng tiếc nhất là mình bị mất toàn bộ dữ liệu khách hàng đã phải bỏ tiền “nuôi” 4 - 5 năm trời với hàng tỷ đồng. Facebook rất thông minh, từ những thao tác, thói quen hoạt động của khách hàng trên fanpage, “nó” sẽ hiểu được khách hàng của bạn là những ai, thu nhập mức nào, cần sản phẩm gì? Từ đó “nó” sẽ giới thiệu sản phẩm phù hợp, cơ hội khách hàng chốt đơn sẽ cao hơn. Giờ lại phải “nuôi” lại từ đầu, những khách hàng lạ, chưa rõ nhu cầu. Đó là chưa nói việc, “nó” sẽ thay đổi thuật toán khác bất cứ lúc nào mà không báo trước”, anh Hoài chia sẻ.

Không được may mắn như hai doanh nghiệp nói trên, Công ty Thời trang xuất nhập khẩu T&T của chị Thu Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang điêu đứng khi hơn 4 tỷ đồng tiền hàng đang nằm “đắp chiếu” trong kho bởi chị kinh doanh hoàn toàn trên Facebook.

Ngay sau khi bị mất 2 tài khoản quảng cáo của doanh nghiệp, chị phải chuyển qua chạy lay lắt bằng tài khoản cá nhân của cả 5 người thân trong gia đình, thế nhưng không mấy hiệu quả.

Chị Hà cho hay, đối với tài khoản quảng cáo của doanh nghiệp, trước đây mỗi ngày chị có thể “chạy” quảng cáo tới 10 triệu đồng. Nhưng tài khoản cá nhân bị giới hạn, chỉ “chạy” được 300 nghìn đồng/ngày.

Cùng với đó, những đối tượng mà các tài khoản này tiếp cận được là những khách hàng mới, chưa đúng đối tượng, chưa rõ về hành vi mua hàng nên gần như không có hiệu quả.

“Facebook thay đổi thuật toán rất nhiều lần nhưng tài khoản doanh nghiệp mình vẫn vượt qua. Nhưng đợt này thì khác, hàng tồn, nhân viên thất nghiệp, nợ chồng nợ, giờ cũng đang chưa biết xoay xở ra sao? Không ngờ có lúc bi đát đến như thế này”, chị Hà lo lắng.

Cần đa dạng kênh bán hàng

img
Màn hình tài khoản chạy quảng cáo Facebook thông báo vô hiệu hóa

Là CEO của một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn marketing online, anh Bùi Chí Công, đại diện Công ty TNHH TM và DV KDQ Việt Nam ghi nhận, việc Facebook thay đổi thuật toán, vô hiệu hóa hàng loạt tài khoản trong khoảng 2 tháng nay khiến không ít các doanh nghiệp đau đầu. Đặc biệt là những doanh nghiệp sống phụ thuộc gần như 100% vào Facebook.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, nhiều tài khoản bị khóa do có vi phạm chính sách, chạy chui, bùng, cố tình trục lợi từ Facebook.

“Có những tài khoản “chạy” quảng cáo có giá trị 500 triệu đồng nhưng được một số Facebooker ở Việt Nam hack và bán ra thị trường cho doanh nghiệp với giá chỉ bằng 1/3. Điều ngày có nghĩa Facebook đang bị mất 2/3 số tiền đó. Việc làm này sinh lời cho doanh nghiệp trước mắt nhưng tất nhiên khi bị phát hiện thì doanh nghiệp đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây chính là việc vô hiệu hóa tài khoản”, anh Công phân tích.

Cũng theo anh Công, để khắc phục tình trạng trên, không còn cách nào khác là phải “chạy sạch”, không chạy chui, tuân thủ quy tắc cộng đồng của Facebook. Bắt đầu quảng cáo từ content (nội dung) chuẩn, sau đó chạy quảng cáo thu hút khách hàng, thu hút traffic.

“Để tránh rủi ro, doanh nghiệp nên có nhiều hơn 1 tài khoản, cùng chạy song song, phòng trường hợp khi bị vô hiệu hóa tài khoản này còn tài khoản khác. Bởi chắc chắn Facebook sẽ liên tục thay đổi thuật toán chứ không cố định một lần hay khoảng thời gian nhất định. Cùng với đó, cần mở rộng, xây dựng, phân phối tìm kiếm các kênh bán hàng khác như: Tiktok, YouTube, các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Shoppee... Mặc dù hiện nay không hiệu quả bằng Facebook nhưng khi tài khoản Facebook bị vô hiệu hóa thì nó là một cây chống giúp doanh nghiệp không sụp đổ tức thời”, một chuyên gia khác tư vấn.

Theo một chuyên gia công nghệ, bên cạnh việc vô hiệu hóa nhiều tài khoản, Facebook cũng ráo riết siết hoạt động bán hàng trên trang cá nhân, fanpage và nhóm. Theo đó, những bài viết có nội dung bán hàng, Facebook hạn chế tối đa tương tác, gần như về con số 0. Chỉ khi người bán hàng chạy quảng cáo, tức là đổ tiền cho nhà cung cấp dịch vụ này, mới có được lượng tương tác như mong muốn. Đó là với điều kiện hình ảnh tốt và không có từ khoá nhạy cảm.

Lấy ví dụ như trang fanpage của Tiki, có tới gần 3 triệu lượt like trang. Vậy nhưng bài viết đăng bán hàng không chạy quảng cáo, chỉ có lèo tèo vài chục tương tác. Song những bài viết cũng của doanh nghiệp này có hiển thị “được tài trợ” - nghĩa là mua quảng cáo Facebook thì vẫn có từ vài nghìn, thậm chí cả chục nghìn người like và hàng nghìn comment.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.