Doanh nghiệp phần lớn không có tiền để làm tiếp
Phát biểu tại tọa đàm “Những nút thắt và giải pháp cho doanh nghiệp vượt qua Covid-19” do Công ty MobiFone tổ chức hôm nay (29/10) tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, phần lớn doanh nghiệp (DN) phản ánh “họ không có tiền để làm tiếp” chứ không phải không có định hướng chiến lược, cho nên “muốn cứu DN phải có biện pháp hỗ trợ về vốn trước tiên”.
“Tuy nhiên, số DN tiếp cận các gói hỗ trợ chỉ ở mức thấp bởi phần lớn các tổ chức tín dụng đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp mới cho vay thêm trong khi lượng tiền ở DN ngày càng cạn kiệt.
Điều này gây nghịch biến khi dòng tiền về ngân hàng ngày càng nhiều, trong khi, doanh nghiệp muốn vay vốn cũng không được”, ông Hiếu nói.
Trước thực tế trên, vị chuyên gia này đã đưa ra đề xuất: “Yêu cầu ngân hàng nhà nước (NHNN) hãy thành lập một tổ chức tổ hợp tín dụng có sự bảo lãnh của Chính phủ và NHNN đứng ra điều hành theo những tiêu chí cụ thể.
Tức là, cũng là sự kêu gọi các ngân hàng thương mại cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp với các chính sách như gia hạn, miễn, giảm, hạ lãi suất; Cho vay mới với lãi suất ưu đãi; Song phải có sự ràng buộc.
Cụ thể, tổ chức này phải yêu cầu tất cả các ngân hàng tham gia vào gói hỗ trợ với tỷ trọng cho vay được quy định theo tỷ trọng dư nợ của từng ngân hàng, mức phù hợp khoảng 3%.
Và tổ hợp này chịu sự điều hành của NHNN với mức lãi suất cho vay nên ở mức 3-5% trong bối cảnh ngân hàng đang “thừa tiền”.
Theo ông Hiếu, thời hạn cho vay cũng cần dài hơi và chia ra các giai đoạn thay vì chỉ cho vay trong vòng 1 năm.
Giả dụ, thời hạn có thể kéo dài 5 năm nhưng trong năm đầu thì ân hạn vốn, DN chỉ trả lãi; Bắt đầu từ năm 2, DN trả gốc và lãi theo một mức lãi hợp lý theo lộ trình.
Ông Hiếu cho rằng, qua thực tế cho thấy chính sách hỗ trợ rất hợp lý và nhiều góc độ, tuy nhiên, nếu không có ràng buộc thì các ngân hàng sẽ thực hiện với quy trình “đảm bảo nguồn tài chính của họ” trước khi tính đến sự kịp thời của DN.
Do vậy, để các chính sách có hiệu quả, cần thiết phải có một cơ chế bảo lãnh.
“Chính phủ phải bỏ ra một khoản tiền để đảm bảo việc thực hiện tổ hợp tín dụng”, vị này nhấn mạnh.
Cần tiến xa hơn với thị trường ngách
Đánh giá về cơ hội và thách thức của thị trường để trỗi dậy sau Covid-19, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại cho rằng, dù Covid-19 có sức tàn phá lớn nhưng cũng thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.
Điều này minh chứng cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của công nghệ số, công nghệ online.
Cũng từ đó, chúng ta thấy rằng, DN cần khai thác thêm nhiều thị trường lớn, đặc biệt là các thị trường ngách.
“Phần lớn DN chọn thị thường thông dụng như Đức, Pháp…mà hầu như bỏ trống thị trường ngách rất tiềm năng như các nước xã hội chủ nghĩa cũ Hungary, Bulgaria..., bởi đây là những thị trường có nhu cầu hàng hóa không quá khắt khe, không đòi hỏi chất lượng cao”, ông Tuyển nói.
Theo ông Tuyển, DN cần thực hiện nhanh chóng chuyển đổi số doanh nghiệp và tiến tới kết nối chuyển đổi số với Chính phủ.
Đặc biệt, để vượt qua tác động của Covid-19, DN phải suy ngẫm lại chiến lược kinh doanh của mình trong thời gian vừa qua.
Từ đó, xây dựng cho mình chiến lược đầu tư, chiến lược sản phẩm và thị trường mới nhưng phải nhớ “phải biết mình mạnh cái gì và phát huy thế mạnh đó".
“Trong thách thức luôn luôn có cơ hội, và DN cần mạo hiểm trên cơ sở tính toán chứ không làm liều thiếu định hướng”, ông Tuyển bày tỏ.
TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để trỗi dậy sau đại dịch Covid-19 chúng ta cần "thay máu", phải tiến về phía trước, chứ không phải cố gắng làm lại cái cũ đã bị mất.
Do vậy, cần chuẩn bị một cái bình thường mới hoàn toàn, xây dựng một chiến lược kinh doanh phải khác bởi thời điểm này không còn phù hợp với cái đã cũ.
Ngoài ra, chúng ta cần vươn ra thế giới và chuẩn bị tâm thế đón làn sóng công nghệ số, tập trung vào nền tảng số hay cần phải xây dựng với phương châm "phía trước là bầu trời" nên hãy luôn đối đầu với sự thay đổi mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận