Giao thông

Doanh nghiệp đường thủy hết cảnh “khó quá làm liều”

07/11/2019, 13:42

Thuyền viên đi học thì tàu phải nghỉ chạy hoặc tìm người thay thế. Có doanh nghiệp “túng quá làm liều”, thuê mượn bằng để hợp thức hoá giấy tờ.

img
Những quy định mới tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp đường thủy

Nhiều quy định mới hiệu lực từ ngày 1/1/2020 trực tiếp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động vận tải thủy. Các quy định mới này liên quan đến chuyển đổi giấy chứng nhận thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện, bố trí thuyền viên trên phương tiện thủy.

Liên thông bằng cấp, sắp xếp thuyền viên theo thực tế

Ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và vận tải Vũ Gia Tam chia sẻ, hơn 4 năm qua, tuyến vận tải ven biển dành cho tàu pha sông biển VR-SB từ Quảng Ninh - Kiên Giang được mở thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng của đội tàu VR-SB (đến nay khoảng hơn 1.800 chiếc) cũng kéo theo sự thiếu hụt về đội ngũ thuyền viên, trong khi nguồn nhân lực từ lĩnh vực đường thủy không đủ. Trong khi đó, người có bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu biển muốn chuyển sang tàu VR-SB phải mất chi phí thời gian để đi học, thi môn lý thuyết tổng hợp của chương trình đường thủy mới được đổi bằng.

“Thuyền viên đi học thì tàu phải nghỉ chạy hoặc tìm người thay thế. Thực tế có doanh nghiệp “túng quá làm liều”, đành thuê mượn bằng để hợp thức hóa giấy tờ. Bằng nghề tàu biển đào tạo bài bản nên thực chất việc học, thi thêm lý thuyết khi chuyển đổi bằng chủ yếu mang tính hình thức”, ông Ngọ nói.

Tuy nhiên, theo ông Ngọ, bắt đầu từ ngày 1/1/2020 tới đây khi Thông tư số 39/2019 của Bộ GTVT có hiệu lực, những vướng mắc trên sẽ được gỡ bỏ. Trong đó, đặc biệt là quy định liên quan đến việc đổi bằng.

Theo quy định mới của Bộ GTVT, bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu biển được đổi sang bằng tương ứng phương tiện thủy nội địa mà không cần học, thi thêm chương trình đào tạo của đường thủy như hiện nay. Việc này phù hợp với thực tế và doanh nghiệp sẽ không còn lo “ăn đong” thuyền viên. “Cơ chế mới giúp doanh nghiệp không còn phải mượn bằng để đối phó với cơ quan quản lý, cũng như giúp doanh nghiệp và thuyền viên bớt được gánh nặng chi phí, thời gian”, ông Ngọ nói.

Một vấn đề khác cũng được tháo gỡ là quy định về định biên thuyền viên. Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, các quy định mới của Bộ GTVT về thi, cấp bằng thuyền viên và bố trí định biên thuyền viên đáp ứng được nguyện vọng của doanh nghiệp, thuyền viên vận tải thủy, tạo thuận lợi lớn cho hoạt động vận tải, giảm được chi phí sản xuất. “Khoảng cách từ bờ ra các đảo như Nam Du, Phú Quốc, Thổ Chu rất ngắn, phương tiện thủy chỉ chạy vài giờ đồng hồ, chưa hết một ca làm việc đã tới. Thế nhưng, quy định trước đây vẫn phải bố trí số thuyền viên theo hành trình chạy tàu, quá số lượng cần thiết so với thực tế. Còn quy định mới linh hoạt hơn, giúp tiết kiệm chi phí nhân công”, ông Liêm nêu ví dụ.

Chuẩn hóa thuyền trưởng, máy trưởng

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, những quy định mới trong Thông tư số 39/2019 (quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa) và Thông tư số 40/2019 (quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa), cùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, được xây dựng trên cơ sở tiếp thu các kiến nghị của đơn vị, cá nhân vận tải thủy và phù hợp hơn với thực tiễn.


Ông Bùi Đình Thiện, Hiệu trưởng trường Cao đẳng GTVT đường thủy II cho biết, cách đây không lâu, nhà trường được Cục Đường thủy nội địa VN giao tổ chức thí điểm thi, sát hạch để cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy qua máy tính, với 400 câu hỏi (đối với bài thi thuyền trưởng) được máy tính sắp xếp tự động và được giám sát bằng các thiết bị công nghệ tự động, tương tự như thi lấy GPLX ô tô hiện nay.

Theo đại diện Cục Đường thủy nội địa VN, đây cũng là bước chuẩn bị để đề xuất Bộ GTVT cho phép tổ chức thi, sát hạch để cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng theo hướng tự động hóa giám sát để nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đường thủy. “Từ năm 2020, đề thi lý thuyết tổng hợp lấy bằng thuyền trưởng, máy trưởng tăng số câu hỏi từ 25 lên 30 câu, người thi phải đúng từ 25 câu trở lên mới đạt yêu cầu và áp dụng chung cho các hạng bằng thuyền trưởng, máy trưởng. Còn thi kiểm tra thực hành quy định thời gian cụ thể cho từng hạng bằng thuyền trưởng”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.

Tương ứng với quản lý chặt đào tạo, thi cử, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, quy định mới về chức danh thuyền viên còn cho phép thuyền trưởng hạng nhì, ba, tư được điều khiển loại phương tiện lớn hơn so với hiện nay, đáp ứng thực tế là doanh nghiệp ngày càng đóng tàu có trọng tải, kích thước lớn để cạnh tranh bằng sức chở.Cụ thể, thuyền trưởng hạng nhì được điều khiển đoàn lai có trọng tải đến 1.500 tấn thay vì chỉ đến 1.000 tấn như hiện nay, điều khiển phà đến 350 tấn (tăng 200 tấn); thuyền trưởng hạng ba được điều khiển phương tiện có trọng tải toàn phần đến 500 tấn (tăng 350 tấn), đoàn lai đến 800 tấn (tăng 400 tấn), điều khiển phương tiện có tổng công suất máy 250 CV (tăng 100CV), lắp máy ngoài có tổng công suất máy chính đến 1.000 CV...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.