Trong bối cảnh kinh doanh ngưng trệ vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tung ra sản phẩm phi lợi nhuận, coi đây là kênh quảng bá thương hiệu hữu ích giữa thời điểm khó khăn.
Phần mềm “giải cứu” thầy trò trong mùa dịch
Mới đây, một chủ DN vận tải hành khách du lịch tới gặp xin tư vấn trong hoàn cảnh mất hết hợp đồng, toàn bộ đội xe phải dừng hoạt động vì dịch bệnh, tôi đã khuyên doanh nghiệp này ngoài cơ cấu lại quản trị, nhân sự và sản phẩm thì hãy chạy xe hỗ trợ những người có nhu cầu đi lại trong thời điểm này với dịch vụ an toàn nhất. Lúc khó khăn cũng chính là cơ hội để chia sẻ với cộng đồng. Doanh nghiệp có thể chưa cần lãi nhưng nếu làm điều từ thiện, phi lợi nhuận thời điểm này là đã ghi dấu thị trường rồi, bởi “làm phúc” cũng chính là cách gieo hạt giống tốt.
Chuyên gia tư vấn thương hiệu Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BIZEN Việt Nam
Cách đây vài ngày, phần mềm LenLop.vn đã chính thức ra mắt hỗ trợ các thầy cô giáo trên toàn quốc mở lớp học trực tuyến trong bối cảnh học sinh không thể tới trường do dịch Covid-19. Điều đáng chú ý, đây không chỉ là nền tảng học trực tuyến đa phương tiện đầu tiên tại Việt Nam có thể giúp các giáo viên tương tác với hàng vạn học sinh - sinh viên mà còn hỗ trợ miễn phí 900 lớp học ảo mỗi ngày với thời lượng 2 giờ/lớp với không quá 100 lớp học song song.
Đại diện Tập đoàn Nextech, đơn vị chủ trì phát triển nền tảng này cho biết, LenLop.vn được coi là món quà cũng như nỗ lực chia sẻ của Tập đoàn với mong muốn “giải cứu” thầy trò cả nước dịp cao điểm mùa dịch Covid-19. “Mặc dù hoạt động kinh doanh khác của Tập đoàn đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, gặp nhiều khó khăn, chỉ có thể hoạt động cầm chừng, song với nền tảng dạy học trực tuyến, chúng tôi chưa tính đến lợi nhuận”, vị đại diện khẳng định và kêu gọi ý thức sử dụng có trách nhiệm của cộng đồng: “Chỉ những thầy cô thực sự có nhu cầu giảng dạy trực tuyến mới đăng ký tạo lớp để không làm lãng phí cơ hội của các giáo viên khác”.
Về lâu dài, LenLop.vn được kỳ vọng là công cụ giúp thầy cô giáo và các trường học trên cả nước xây dựng môi trường học tập suốt đời cho người Việt thông qua một phương thức giáo dục mới hiện đại, theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Ước tính chi phí tổ chức một lớp học truyền thống cho 20 học viên có thể lên đến 2 triệu đồng, bao gồm chi phí thuê lớp học và đi lại của thầy trò, chưa tính thời gian và công sức đưa đón của gia đình. Các lớp học online tại nhà sẽ tiết kiệm đến 95% so với hình thức dạy và học truyền thống, chưa kể nhiều chi phí xã hội vô hình khác”, vị đại diện cho biết.
Theo hướng dẫn, thầy cô giáo trên cả nước có nhu cầu dạy trực tuyến chỉ cần đăng ký tài khoản trong 2 phút trên máy tính cá nhân là có thể tạo lớp học online. Sau đó, gửi liên kết (đường link) lớp học online được hệ thống cung cấp cho các học viên để “lên lớp” thông qua trình duyệt web trên máy tính hoặc điện thoại. Hiện, mỗi lớp học ảo tại LenLop.vn cho phép tối đa 50 học viên tham dự, nội dung giảng dạy của giáo viên được livestream. Giáo viên có thể chia sẻ bài giảng điện tử định dạng Word, PowerPoint, Video Clip, Youtube... hoặc chia sẻ màn hình máy tính cho học sinh để có hiệu quả tốt. “Thầy trò có thể sử dụng chức năng bảng điện tử và chat nhóm để viết vẽ, tương tác và trao đổi với nhau như trong lớp học thật mà giáo viên vẫn có toàn quyền giám sát và cấp quyền phát thanh, truyền hình và tương tác bảng viết... của từng học viên trong lớp”, đại diện LenLop.vn nói.
Cứu người cũng là tự cứu mình
Chuyên kinh doanh dòng sản phẩm liên quan tới trà xanh, mỗi năm, doanh thu của Công ty CP Trà Sương Mai Thái Nguyên vào khoảng 170 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu mùa dịch Covid-19 tới nay, doanh thu mỗi tháng của công ty đã sụt giảm từ 25 - 28%. “Doanh thu sụt giảm chủ yếu bởi dòng sản phẩm cao cấp và mối hàng xuất khẩu đang bị tắc. Theo dự báo tới tháng 6, tình hình dịch bệnh mới được khống chế, từ giờ cho tới lúc đó, chúng tôi sẽ cố cầm cự, không giảm lương hay sa thải bất kỳ nhân viên nào”, chị Lê Sương Mai, Chủ tịch công ty cho hay.
Vị CEO nữ cũng khá tự tin chia sẻ: “Dịch Covid-19 đơn giản là một sự rủi ro thử thách trong kinh doanh, DN không thể tránh mà phải chấp nhận đương đầu, tĩnh tâm tìm ra giải pháp, kịch bản ứng phó. Một khi đã vượt qua rủi ro, đồng nghĩa mình đã được tăng thêm sức mạnh, trưởng thành hơn”. Và phương án chăm sóc khách hàng, ra mắt dòng sản phẩm vì cộng đồng đã được Sương Mai lựa chọn.
“Thời gian qua, nhu cầu sử dụng gel rửa tay sát khuẩn phòng dịch trong dân rất lớn, trong khi Sương Mai lại có một nhà máy sản xuất mỹ phẩm. Do đó, tôi nghĩ thay vì bán những sản phẩm có lợi nhuận, tại sao mình không làm ra sản phẩm vì cộng đồng đảm bảo an toàn cho người dân? Chỉ khi cộng đồng giữ được sức khỏe, đẩy xa dịch bệnh thì nền kinh tế mới phát triển, người dân mới có tiền để tiêu sài các dịch vụ khác. Vấn đề chuyển hướng sản xuất sản phẩm mới phải phù hợp với nền tảng mình đang có. Như vậy vừa tận dụng được nguồn lực, duy trì sản xuất, có việc làm cho nhân viên lại vẫn phát triển được thương hiệu trong thời kỳ khó khăn”, chị Mai phân tích.
Và sản phẩm nước rửa tay trà xanh kháng khuẩn của Sương Mai nhanh chóng được nghiên cứu và ra mắt. “Chúng tôi tận dụng tất cả nguồn lực, xe vận chuyển nhân viên thành xe chở hàng, tài xế là người ship hàng, lao công tạp vụ trở thành công nhân đóng gói, dán tem nhãn… Trong 2 tháng đầu, chúng tôi phân phát miễn phí sản phẩm tới vùng nông thôn, miền núi khó khăn. Tuy nhiên tới nay, để đảm bảo thu hồi chi phí sản xuất, chúng tôi bắt đầu bán đại trà ra thị trường. Giá thành sản xuất mỗi chai gel rửa tay trà xanh khoảng 186 nghìn đồng/chai 500ml, song công ty đang bán ở mức trợ giá 95 nghìn đồng/chai”, chị Mai cho hay.
Ngoài gel rửa tay, Sương Mai cũng cung cấp dòng sản phẩm thải độc từ trà xanh với giá khuyến mãi giảm 40%. Bên cạnh đó, công ty cũng đang nghiên cứu nước xịt họng trà xanh. “Chúng tôi xác định làm những sản phẩm phi lợi nhuận, đồng thời cũng là kênh PR tốt. Bởi lẽ khi sử dụng một sản phẩm vừa rẻ vừa tốt, khách hàng sẽ có cảm xúc, ấn tượng với thương hiệu”, chị Mai chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận