Cổ đông chất vấn tại đại hội cổ đông ngân hàng HDBank ngày 17/4 - Ảnh: Phan Tú |
Cổ tức vượt kỳ vọng
Cuối tháng 3, đại hội cổ đông thường niên 2015 của Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (mã chứng khoán NCT) đã chốt mức cổ tức năm 2014 cho cổ đông ở mức cao ngất ngưởng trên 100%, trả bằng tiền mặt.
"Nếu cứ phóng tay trong việc chi cổ tức cho cổ đông khi DN hoạt động không hiệu quả thì thực chất cổ đông nhận cổ tức bằng chính tiền của mình, tức lấy “mỡ nó rán nó”. Khi các DN dành vốn cho hoạt động kinh doanh thì cổ đông cũng nên ủng hộ”. Chuyên gia kinh tế |
Một cổ đông của NCT phấn khởi cho hay, cổ tức của công ty được chi làm 3 đợt, đợt 1 với tỷ lệ 70% bằng tiền (1 cổ phiếu trả 7 nghìn đồng) đã trả vào tháng 9/2014 và đợt 2 chi trả 40% cũng bằng tiền vào ngày 6/2/2015. Phần còn lại tương ứng với tỷ lệ cổ tức 37,1% dự kiến được chi trả vào ngày 5/6/2015 tới. “Việc chi trả cổ tức năm 2014 của công ty vượt xa con số 90% như kế hoạch và vượt xa kỳ vọng của các cổ đông. Vui hơn, tại đại hội cổ đông lần này, công ty cũng thông qua phương án chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 5% (cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu thì được thưởng thêm 5 cổ phiếu) thông qua phát hành 1.246.066 cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (quỹ đầu tư phát triển và thặng dư vốn cổ phần)”, cổ đông này nói.
Ngay trong quý I/2015, doanh thu của NCT đã đạt 211,74 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ 2014, lợi nhuận đạt 92,6 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2014. Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế kế hoạch là 351 tỷ đồng, công ty dự kiến chia cổ tức cho năm 2015 ở mức 100%. Tỷ lệ này thấp hơn năm 2014, được giải thích là do công ty điều chỉnh tăng vốn điều lệ lên 5%.
Ngoài NCT, một số công ty khác trong ngành giao thông cũng có mức chi trả cổ tức ở mức khá cao như Công ty CP Cảng Đoạn Xá (DXP) với mức cổ tức 2014 là 40% trả bằng tiền mặt, Công ty CP Cảng Đồng Nai (PDN) 17%, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco 1) mức 10%. Tổng công ty Xây dựng đường thủy Vinawaco dù còn nhiều khó khăn sau cổ phần hóa và tái cơ cấu cũng nhất trí chi cổ tức ở mức 4%...
Cổ đông ấm ức vì cổ tức ngân hàng
Tại đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ngày 18/4 vừa qua, ngân hàng báo năm 2014 đạt lợi nhuận trước thuế 1.417 tỷ đồng, tăng 61,4% so năm 2013 và vượt 20% so với kế hoạch đặt ra. Nhưng Techcombank tiếp tục không chi cổ tức để tập trung nguồn vốn tái đầu tư hoạt động kinh doanh, củng cố và phát triển ngân hàng. Điều này đã khiến cổ đông bức xúc, đòi phải chi cổ tức giống như đi làm phải có lương.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Techcombank, ông Hồ Hùng Anh vẫn khẳng định, dự kiến 3-5 năm tới, Techcombank tiếp tục không chi trả cổ tức để dành nguồn lực cho phát triển. Cộng với bốn năm, Techcombank đã không chi cổ tức, cổ đông của Techcombank rơi vào nguy cơ 10 năm đầu tư không nhận được đồng nào.
Trong kỳ đại hội cổ đông năm nay, ngành ngân hàng là tâm điểm khi liên tiếp có thông tin về sáp nhập, tái cơ cấu hệ thống. Nhưng vì dành toàn bộ nguồn lực cho phát triển, tái cơ cấu, mà nhiều ngân hàng tạm thời hy sinh quyền lợi của các cổ đông, gây ra bức xúc cho cổ đông nhỏ. Nhiều ngân hàng không chi cổ tức, các ngân hàng chi cổ tức dưới 10% như: ACB 7%, SHB 7% bằng cổ phiếu... Chỉ một số ít ngân hàng hoạt động khá như Vietcombank chi 10%, BIDV chi 10,2% bằng tiền mặt; Sacombank chi 12% bằng cổ phiếu...
Thực trạng không chi cổ tức hoặc chi ở mức “an ủi” do kết quả kinh doanh năm 2014 không như mong muốn khá phổ biến trong mùa đại hội cổ đông năm nay. Như Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC), Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm (NTL), Công ty CP đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico - SJS)… không chi cổ tức 2014; Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM) năm 2014 động viên cổ đông ở mức cổ tức 3% nhưng dự kiến sang năm 2015 thì cổ tức lùi về 0%...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận