Quản lý

Doanh nghiệp hứa rồi “quên” tặng cầu treo, ứng xử thế nào?

06/11/2018, 09:05

Nhiều doanh nghiệp tham gia Chương trình Nhịp cầu yêu thương do Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia phát động...

9

Cầu treo Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa - Ảnh: Tấn Minh

Hàng loạt doanh nghiệp hứa rồi… “quên”

Chương trình “Nhịp cầu yêu thương” chung tay góp quỹ xây cầu treo dân sinh cho bà con vùng sâu, vùng xa do Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia phát động vào tháng 1/2015 được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình thu hút hơn 120 doanh nghiệp cam kết tài trợ với tổng số tiền lên đến 380 tỷ đồng. Hàng trăm đại biểu là lãnh đạo Chính phủ và nhiều bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân đã tham dự và chứng kiến.

"Tổng cục đã đề xuất Bộ GTVT tổ chức tổng kết Chương trình Nhịp cầu yêu thương để đánh giá những mặt được, những tồn tại hạn chế và nhắc nhở các nhà tài trợ đã đăng ký mà chưa thực hiện. Đồng thời, định hướng các biện pháp xử lý, đóng chương trình này tại thời điểm tháng 12/2018”.

Ông Nguyễn Văn Huyện
Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

Tuy nhiên, đến nay, không ít doanh nghiệp sau khi trao tượng trưng số tiền tài trợ xây cầu vẫn "bặt vô âm tín". Nhiều khoản tiền hàng chục tỷ đồng quyên góp được chỉ dừng lại là những lời hứa... Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ VN, Chương trình Nhịp cầu yêu thương hiện đã hoàn thành 44/44 cầu treo dân sinh cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không tài trợ như đã đăng ký.

Có thể điểm tên hàng loạt doanh nghiệp hứa rồi “quên” như: Tổng công ty Xây dựng CTGT 5 (CIENCO 5), Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Liên danh nhà đầu tư dự án cầu Việt Trì mới, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI)... mỗi đơn vị đăng ký tài trợ từ 2- 4 cầu treo dân sinh, nhiều đơn vị hứa ủng hộ hàng chục tỷ đồng. Sau khi hăng hái cam kết trao tặng, các đơn vị này vẫn chưa chuyển các khoản tiền ủng hộ.

Lý giải việc chưa thực hiện nghĩa vụ của mình, ông Đặng Văn Tâm, Phó tổng giám đốc VIDIFI cho biết, hiện dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã hoàn thành. VIDIFI chỉ tập trung quản lý, khai thác tuyến đường để hoàn vốn cho dự án BOT và đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm dự án mới do chưa chuyển nhượng được dự án. Do đó, VIDIFI không cân đối được nguồn kinh phí để tiếp tục tài trợ chương trình.

Có xử phạt được không?

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng cho biết, hiện chưa có quy định pháp luật về điều chỉnh đối với hành vi “hứa nhưng không thực hiện”. Theo luật sư Hưng, đây chủ yếu do đạo đức kinh doanh, lương tâm, trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng của doanh nghiệp, khó ràng buộc bằng quy định pháp luật. Luật pháp khó điều chỉnh vì đây là hoạt động mang tính tự nguyện, không thể phạt người hứa làm từ thiện rồi không thực hiện. Trừ khi họ đặt bút ký thỏa thuận nào đó, mới có thể giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận này.

“Câu chuyện ở đây là đa số các doanh nghiệp đang được “hưởng lợi” lĩnh vực giao thông nên cần có trách nhiệm với sự phát triển của ngành, nhất là phát triển giao thông vùng miền núi còn nhiều khó khăn”, luật sư Hưng nói.

Chuyên gia xã hội học, TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, câu chuyện hứa hẹn tài trợ cho một hoạt động xã hội nào đó, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến an sinh xã hội, cứu giúp nhóm yếu thế đều là những cơ hội để các doanh nghiệp, các nhân vật xã hội quảng bá thương hiệu, tên tuổi của mình.

“Việc quảng bá thương hiệu không xấu, nhưng nếu bám lấy chuyện quảng bá thương hiệu giống như những thương vụ làm ăn, lên sân khấu khẳng định thương hiệu của mình để hưởng sự vinh quang, được cộng đồng tôn vinh sau đó không thực hiện thì đó là việc làm vi phạm nghiêm trọng phạm trù đạo đức doanh nghiệp”, TS Bình nói.

Cũng theo TS Bình, trước khi chấp thuận cho doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động có tính chất nhân văn, phải xem xét kỹ năng lực, tư cách doanh nghiệp, không thể để một doanh nghiệp, cá nhân yếu kém lên hứa hẹn để quảng cáo tên tuổi rồi “cao chạy xa bay”, ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng.

“Nhìn từ góc độ xã hội học hay đạo đức xã hội, có thể nói, đó là hành vi có tính chất lừa đảo, gian dối. Họ đã tìm cách ngụy tạo để chiếm lấy niềm tin, chiếm lấy sự tôn vinh của xã hội rồi “phủi tay” hoặc chối bỏ trách nhiệm đã nhận về mình”, TS Bình nói.

TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, có nhiều cách ứng xử đối với những doanh nghiệp này. Nếu những lời hứa có sự chắc chắn từ những cơ sở, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tài trợ, đơn vị tổ chức chương trình có quyền truy đến cùng để doanh nghiệp thực hiện. Đối với những trường hợp “hứa hão”, cơ quan chức năng hay đơn vị chủ trì chương trình cần cấm triệt để ở những sân chơi khác để triệt tiêu những trường hợp tương tự. Những hành vi vụ lợi đó cũng xứng đáng phải nhận sự lên án mạnh mẽ của xã hội.

Danh sách doanh nghiệp hứa rồi “quên” tặng cầu treo dân sinh

3 đơn vị không thực hiện tài trợ cầu

- Tổng công ty Xây dựng CTGT 5 (CIENCO 5) không tài trợ 3 cầu như đã đăng ký bao gồm: Cầu Thái Bằng, cầu Phố Sặt (tỉnh Lạng Sơn) và 1 cầu trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

- Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai không tài trợ 2 cầu như đã đăng ký bao gồm: Cầu Chơ Rơng (Gia Lai) và Thôn I (Đắk Lắk).

- Liên danh nhà đầu tư dự án cầu Việt Trì mới không tài trợ 4 cầu trên địa bàn tỉnh Sơn La như đã đăng ký.

Một số đơn vị đã đăng ký tài trợ bằng tiền nhưng không tài trợ

- Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) cam kết tài trợ 5 cầu tương đương 25 tỷ, tuy nhiên chỉ tài trợ 1 cầu tương ứng chuyển 5 tỷ về tài khoản quỹ.

- Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) cam kết tài trợ 4 cầu tương ứng 20 tỷ, tuy nhiên chỉ tài trợ 3 cầu tương đương 7,3 tỷ đồng.

- Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cam kết tài trợ 2 cầu tương đương 10 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ tài trợ 3 tỷ đồng.

- Các đơn vị cam kết tài trợ bằng cầu bao gồm: Tổng công ty 36, Công ty CP TASCO, Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Tập đoàn Trường Thịnh, Tổng công ty Thành An (Bộ Quốc phòng), Công ty BOT Đại Dương, Tổng công ty Xây dựng CTGT 1, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng CTGT 4, hiện tại không thanh toán các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn và các chi phí khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.