Thời sự Quốc tế

Doanh nghiệp “hứng đòn” trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

22/05/2019, 06:33

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung rõ ràng đang gây ra nhiều bất lợi về thương mại cho cả hai bên...

img
Huawei hiện là hãng cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung rõ ràng đang gây ra nhiều bất lợi về thương mại cho cả hai bên. Các chuyên gia phân tích gọi đây là một xung đột có tổng bằng không (Zero-sum). Huawei, tập đoàn viễn thông và thiết bị di động hàng đầu Trung Quốc, đang bị kéo vào những căng thẳng mang tầm vĩ mô và quy mô chiến lược này.

Khi Huawei và Google bị lôi vào cuộc

Google vừa rút giấy phép sử dụng hệ điều hành Android của Huawei. Điều đó đồng nghĩa Huawei sẽ không được tiếp cận các bản cập nhật mới của Android, cũng như không tiếp cận được các ứng dụng và dịch vụ của Google như tìm kiếm, bản đồ hay Gmail.

Động thái này của Google là phản hồi đầu tiên đối với sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuần trước nhằm mục đích cấm cửa các công ty mà Washington cáo buộc có nguy cơ gây hại đến an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ bán sản phẩm tại nước Mỹ, cũng như cấm các công ty của Mỹ bán công nghệ cho họ.

Theo sau Google, một loạt công ty công nghệ của Hoa Kỳ đã tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei, trong đó có Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom. Theo hãng tin Bloomberg, các công ty này đã ra thông báo nội bộ về việc sẽ tạm thời không bán linh kiện cho Huawei.

Intel hiện là nhà cung cấp chip lớn nhất cho các máy chủ của Huawei, trong khi Qualcomm bán cho công ty Trung Quốc các bộ xử lý và modem trên nhiều mẫu điện thoại thông minh. Xilinx cung cấp chip lập trình sử dụng trong thiết bị viễn thông, còn Broadcom cung cấp chip chuyển mạch, một linh kiện rất quan trọng.

Điều này đồng nghĩa với việc Huawei sẽ gặp khó khăn không nhỏ cũng như việc triển khai mạng 5G của Trung Quốc bị chậm lại cho tới khi hết bị cấm, dự kiến ở thời điểm hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tìm được tiếng nói chung trong cuộc chiến thương mại.

Trong một động thái khá bất ngờ, Chính phủ Mỹ vừa giảm bớt một số hạn chế áp đặt đối với Huawei. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ cho phép Huawei mua hàng hóa do Mỹ sản xuất nếu muốn duy trì các mạng hiện có và cung cấp cập nhật phần mềm cho điện thoại Huawei hiện có.

Tuy nhiên, Huawei vẫn bị cấm mua các phần mềm và linh kiện của Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới mà không có sự chấp thuận của chính quyền Washington.

Việc giảm bớt các hạn chế đối với Huawei nêu trên, có hiệu lực trong 90 ngày, cho thấy những thay đổi trong chuỗi cung ứng của Huawei có thể gây ra những hậu quả tức thời, sâu rộng và khó lường trước mà chính Washington cũng không mong muốn.

“Có vẻ như mục đích của động thái này là nhằm hạn chế các tác động ngoài ý muốn đối với các bên thứ ba sử dụng thiết bị hoặc hệ thống của Huawei. Chính quyền Mỹ có thể đang cố gắng ngăn chặn sự cố mất mạng”, luật sư Kevin Wolf, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ nhận xét.

img
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Huawei đối phó như thế nào?

Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới. Dù không đưa ra bằng chứng, từ năm 2012, công ty này đã liên tục bị Washington cáo buộc có các hoạt động gián điệp công nghệ trợ giúp cho chính quyền Bắc Kinh, cũng như gây hại tới an ninh quốc gia Mỹ.

Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang thêm một cấp độ mới, Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đang được ví như một doanh nghiệp điển hình, phải “hứng đòn” ở vị trí “đứng mũi chịu sào” cho các tranh chấp mang tầm quốc gia, như việc Washington kêu gọi châu Âu không dùng hạ tầng 5G của Huawei; Canada bắt lãnh đạo Huawei theo yêu cầu của các công tố viên Mỹ; và mới nhất là sắc lệnh cấm vận Huawei của Tổng thống Donald Trump.

Phản hồi trước những động thái này của các công ty Mỹ, Huawei cho biết họ đã dành vài năm qua để chuẩn bị kế hoạch dự phòng, bằng cách phát triển công nghệ của riêng mình trong trường hợp bị chặn sử dụng Android. Một số công nghệ này đã được sử dụng trong các sản phẩm được bán ở Trung Quốc.

Tác động dự kiến ​​sẽ là tối thiểu tại thị trường Trung Quốc. Vì hầu hết các ứng dụng di động của Google đều bị cấm ở Trung Quốc, nơi các sản phẩm thay thế được cung cấp bởi các đối thủ trong nước như Tencent và Yahoo.

Tuy nhiên, tại các thị trường khác, nơi Huawei đang cung cấp điện thoại di động, người dùng đang quá quen thuộc với các ứng dụng của Google, tác động đối với thị phần của Huawei được đánh giá sẽ nghiêm trọng.

Theo ông Geoff Blaber, Phó chủ tịch nghiên cứu của CCS Insight, các ứng dụng Google rất quan trọng đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh để duy trì khả năng cạnh tranh tại các khu vực, như châu Âu.

Bất chấp những cảnh báo đầy bi quan, lãnh đạo Huawei tự tin rằng, họ đã chuẩn bị cho một lệnh cấm trên diện rộng từ giữa năm 2018, theo đó, công ty đã mua đủ số chip và các linh kiện quan trọng để duy trì hoạt động ít nhất 3 tháng. Cùng với đó, Huawei cũng đẩy mạnh phát triển và thiết kế chip của riêng mình.

Trong một động thái mới nhất, Trung Quốc cho biết, họ có thể “trả đũa Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen”.

Đặc phái viên Trung Quốc tại EU, ông Zhang Ming cho rằng: “Động thái của Mỹ là sai lầm, khiến các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc đang bị phá hoại. Do vậy, Chính phủ Trung Quốc sẽ không ngồi yên”.

Gọi sắc lệnh mới của ông Trump mang động cơ chính trị nhằm mục đích cố gắng hạ bệ Huawei, ông Zhang thúc giục “Washington không nên tiếp tục đi vào con đường sai lầm, để tránh gây xáo trộn thêm cho quan hệ Trung Quốc - Mỹ”. Ông Zhang cũng cáo buộc Washington đang làm “đổ bể các nỗ lực trong hơn 1 năm đàm phán giữa hai quốc gia để đạt được một thỏa thuận”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.