Đường cao tốc Gyeongpu nối Seoul với Busan (Hàn Quốc)
Gần 20 năm qua, Việt Nam mới đầu tư xây dựng được 1.163km đường cao tốc, trong khi đó, cũng khoảng thời gian này, Trung Quốc phát triển khoảng hơn 160 nghìn km, vươn lên đứng đầu thế giới về đầu tư đường bộ cao tốc. Tại Hoa Kỳ, đến nay cũng có hơn 100 nghìn km đường cao tốc. Hàn Quốc có khoảng 4.767 km, phân bổ hợp lý trên các vùng miền. Vậy cách nào mà các nước có thể phát triển đường cao tốc nhanh như vậy?
Kỳ 2: Doanh nghiệp hưởng nhiều ưu đãi đầu tư đường cao tốc
Các nước trên thế giới đa phần áp dụng mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Nhà nước đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hệ thống đường cao tốc...
Nhật Bản: Nhà đầu tư được hưởng nhiều ưu đãi
Mô hình giao doanh nghiệp đầu tư đường cao tốc được áp dụng rộng rãi tại Nhật Bản khi nước này thành lập Tập đoàn Đường bộ cao tốc Nhật Bản vào năm 1956. Doanh nghiệp được Chính phủ Nhật Bản cho hưởng nhiều cơ chế ưu đãi: Miễn các loại thuế khác nhau, bao gồm thuế doanh nghiệp.
Tập đoàn Đường bộ cao tốc Nhật Bản được thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc và các khoản phí khác liên quan đến vận hành kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; các khoản vay từ chính phủ, phát hành trái phiếu vào quỹ chính phủ và bảo lãnh của chính phủ đối với trái phiếu.
Đặc biệt, năm 1999, Nhật Bản thông qua Luật Đầu tư công tư để giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh cao. Nhật Bản còn ban hành các quy định đặc biệt về xây dựng và nâng cấp đường bộ; các hoạt động xây dựng, nâng cấp và bảo trì được thực hiện bằng các khoản vay, số tiền vay và chi phí quản lý được bù đắp bằng doanh số thu phí; các công ty đường bộ cao tốc là đơn vị quản lý vốn.
Bên cạnh các khoản thuế quốc gia dùng để cấp vốn cho công trình đường bộ, còn có thuế đánh vào tải trọng xe và các khoản thuế địa phương để cấp vốn cho công trình đường bộ, gồm: Thuế chuyển nhượng xe, thuế nhiên liệu và thuế phương tiện.
Đến nay, Nhật Bản đã hoàn thành, đưa vào khai thác 8.358 km đường cao tốc, phân bổ đều khắp các vùng miền trên toàn lãnh thổ. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc đặt ra tiêu chuẩn cao, tối thiểu 4 làn xe, tương ứng tiêu chuẩn Châu Âu với tiêu chí phải đảm bảo việc kết nối đến thủ phủ các tỉnh trong vòng 1 giờ.
Một giao lộ ở Osaka, Nhật Bản
Hàn Quốc: Lập mô hình Tổng công ty Đường bộ cao tốc trực thuộc nhà nước
Đến nay, Hàn Quốc có khoảng 4.767km đường cao tốc được phân bổ hợp lý trên các vùng miền và thuận lợi kết nối tới các chùm đô thị, cảng biển, sân bay. Trong 20 tuyến cao tốc đang khai thác tại Hàn Quốc có 15 tuyến do tư nhân đầu tư, còn lại 5 tuyến do Nhà nước xây dựng (chủ yếu là các dự án có tính chất an sinh xã hội như: đường bộ cao tốc nối phía Nam, đường điều hoà giao thông,….).
Để có kết quả này, ngay từ giai đoạn 1960, Hàn Quốc đã đưa ra mô hình thành lập Tổng công ty Đường bộ cao tốc (trực thuộc nhà nước) thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch, xây dựng và quản lý đường bộ cao tốc quốc gia và phát triển các khu vực gắn với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc.
Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư dự án, 50% còn lại do các tổng công ty chịu trách nhiệm. Nguồn vốn đầu tư của Chính phủ được sử dụng để chi trả cho việc mua đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường. Đối với trạm nghỉ và cây xăng, Tổng công ty Đường bộ cao tốc tự bỏ vốn đầu tư xây dựng và khai thác, không tính vào tổng mức đầu tư dự án.
Sau khi các tuyến cao tốc được triển khai xây dựng và hoàn thành, Tổng công ty này sẽ trực tiếp quản lý và thu phí. Đến nay, Tổng công ty Đường bộ cao tốc đang quản lý trên toàn mạng lưới đường bộ cao tốc với 160 trạm nghỉ và cây xăng, riêng cây xăng công ty ủy quyền cho doanh nghiệp khác quản lý và khai thác
Năm 2009, doanh thu của Tổng công ty Đường bộ cao tốc đạt 35,5 triệu USD, trong đó nguồn thu từ phí cầu đường là 26,8 triệu USD, khoản thu khác là 8,7 triệu USD. Ngoài ra, phần kinh phí Chính phủ hỗ trợ 50% cũng được bổ sung tăng nguồn vốn của Tổng công ty.
Toàn bộ nguồn thu được từ khai thác tuyến đường bộ (thu phí, thu khác) được tập trung vào một quỹ và được sử dụng cho chi phí quản lý, bảo trì tuyến đường và nghiên cứu và đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới.
Tư nhân đầu tư, nhà nước giám sát
Tại Australia, hiện có khoảng 14.500km đường cao tốc khai thác. Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án đường bộ, Chính phủ hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và xem xét giảm thuế trong trường hợp nhà đầu tư có khả năng bị lỗ do dự đoán không chính xác việc thu hồi vốn.
Đây là yếu tố khách quan tác động khi đưa dự án vào khai thác không đảm bảo lưu lượng phương tiện do công tác dự báo hay chính sách của Nhà nước thay đổi hoặc những yếu tố ảnh hưởng khác mà không phải do nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư.
Trong khu vực Đông Nam Á, hệ thống đường bộ cao tốc của Malaysia cũng được xây dựng bởi các công ty tư nhân dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền về đường bộ của Chính phủ. Chính phủ Malaysia ban hành cơ chế chính sách cho phép tư nhân tham gia đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc từ trước những năm 90 của thế kỷ 20.
Malaysia chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc có từ rất sớm, sau năm 1988 các dự án đường bộ cao tốc mới đều do khu vực tư nhân thực hiện.
Hiện nay, mạng lưới đường bộ cao tốc Malaysia có thể được coi là tốt nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ ba Châu Á sau Nhật Bản và Trung Quốc. Tổng chiều dài các tuyến đường cao tốc đang khai thác ở Malaysia là 1.192 km, quy mô tối thiểu bốn làn xe, tốc độ trên 80km/h, nhiều vùng quy định tốc độ mặc định là 110 km/h.
Trung Quốc phân cấp cho địa phương làm đường cao tốc
Đứng đầu thế giới về số lượng đường cao tốc đang khai thác lên tới 168.100 km, trong nhiều năm qua, Trung Quốc thực hiện huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc: Vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chuyển nhượng quyền thu phí và sử dụng vốn nước ngoài.
Đặc biệt, Trung Quốc tiến hành phân quyền cho các địa phương thực hiện đầu tư các tuyến đường cao tốc qua địa bàn và chịu trách nhiệm tài chính, gồm các khoản vay và trích ngân sách để thực hiện. Chính quyền cấp tỉnh có quyền và chủ động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; lựa chọn và thành lập một số công ty chuyên biệt để xây dựng và vận hành đường bộ, dựa theo từng trường hợp.
Đồng thời, việc cá thể hóa trách nhiệm gắn với với chỉ tiêu phát triển của Đảng, Chính quyền đối với người đứng đầu cấp tỉnh đã giúp Trung Quốc có những bước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc nhanh chóng, đến nay có khoảng 168.100 km đường bộ cao tốc, như tỉnh Vân Nam, Quảng Tây trong 3 năm đầu tư xây dựng trên 2.000 km đường bộ cao tốc.
(Theo nguồn tư liệu của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận