Đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã tạm lắng, các doanh nghiệp đều bắt đầu khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới, để cung ứng các đơn hàng còn ứ đọng trong thời gian qua. Vì vậy nhu cầu vận chuyển tăng mạnh.
Hàng hóa container thông qua cảng biển. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tuy nhiên, những tháng gần đây, giá cước vận tải biển tăng cao đang gây ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (chuyên xuất khẩu gạo, TP. Cần Thơ), cho biết trong 2-3 năm trở lại đây, giá cước vận tải biển đã tăng đột biến, cao gấp nhiều lần và trở thành một gánh nặng lớn cho doanh nghiệp.
Trong năm vừa rồi, doanh nghiệp này xuất khẩu 60.000 tấn gạo, với giá cước vận tải tăng gấp 3 lần. Trước đó, giá cước chỉ từ 600 - 900 USD/container, nhưng đã tăng lên đến 4.000 rồi đến 6.000 USD. Thậm chí có những chỗ tăng gấp 10 lần.
Theo ông Bình, Việt Nam là Quốc gia có tiềm năng kinh tế biển vô cùng lớn trong thời điểm hiện tại cũng như tương lai. Tuy nhiên, vấn đề hệ thống logistics, container, vận chuyển tàu biển lại đang rất yếu kém, với nhiều bất cập tồn tại.
Có thời điểm, tình hình cảng biển thế giới bị ảnh hưởng nhiều yếu tố nên phải tăng giá cước vận tải biển. Tuy nhiên, ở Việt Nam dù không ảnh hưởng gì cũng tăng giá.
“Lấy ví dụ, trung bình 1 doanh nghiệp xuất khẩu 3.000 container. Trong đó, 1 container bị đội giá cước thêm 3.000 USD. Như vậy, sẽ mất 9 triệu USD cho 3.000 container này”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết: “Bình quân mỗi năm tỉnh Long An xuất khẩu 300.000 tấn thanh long, trong đó, có khoảng 1/3 (100.000 tấn) đi bằng đường biển.
Có 2 loại container vận chuyển đường biển, gồm container 40 feet và 45 feet, tương đương sức chứa 20 và 23 tấn thanh long. Trước đây, mỗi container có giá cước vận chuyển hơn 40 triệu đồng, nhưng bây giờ tăng gấp 5 lần, lên tới 200 triệu đồng/container”.
Ông Trịnh cho hay, khi đưa 1 container hàng xuống tàu, thì chủ tàu sẽ trả lại cho doanh nghiệp 1 container rỗng. Khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân tăng giá cước, thì họ trả lời là do thiếu container rỗng, cộng với việc kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc đang nghiêm ngặt, mỗi chuyến tàu vận chuyển từ 7 ngày đã tăng đến 20 ngày, làm đội thêm các chi phí.
Vừa qua, do cửa khẩu giáp với Trung Quốc bị ách tắc, nên thanh long phần lớn phải xuất khẩu qua đường biển. Khi doanh nghiệp khó khăn, kham không nổi, sẽ dẫn tới chuyện thu mua giá rẻ với nông dân. Sau cùng, nông dân vẫn là người khổ nhất.
Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đến thời điểm này sức mua trên thế giới đang phục hồi trở lại mạnh mẽ. Các cảng biển cũng khôi phục lại được năng lực bốc xếp.
Tuy nhiên, do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên nhu cầu vận chuyển bằng đường biển cũng tiếp tục tăng khiến giá cước vận chuyển bằng đường biển tăng mạnh.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An: “Riêng Việt Nam trong năm vừa rồi xuất nhập khẩu lên đến con số 650 tỷ USD. Trong đó, vận tải chiếm đến 1/3 số đó, tương đương trên 200 tỷ đồng.
Nếu Việt Nam đảm bảo được và đầu tư được cái này thì nguồn thu về rất lớn. Không phải đi thuê của ai, hàng hóa của ta nhập khẩu về, tàu của ta, thì ta chở.
Tới đây, xuất nhập khẩu sẽ không dừng lại ở con số 650 tỷ USD nữa, mà sẽ tăng lên 700 tỷ hoặc lên đến hàng nghìn tỷ USD. Và chúng ta không thể phụ thuộc vào nước ngoài mãi được”.
Đồng quan điểm trên, 1 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản ở Cần Thơ, cho hay: “Nếu Việt Nam đầu tư được bài bản và chủ động trong vấn đề hạ tầng logictic thì mỗi 1 năm thu về không dưới 100 tỷ USD.
Việc lệ thuộc vào nước ngoài trong vấn đề vận tải biển đã diễn ra nhiều năm và đến nay vẫn tồn tại như một búc xúc đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, ngay trong thời điểm này, nó đã kềm hãm sự phục hồi kinh tế của doanh nghiệp sau đại dịch.
Chúng ta phải có một chiến lược lâu dài, căn cơ và bền vững, vì Việt Nam có nền kinh tế biển rất lớn. Việc này cần sự chỉ đạo, vào cuộc sát sao của Nhà nước, Chính phủ".
Trước tình trạng giá cước vận tải biển tăng đột biến, vừa qua Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai các giải pháp, như thành 2 lập Tổ công tác liên ngành (với Bộ Công thương, Bộ Tài chính) kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá cước, phụ thu ngoài giá và các vấn đề khác liên quan đến dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển của các hãng tàu nước ngoài vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu đi châu Âu, châu Mỹ; giải quyết tình trạng ùn tắc hàng tại cảng…
Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam (dự kiến ban hành trong năm 2022) để giảm chi phí và nâng cao tính chủ động cho hoạt động xuất nhập khẩu, tăng thị phần vận tải của đội tàu biển Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để vận tải biển đáp ứng tốt nhu cầu của toàn xã hội, với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận