Hàng hải

Doanh nghiệp kinh doanh tàu dầu tưng bừng báo lãi

08/05/2023, 19:11

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển kinh doanh tàu dầu đạt được lợi nhuận tăng trưởng trong quý I/2023.

Quý I lãi đậm

Báo cáo tài chính quý I/2023 của Công ty CP Vận tải xăng dầu Vitaco vừa ghi nhận mức lợi nhuận lớn sau khi thị trường tàu dầu có nhiều tín hiệu tích cực thời gian qua.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp này đạt hơn 275,8 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 13,8 tỷ đồng, gấp tới hơn 628%.

img

Thị trường tàu dầu thời gian qua "được mùa" giúp các doanh nghiệp vận tải biển làm ăn có lãi (Ảnh minh họa)

Theo lãnh đạo Vitaco, doanh thu quý I tăng hơn 25 tỷ so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu là do cước tàu thuê định hạn tăng và hoạt động tàu chạy chuyến ven biển cũng tăng do có bổ sung thêm tàu.

Đối với lợi nhuận sau thuế, việc tăng vọt mức lợi nhuận chủ yếu do cước thuê định hạn tăng và hoạt động các tàu chạy chuyến ven biển đạt hiệu quả hơn so với cùng kỳ.

Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính quý I/2023, Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific) có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 59,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2023 của PVTrans Pacific đạt 47,4 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng công ty CP Vận tải dầu khí (PVTrans) cũng ghi nhận mức tăng trưởng dương trong quý I. Công ty đạt mức doanh thu 2.043 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ (2.022 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp đạt hơn 240 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo PVTrans, lợi nhuận quý I tăng trưởng do Tổng công ty gia tăng nhờ khai thác hiệu quả đội tàu cũng như hoạt động tài chính.

Thận trọng “cài số lùi” trong mục tiêu lợi nhuận năm

Thực tế, trong tháng 3, cước vận chuyển của thị trường tàu dầu thời gian qua đã tăng mạnh. Phân tích của tờ Hellenic Shipping News Worldwide cho thấy, các tàu VLCC (tàu chở dầu thô rất lớn có trọng tải 150.000 - 320.000 DWT) tăng mạnh nhất, khoảng 45% trên tuyến Trung Đông đến vùng Viễn Đông.

Giá cước của tàu Aframax (tàu chở đầu thô và dầu sản phẩm trọng tải khoảng 80.000 - 120.000 DWT) cũng có xu hướng tăng khi mức cước giao ngay trên tuyến nội địa Trung Đông tăng 23% so với hồi tháng 2.

Đối với giá thuê tàu định hạn, theo công bố của công ty môi giới Alibra Shipping, cỡ tàu Aframax (khoảng 115.000 DWT) có giá cước cho thuê khoảng 48.500 USD/ngày nếu thuê trong 1 năm và khoảng 35.000 USD/ngày nếu thuê trong 5 năm. Với tàu VLCC, giá thuê định hạn có xu hướng tăng theo năm, 48.500 USD/ngày trong vòng 1 năm và 50.000 USD/ngày khi thuê trong 5 năm.

Tuy kết quả kinh doanh trong 3 tháng đầu năm đạt hiệu quả tốt, song lãnh đạo PVTrans cũng thể hiện sự thận trọng trong thời gian tới.

Doanh nghiệp này vẫn “cài số lùi” trong mục tiêu lợi nhuận của năm nay với mục tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 538 tỷ đồng, tương đương giảm 53% so với năm 2022 (1.457 tỷ đồng).

Nguyên nhân bởi những biến động phức tạp của địa chính trị thế giới, đặc biệt là cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraine. "Triển vọng tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng do các rủi ro liên quan đến sự tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo và việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, khiến giá cước năm 2023 dự kiến sẽ hạ nhiệt", lãnh đạo PVTrans dự báo.

Trên thực tế từ tháng 4 tới nay, thị trường tàu dầu lại có nhiều biến động liên tục. Nền tảng dữ liệu tài chính Investing.com đưa ra chỉ số Baltic Dirty Tanker Index (BDTI - chỉ số giá cước vận tải dầu thô) và chỉ số Baltic Clean Tanker Index (BCTI - chỉ số giá cước tàu chở dầu thành phẩm) đều có xu hướng giảm nhẹ, ít nhất khoảng 8% trong thời gian qua.

Theo phân tích, từ cuối tháng 4, giá cước vận chuyển bằng tàu VLCC từ Vịnh Trung Đông đến Vịnh Hoa Kỳ giảm với nguyên nhân được cho là bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng của OPEC+.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.