Vận tải

Doanh nghiệp lo giá cước vận tải biển quốc tế tăng mạnh

13/06/2019, 16:04

Doanh nghiệp lo ngại khi quy định quốc tế về giảm tỷ lệ lưu huỳnh trong tàu biển sẽ làm tăng chi phí đầu tư, làm tăng giá cước.

img
Từ 1/1/2020 tàu biển chạy tuyến quốc tế phải đáp ứng tiêu chuẩn dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,5% - Ảnh minh họa

Cục Đăng kiểm VN vừa tổ chức 2 hội nghị tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp vận biển quốc tế tại phía Bắc (tại Hải Phòng) và phía Nam (tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa) để phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định mới của quốc tế liên quan đến vận tải biển.

Đáng chú ý, trong các quy định mới sắp có hiệu lực, theo thông báo của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) từ 1/1/2020 tàu biển chạy tuyến quốc tế phải đáp ứng tiêu chuẩn dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,5%.

Liên quan đến vấn đề này, IMO ước tính khoảng 70.000 tàu biển trên thế giới bị tác động, gây tốn kém chi phí để giảm lượng phát thải. Hầu hết doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế cũng lo ngại sẽ bị tăng chi phí, cước vận tải.

Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cho rằng, để thực hiện quy định khắt khe này của IMO, các hãng tàu container trên thế giới bắt đầu áp dụng nhiều giải pháp như: lắp đặt hệ thống lọc lưu huỳnh; chuyển sang dùng nhiên liệu MGO/MDO với chi phí cao hơn so với sử dụng nhiên liệu HFO (Heavy Fuel Oil) hoặc chuyển sang nhiên liệu khí tự nhiên hóa lỏng LNG. Dù lựa chọn giải pháp nào, ngành hàng hải cũng sẽ gánh thêm chi phí hoạt động không nhỏ vì các loại nhiên liệu sạch sẽ đắt tiền hơn.

Theo tính toán của Công ty quản lý tài sản Macquarie (Úc), việc thay đổi nhiên liệu của các hãng tàu biển sẽ làm tăng khoảng 30% chi phí vận tải đường biển.

Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp vận tải biển; Đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền về việc áp dụng những điều khoản quốc tế thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ những quy định kỹ thuật, hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết song phương, đa phương với các đối tác quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.