Khách vay “lo sốt vó”
“Lãi suất tăng quá!”, anh Nguyễn Văn Quyến, một khách vay vốn ngân hàng thốt lên khi cập nhật bản tin mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất liên ngân hàng tuần vừa qua.
Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng lên 2,9%/năm và 1 tuần lên 3,03%/năm.
Doanh nghiệp lo ngại lãi suất tăng ảnh hưởng tới phục hồi sản suất sau đại dịch. Ảnh minh họa: HH
Thị trường liên ngân hàng là nơi các ngân hàng mượn vốn ngắn hạn của nhau. Lãi suất liên ngân hàng không trực tiếp tác động tới lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng, nhưng qua thị trường này có thể thấy phần nào nhu cầu vốn cũng như thanh khoản trước mắt của các ngân hàng.
Trước đó, thông tin từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất liên ngân hàng từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2/2022 tăng mạnh hơn khi kỳ hạn qua đêm và 1 tuần lần lượt tăng 0,9% và 1,19%, lên 3,32% và 3,39% một năm. Theo BVSC, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã đạt mức cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây.
Còn tại các ngân hàng, lãi suất huy động đã được một loạt ngân hàng đẩy lên 7%, có ngân hàng cách đây ít ngày còn “mồi” khách hàng bằng lãi suất 10% và 12% một năm.
Lý do anh Quyến thường xuyên cập nhật thông tin lãi suất, trong đó có lãi suất liên ngân hàng là do anh vừa đầu tư chứng khoán vừa quản lý hai phòng khám tư nhân - vẫn còn chịu một khoản vay tiền tỷ tại một ngân hàng thương mại.
Việc phân tích diễn biến lãi suất để anh lựa chọn cổ phiếu đầu tư, đồng thời đánh giá khả năng tăng lãi suất đối với khoản vay để cân đối vốn.
“Nếu ngân hàng đi vay lẫn nhau cao thế này thì rất có thể trong mấy tháng tới lãi suất huy động sẽ tăng nữa, dẫn đến lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo”, anh Quyến phân tích và cho biết, nếu lãi suất cho vay tăng thêm, anh sẽ thêm gánh nặng vì hiện mỗi tháng tiền lãi phải trả gần 13 triệu đồng, chưa tính tới các chi phí khác như: tiền thuê địa điểm, lương nhân viên, khấu hao máy móc…
Ở quy mô doanh nghiệp lớn hơn, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta (hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics) cho biết, để có hàng trăm đầu xe hoạt động vận tải hàng hoá, công ty phải đi vay gần trăm tỷ đồng. “Nếu lãi suất tăng 1%, mỗi tháng công ty phải trả thêm cả trăm triệu đồng chi phí vốn”, ông Nghĩa cho biết.
Ông Nghĩa cũng lo lắng câu chuyện lãi suất khi lạm phát gần đây đang trở thành vấn đề khiến nhiều người lo lắng. “Lạm phát tăng, bắt buộc phải tăng lãi suất. Lúc đó, ảnh hưởng đầu tiên là các doanh nghiệp sẽ hạn chế tái đầu tư, mở rộng, tỷ suất lợi nhuận tất nhiên sẽ suy giảm”, ông Nghĩa phân tích.
Lạm phát tăng, áp lực lên lãi suất
Diễn biến trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua tương đối khác biệt so với nhiều năm trở lại đây khi thanh khoản gặp nhiều khó khăn sau Tết Nguyên đán.
Theo lý giải của Công ty Chứng khoán SSI, nguyên nhân là do tín dụng đang tăng mạnh trong vòng hai tháng qua.
Về tổng thể trên hệ thống mặt bằng lãi suất đang ổn định, lãi suất cho vay sẽ không tăng. Đối với mục tiêu hạ thêm lãi suất, tự bản thân từng ngân hàng phải xem xét và cân đối khả năng tài chính của mình.
Lợi thế của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay vẫn trông chờ vào nguồn vốn rẻ không kỳ hạn để “hoà đồng” lãi suất với các kỳ hạn huy động lãi suất cao hơn. Lãi suất liên ngân hàng tăng gần đây, đó là do nhu cầu nhất thời. Nhưng lãi suất cho vay không tăng mới là quan trọng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến 29/1/2022 đạt 2,74% so với cuối năm 2021, gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi nhàn rỗi vào hệ thống để đáp ứng kỳ vọng sản xuất kinh doanh phục hồi.
Giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô tầm trung vừa đẩy lãi suất huy động lên cao nhất gần 7% cho biết, không chỉ để cạnh tranh hút tiền nhàn rỗi của dân cư đầu năm, nhiều ngân hàng tăng mạnh huy động để tăng cường thanh khoản và chuẩn bị cho vay mạnh trong năm 2022 khi chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước nâng lên.
“Cũng không tránh được việc các ngân hàng nâng lãi suất khi họ lường trước khả năng lạm phát tăng trong năm nay. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra vẫn đang ổn định và ngân hàng chưa có kế hoạch tăng bởi chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là phải hạ thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp”, vị này cho biết.
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp 3-4% đối với lĩnh vực được ưu tiên và được hỗ trợ lãi suất, từ 5-7,5% đối với các lĩnh vực khác. Trong năm nay và 2023, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đề ra mục tiêu giảm thêm 0,5-1%/năm lãi suất.
Nếu thực hiện được mục tiêu này, lãi suất cho vay sẽ tạo ra mặt bằng thấp mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát đe dọa, thanh khoản không còn dồi dào như 2 năm trước cũng tạo thách thức cho cả ngành ngân hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận