Nguy cơ chậm đơn hàng hiện hữu nếu tình trạng này kéo dài.
Chong đèn làm đêm
Nhiều doanh nghiệp lo ngại miền Bắc còn nắng nóng kéo dài, việc cắt điện không được tính toán lại, các công ty sẽ rất khó khăn để duy trì sản xuất. Ảnh: Tạ Hải
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện MBT (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, hoạt động của công ty bị đảo lộn khi mấy ngày qua xưởng sản xuất bị cắt điện liên tục, từ 7h sáng đến 5h chiều.
“Mọi năm cao điểm nắng nóng, ngành điện đều báo trước khoảng 2 ngày để doanh nghiệp chuẩn bị phương án, nhưng năm nay chỉ báo trước 2 tiếng, trở tay không kịp. Có hôm chúng tôi phải cho công nhân nghỉ ngày, làm đêm để kịp đơn hàng. Nhưng cũng có hôm phải buộc chạy máy phát cho một số công đoạn sản xuất vì đã vào guồng không ngừng được”, ông Nam nói.
Ông băn khoăn, cao điểm hè vẫn còn tháng 6 và tháng 7, nếu việc cắt điện không được tính toán lại, các công ty buộc phải cắn răng mua máy phát điện cả trăm triệu đồng dự phòng.
“Mỗi tháng MBT phải chi trả từ 200 - 300 triệu đồng tiền điện cho sản xuất. Việc mất điện ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng, thời gian giao hàng. Do đó, công ty có thể đối diện với nguy cơ bị phạt chậm đơn hàng, thậm chí mất đơn hàng”, ông Nam than.
Tương tự, tại Bắc Ninh, một số khu công nghiệp (KCN) như Quế Võ và Quế Võ mở rộng, Tiên Sơn cũng xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên từ đầu tháng 6.
Gần đây nhất là các KCN Đại Đồng Hoàn Sơn, Tân Hồng, Yên Phong, Canon Tiên Sơn, Công ty TNHH Goertek Vina, bị cắt điện từ 8h ngày 5/6 đến 5h ngày 6/6.
Hay tại Quảng Ninh, đại diện một khách sạn có 200 phòng cho biết, mấy ngày cuối tuần vừa qua, tại Quảng Ninh mất điện trên diện rộng, nhiều khách sạn cũng bị mất.
Khi cắt điện luân phiên thì có thông báo trước, còn mất do sự cố thì hoàn toàn bất ngờ. Chủ khách sạn ước tính, họ sẽ bị đội chi phí lên khoảng 30% để duy trì máy phát điện.
Đó cũng là tình trạng của Công ty TNHH Yazaki chi nhánh Quảng Ninh, là doanh nghiệp lớn nhất trong KCN Đông Mai với hơn 4.000 công nhân sản xuất linh kiện điện tử.
đại diện công ty này, vào mùa hè, mỗi tháng công ty phải chi trả hơn 1,1 tỷ đồng tiền điện cho sản xuất. Việc mất điện ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng, thời gian giao đơn hàng.
Làm sao đủ điện?
Việc thiếu điện không phải bây giờ mới diễn ra mà đã được cảnh báo nhiều năm nay. Tuy nhiên, vấn đề căn bản nằm ở việc chậm triển khai các nguồn điện có tính ổn định cao.
Bộ Công thương cho hay, có 10 dự án nguồn điện lớn với tổng công suất gần 7.000MW dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020 nhưng bị chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu điện đến năm 2025.
Thực tế, miền Bắc là khu vực có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước, ngưỡng 9,3% một năm trong giai đoạn 2016 - 2020, tương ứng gần 6.000MW. Nhưng tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600 MW giai đoạn này, khoảng 4,7% một năm.
Ngược lại, ở miền Trung và miền Nam tăng trưởng nguồn điện cao hơn nhiều so với tăng trưởng nhu cầu.
Trong khi, khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500KV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 - 2.700MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Do đó, trước mắt, theo các nhà chức trách và giới chuyên môn, không còn giải pháp nào khác là phải tiết kiệm điện. Hiện, giải pháp ngành điện đưa ra là cắt điện luân phiên và kêu gọi tiết kiệm điện tự nguyện từ phía doanh nghiệp và người dân.
Với việc cắt điện luân phiên, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, sẽ căn cứ Thông tư 34 của Bộ Công thương hướng dẫn để phân bổ công suất sử dụng đó cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Tổng công ty Điện lực Hà Nội.
Hai đơn vị này căn cứ hướng dẫn sẽ phân bổ công suất sử dụng cho từng điện lực tỉnh, thành. Sau khi có công suất phân bổ đó, điện lực các địa phương sẽ xây dựng các kế hoạch và thứ tự ưu tiên đối với các khách hàng.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Đức Tuyên cho rằng, nên áp dụng giải pháp tiết giảm phụ tải đồng bộ thay vì cắt điện. Dẫn kinh nghiệm từ Nhật, theo vị chuyên gia, tất cả những công dân và các thành phần kinh tế đều nên tham gia.
Cụ thể, tại các đơn vị sử dụng điện lớn tự đề ra mục tiêu giảm công suất 30 - 50% so với bình thường. Đây là biện pháp nên làm ngay.
“Cần có chế tài giám sát thực hiện, phê bình, giảm thi đua nếu không đạt được mức tiết giảm theo yêu cầu. Chẳng hạn như việc không để nhiệt độ điều hòa dưới 28oC, rất dễ làm”, ông Tuyên gợi ý.
Bên cạnh đó, cần công bố rộng khắp các thời gian thấp điểm và cao điểm của hệ thống, của khu vực, hay tại các địa bàn khu dân cư để người dân và các cơ sở quản lý sử dụng điện dịch chuyển phụ tải tự nguyện.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp lưu trữ, tích trữ điện, nhiệt, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng từ người dân cho đến các cơ quan công sở.
Đồng tình với đề xuất trên, GS. Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, mọi người dân hãy cùng đồng hành với ngành điện để trải qua giai đoạn này. Về trung hạn và hài hạn, cần nhanh chóng đầu tư vào đường dây truyền tải Trung - Bắc.
Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12 - 13/6.
Do đó, tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết.
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN, mỗi ngày sẽ phải tiết giảm công suất mức 6 - 10% tùy thuộc ngày trời mát hay nóng. Công suất tiết giảm ở thời điểm cao nhất là khoảng 30% công suất sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận