Bài 1: Vô tư tận thu đất đồi phá đường, san lấp dự án thương mại
Mỗi ngày, tập đoàn xe ben nối đuôi nhau ra vào tận thu đất đồi màu mỡ khu vực trung tâm hành chính xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành, Quảng Nam), chở đến khu san lấp dự án thương mại vịnh An Hòa (Tam Hiệp, Núi Thành) để lấn sông, tác động môi trường, sinh kế người dân.
Bụi bặm, xe quá tải hoành hành
Sáng sớm, tiếng máy xúc gầm vang, đào khoét quả đồi nham nhở khu vực hành chính xã Tam Mỹ Tây, đổ từng khối đất đỏ au, màu mỡ lên những thùng xe ben chờ sẵn. Cánh cổng vào khu đồi này lúc nào cũng có vài người cảnh giới. Theo các hộ dân, trường học lân cận, nhiều tháng nay họ mất ăn ngủ, sinh hoạt, học tập đảo lộn vì tiếng máy múc, vận chuyển hoạt động tấp nập không khác gì điểm mỏ.
Chiều 18/4, PV Báo Giao thông theo xe tải BKS 92C-161.68, 92C-063.24, 92C-028.62, 92C-149.44… chở đầy thùng đất đỏ “có ngọn”, từ ngọn đồi khai thác, qua khu hành chính xã Tam Mỹ Tây, bẻ phải vào đường ĐT 617A về phía ngã tư giao QL1, cắt qua đường ray tàu và lao thẳng ra khu vực san lấp dự án Vịnh An Hòa. Những khối đất thịt canh tác bị đổ tràn xuống khu vực san lấp, lấn ra lòng sông Bến Ván, Tam Giang...
Trên cung đường dài hơn 6km vốn nhỏ hẹp, nay càng bị án ngữ bởi đoàn xe tải chở đất, rơi vãi, khiến lưu thông bị xung đột, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và ảnh hưởng môi trường nhưng không có sự tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng. Doanh nghiệp khai thác không lắp đặt bàn cân giám sát tải trọng theo quy định của tỉnh.
Trong khi đó, trích xuất dữ liệu đăng kiểm, dễ thấy các xe ben này có thể tích thành thùng lớn, cùng hệ số vật liệu đất sẽ chở 7-8 tấn đất/xe (loại 2 trục), dấu hiệu quá tải rõ ràng.
Ông Nguyễn Anh, Phó chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cho biết: Xã nhận được phản ánh của người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất ATGT và thường xuyên phải nhắc nhở doanh nghiệp. Việc tận thu đất đồi được tỉnh cho phép Công ty CP ĐTXD TMDV Lê Ba (gọi tắt Công ty Lê Ba) triển khai và vận chuyển, nhằm hạ cốt (cos) nền đồi và làm sân bóng cho cụm các xã quanh khu vực này, xã chỉ phối hợp trong công tác quản lý địa phương...
Cấp phép chớp nhoáng, mở đường “rút ruột” tài nguyên kiếm lời khủng?
Theo quan sát của PV, danh nghĩa là tận thu nhưng hoạt động tại đây rầm rộ không khác gì điểm mỏ đất đá. Theo ông D. một doanh nghiệp chuyên khai thác khoáng sản Đà Nẵng, Quảng Nam, việc núp bóng này vừa đỡ tốn thời gian, giảm chi phí so với cấp phép điểm mỏ. Nếu là mỏ phải trải qua rất nhiều thủ tục, thời gian, mất cả 1-2 năm trời mới có quyết định cùng hàng loạt thuế phí lớn (tùy thuộc trữ lượng). Nhưng với tận thu, việc cấp phép diễn ra rất chóng vánh, thậm chí “bỏ lọt” cả quy trình đấu giá khoáng sản, ít tốn chi phí...
Theo đó, chỉ thời gian ngắn sau khi Công ty Lê Ba có đơn và đề nghị cấp phép khai thác đất san lấp, xây dựng công trình hạ cos nền khu vực Tam Mỹ Tây, ngày 29/11/2017, UBND huyện Núi Thành có Công văn số 1346/UBND-MT kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương này. Hơn chục ngày sau, ngày 4/12/2017, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 4246/QĐ cho phép Công ty Lê Ba được khai thác khoáng sản đất san lấp này, với trữ lượng lên đến gần 700.000m3, thời hạn khai thác đến cuối năm 2019.
Đáng nói, Công ty Lê Ba được “ưu ái” bán đất tận thu cho tất cả các công trình, dự án san lấp, hạ tầng trên địa bàn, thay vì chỉ sử dụng cho công trình, phạm vi dự án hành chính xã Tam Mỹ Tây, hay chỉ được cung cấp cho các công trình vốn ngân sách Nhà nước, dự án nông thôn mới, trái quy định tại Luật Khoáng sản hiện hành về các trường hợp khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá…
Qua tìm hiểu, ngoài một số khoản thuế phí tài nguyên hiện hành, mỗi m3 đất khai thác tại đây, Công ty Lê Ba chỉ đóng cho địa phương 5.000 đồng. Bỏ mức "giá bèo" lấy đất tận thu, chỉ cần chở đất ra dự án Vịnh An Hòa, doanh nghiệp đã thu lời khủng.
Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Văn Ba - Giám đốc Công ty Lê Ba xác nhận: Đang bán cho nhà thầu san lấp dự án Vịnh An Hòa với mức hơn 50.000 đồng/m3 đất. Trong khi, doanh nghiệp này chỉ mất thêm chừng 3.000 đồng/1km/1m3 vận chuyển. Nhẩm tính của chúng tôi, mỗi khối đất, Công ty Lê Ba “lời” trên dưới 20.000 đồng, nếu nhân với tổng số 700.000m3 đất được khai thác là số lãi lớn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, quyền quản lý Ban QLDA Vịnh An Hòa, việc san lấp dự án do nhà thầu Công ty Phú Vinh triển khai, nhưng từ chối thông tin số tiền vật liệu, san lấp với lý do “có nhiều khoản cấu thành đơn giá khác nhau”.
Điều đáng nói, dự án Vịnh An Hòa được phê duyệt năm 2017 cũng là năm Quảng Nam ra quyết định cho phép Công ty Lê Ba được khai thác đất san lấp khu vực thi công hạ có nền dự án khu đất trung tâm hành chính xã Tam Mỹ Tây.
Cứ thế “tuyến đường vàng” đưa thẳng đất tận thu đến dự án san lấp, lấn sông Vịnh An Hòa được thiết lập.
Báo Giao thông vừa đăng tải loạt bài phản ánh tình trạng Quảng Nam ồ ạt cấp phép cho các doanh nghiệp núp bóng tận thu khai thác đất ruộng, đất đồi màu mỡ để bán cho các lò gạch, dự án san lấp thương mại, khiến tài nguyên bị rút ruột, đường sá bị ảnh hưởng, cuộc sống người dân đảo lộn, vấn đề canh tác bị ảnh hưởng...
(còn nữa)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận