Công trình đầu tiên đồng bộ ITS trên cao tốc Bắc - Nam
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là công trình dự án đầu tiên trên trục cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 được đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) hiện đại và đưa vào hoạt động đồng bộ ngay khi tuyến cao tốc bắt đầu được vận hành khai thác.
ITS tại công trình này được tích hợp cả phần đường và hầm. Nhờ sự tích hợp đồng bộ ITS trên toàn tuyến, tại cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dữ liệu hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí được kết nối đồng bộ về Trung tâm Giám sát thu phí, đảm bảo công tác thu phí đầy đủ và minh bạch hơn.
Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả (doanh nghiệp đứng đầu liên danh nhà đầu tư), hệ thống ITS tại cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khắc phục những hạn chế, nâng cấp tính năng so với các thế hệ ITS trước đây, giúp nâng cao hơn nữa khả năng quản lý và vận hành hệ thống giao thông.
Chia sẻ cụ thể hơn, đại diện nhà đầu tư cho biết, ITS là hệ thống phục vụ hoạt động quản lý, vận hành các công trình hạ tầng giao thông, được thiết kế nhằm cho phép giám sát, phát hiện và xử lý các sự cố giao thông nhanh chóng, tối ưu hóa hiệu suất khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn và thân thiện với môi trường.
Nhờ vào hệ thống lưu trữ - phân tích dữ liệu, giám sát và điều khiển liên động các thiết bị, các sự cố giao thông có thể được nhận diện nguy cơ từ sớm, phát hiện và kích hoạt các biện pháp xử lý kịp thời với các kịch bản nhất quán, rút ngắn thời gian xử lý và giảm nguy cơ tắc nghẽn.
"ITS bao gồm nhiều hợp phần như hệ thống điện, chiếu sáng, quạt thông gió, hệ thống phòng cháy chữa cháy, camera giám sát và phát hiện sự cố, biển báo giao thông điện tử và đèn tín hiệu, hệ thống loa phóng thanh, radio/bộ đàm, và hệ thống thu phí ETC liên tuyến với đầu vào mở...
Trong đó, hệ thống camera trên tuyến được trang bị camera giám sát và camera tích hợp hệ thống phát hiện phương tiện (VDS).
Các camera PTZ có thể xoay 360 độ, đảm bảo quan sát toàn tuyến không có điểm mù; Camera VDS được tích hợp AI có các chức năng như: phân loại phương tiện, nhận diện biển số, phát hiện và cảnh báo sự cố như xe đi quá tốc độ, luồng xe tắc nghẽn, xe dừng, đi sai làn, ngược chiều, vật rơi trên đường…
Hệ thống giám sát hiện đại trên tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Hình ảnh phương tiện lưu thông sẽ được thu thập, tổng hợp thông qua camera lắp đặt dọc tuyến và được truyền theo thời gian thực về trung tâm điều hành thông minh, đồng thời tích hợp tính năng sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ quá trình giám sát, theo dõi, vận hành và ra quyết định khi có các tình huống giao thông phát sinh.
Bên trong hầm, ITS được liên kết với hệ thống cơ điện (phòng cháy chữa cháy, quạt jet, chiếu sáng, các sensor quan trắc…) đóng vai trò đặc biệt trong tình huống cần xử lý các sự cố nghiêm trọng như có sự cố cháy nổ.
ITS còn cung cấp thông tin giao thông trực tiếp cho người tham gia giao thông, giúp họ nắm bắt được tình hình giao thông nhanh nhất.
Các biển báo giao thông điện tử cung cấp thông tin về tình trạng giao thông, các sự cố, và các điều kiện giao thông khác, giúp lái xe có thể điều chỉnh hành trình một cách hợp lý.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN khẳng định ứng dụng ITS giúp nâng cao an toàn, hiệu quả quản lý và vận hành các công trình giao thông.
"Hệ thống ITS cho phép xử lý sự cố nhanh hơn nhờ vào khả năng giám sát, phân tích từ xa thông qua camera và màn hình giám sát. Nếu không có hệ thống giao thông thông minh thì phải theo dõi bằng công tác tuần tra, kiểm soát. Khi có sự cố xảy ra, việc phát hiện kịp thời bị hạn chế", ông Huy nhấn mạnh.
Mạnh cả về nhân lực, công nghệ
Được biết, trước dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị có kinh nghiệm đầu tư, tổng thầu thi công trực tiếp và quản lý vận hành hệ thống ITS trong gần 10 năm, kể từ khi Trung tâm vận hành hầm Đèo Cả được đầu tư xây dựng.
Với việc đầu tư đồng bộ hệ thống ITS-ME ngay từ ban đầu hơn 1 thập kỷ trước, Tập đoàn Đèo Cả đang lưu trữ và quản lý đồng bộ một hệ thống dữ liệu các hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Trung Lương Mỹ - Thuận.
Phục vụ vận hành hệ thống ITS ở các công trình trên, hơn 100 nhân sự đã được tham gia đào tạo, huấn luyện, học tập kinh nghiệm quản lý, vận hành và cứu nạn, cứu hộ từ các nước Phần Lan, Nhật Bản.
Cho đến dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Tập đoàn Đèo Cả đã củng cố được một lực lượng nhân sự có trình độ chuyên môn tốt và dày dạn kinh nghiệm.
Là đơn vị tiên phong ứng dụng ITS, hiện, Đèo Cả đang sở hữu nhiều thế mạnh về nhân lực, giải pháp quản lý, vận hành trên các tuyến cao tốc.
Ông Dương Châu Sâm, Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực Công nghệ của Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ: Là đơn vị tiên phong trong công nghệ ITS, Đèo Cả có đầy đủ các thế mạnh về nguồn nhân lực, kinh nghiệm thi công và quản lý vận hành các dự án ITS.
"Chúng tôi có bộ phận chuyên môn là Ban Công nghệ với các nhân sự đã được đào tạo bài bản, có khả năng làm chủ công nghệ và thi công trực tiếp, đảm bảo triển khai thành công các dự án ITS vốn phức tạp.
Mạnh dạn đầu tư trang thiết bị chuyên dụng hiện đại, chú trọng chuyển giao công nghệ - kỹ thuật, tối ưu các giải pháp và cập nhật công nghệ tiên tiến, Đèo Cả cũng đã phối hợp với Cục Đường bộ VN, hợp tác với các đơn vị đào tạo để đào tạo vận hành các công trình hầm đường bộ, đường cao tốc… cho cả các đối tác trong ngành giao thông", ông Sâm chia sẻ.
Theo lãnh đạo Cục Đường cao tốc VN, ITS mới chỉ được tiên phong triển khai để quản lý, vận hành ở một số dự án PPP. Các tuyến đường đầu tư công vẫn đang trong quá trình thiết kế để chuẩn bị triển khai.
Riêng hệ thống công trình hầm đường bộ trên cao tốc Bắc - Nam, ngoài hầm Núi Vung ở dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, các công trình hầm còn lại mới chỉ đầu tư hệ thống cơ điện, chưa có hệ thống ITS.
"Việc triển khai ITS tại các dự án hạ tầng giao thông, mới đây nhất là tại cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông của Việt Nam, đó còn là hình mẫu cho các dự án tương lai.
ITS sẽ giúp khai thác công trình hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, minh bạch trong thu phí", đại diện Cục Đường cao tốc nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận