Không được ra đường nhưng nhiều thủ tục phải thực hiện trực tiếp
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen vừa gửi công văn đến các cấp có thẩm quyền kiến nghị: Nhiều thủ tục hành chính vẫn phải đến trực tiếp cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện, nhưng nhân viên lại không được di chuyển theo quy định mới của UBND TP. HCM áp dụng từ ngày 23/8 tới đây.
Nhiều thủ tục bắt buộc phải thực hiện trực tiếp. Ảnh: Minh họa.
Theo Tập đoàn này, văn phòng chính của họ đặt tại TP.HCM, có chức năng điều hành hoạt động sản xuất, cung ứng, xuất - nhập khẩu của 9 nhà máy trên cả nước.
Trong khi, các thủ tục bắt buộc phải thực hiện trực tiếp (không có thủ tục online) như: Xin cấp chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu hàng hoá (tại Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tỉnh Bình Dương; hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI (tại Tp Hồ Chí Minh và Bình Dương); Lấy Vận đơn gốc tại các hãng tàu, xuất trình bộ chứng từ thanh toán L/C tại các ngân hàng, ...
Do đó, việc di chuyển của nhân viên xuất - nhập khẩu, nhân viên chứng từ ngân hàng là hết sức cấp thiết, để giải quyết các thủ tục tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Tập đoàn này đang lo lắng sẽ phải đối mặt với tổn thất rất lớn, trách nhiệm bồi thường cho các khách hàng quốc tế chưa thể lường trước được nếu không được tháo gỡ khó khăn kịp thời, khi họ đang sản xuất và xuất khẩu khoảng 200 nghìn tấn hàng hoá mỗi tháng, các hợp đồng xuất khẩu đã ký đến cuối năm nay, tiến độ giao hàng rất gấp.
“Nếu nhân viên xuất – nhập khẩu, nhân viên chứng từ ngân hàng không được di chuyển theo quy định mới, thì hoạt động sản xuất - xuất khẩu sẽ bị đình trệ”, văn bản nêu rõ.
Khó khăn của Tập đoàn Hoa Sen cũng là khó khăn chung mà nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) hiện nay đang cần được tháo gỡ.
Phản ánh tới Báo Giao thông, nhiều DN cho biết, có nhận được công văn yêu cầu ngành XNK phải xin giấy đi đường ở Sở Công thương TP.HCM vào ngày 21/8 (ngày thứ 7), tức chỉ 2 ngày trước khi quy định mới chính thức có hiệu lực.
"Vậy, nếu không xin kịp, lúc cấm ra đường thì xin bằng cách nào? Yêu cầu xin giấy đi đường ở Sở Công thương có hợp lý?", các doanh nghiệp đặt vấn đề.
Báo Giao thông cũng đã liên hệ với lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM và các phòng ban phụ trách nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Dịch bệnh càng phải đẩy mạnh cải cách hành chính
Đánh giá về câu chuyện chuyển đổi trực tuyến mùa dịch, bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết: C/O xuất khẩu hiện do VCCI và Bộ Công thương cấp là bản giấy, không có cơ chế điện tử, nên doanh nghiệp bắt buộc phải đi làm thủ tục trực tiếp ở trụ sở mấy cơ quan này.
“Trường hợp nếu không được duyệt đi lại, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, bà Thủy nói và cho biết đang diễn ra nghịch lý “doanh nghiệp buộc phải làm trực tuyến, trong khi nhiều cơ quan nhà nước vẫn cứ làm trực tiếp các thủ tục liên quan...”.
Theo bà Thủy, nghịch lý này đã gây ra một số tình huống điển hình như: Các cơ quan gửi thông báo giấy (các kiểu) qua bưu điện tới trụ sở DN, trong khi trụ sở DN thì đã tạm đóng, không nhận được thông tin. Điều này dẫn đến tình huống, nhiều DN bị "kết tội" không phản hồi, không trả lời... Sau mấy lần như thế là bị phạt.
“Chúng ta nói rất nhiều về 4.0, về chuyển đổi số, về công nghệ, về hệ thống, về app. ... Kêu gọi/yêu cầu DN online, thì các cơ quan cũng phải chuyển mình tương tự", bà Thủy nhận định.
Bà Thủy cho rằng, trong bối cảnh đại dịch, ít nhất phải tái cấu trúc, tổ chức lại thật tốt và linh hoạt bao gồm các quy trình thủ tục hành chính trong nước nếu muốn đạt mục tiêu kép như Chính phủ đã luôn nêu. Điều này doanh nghiệp, Hiệp hội kiến nghị rất nhiều, mà thực tế vẫn dậm chân tại chỗ!
Các nhóm được phép đi đường theo công văn số 2718 của UBND TP.HCM:
- Người đi tiêm vaccine, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
- Nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.
- Các tổ bay đi công tác theo kế hoạch của chuyến bay đã được cấp phép và cán bộ, người lao động của các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam khu vực phía Nam để thực hiện nhiệm vụ phục vụ các chuyến bay chở hàng, trang thiết bị y tế, vaccine.
- Nhân viên của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các dịch vụ thiết yếu (lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế); Nhân viên giao hàng các thiết bị, vật tư y tế như bình oxy cho người mắc Covid-19 đang cách ly, điều trị tại nhà (các ca bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ), các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
- Nhân viên của các đơn vị cung cấp suất ăn cho các bếp ăn từ thiện, các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
- Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo.
- Dịch vụ vận chuyển bưu chính và lực lượng thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính KT1 (phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, văn bản mật).
- Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; Lực lượng xử lý sự cố về: Điện, nước, hệ thống thông tin, công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận