Vận tải

Doanh nghiệp vận tải “ngắc ngoải” vì Covid-19

24/02/2021, 06:22

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần 3 đúng dịp Tết Nguyên đán khiến các doanh nghiệp vận tải ở tất cả các lĩnh vực thêm điêu đứng, kiệt quệ.

img

Các hãng vận tải đang đứng ngồi không yên khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến sản lượng hành khách liên tục sụt giảm (Chụp tại bến xe Giáp Bát chiều 19/2). Ảnh: Tạ Hải

Lo làm không đủ trả nợ

Ngán ngẩm sau cao điểm Tết thất bát do Covid-19, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty Mai Linh vùng I chia sẻ, năm ngoái dịch bùng phát vào khoảng tháng 3 là vào thời điểm sau Tết, ít nhất doanh nghiệp cũng đã có doanh thu từ trước Tết.

Năm nay, dịch bùng phát đúng thời điểm trước Tết tại Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội và TP HCM cùng với các giải pháp giãn cách xã hội, đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh, doanh thu giảm đến 70%.

“Cùng với doanh thu sụt giảm, lần bùng phát dịch này, doanh nghiệp sẽ khó trụ vững, làm không đủ để trả nợ ngân hàng”, ông Hùng bày tỏ.

Cũng theo ông Hùng, đến thời điểm này chưa thấy động thái nào từ các Bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp. Lúc này, doanh nghiệp rất mong chính sách hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là chính sách miễn từ 3 - 6 tháng đóng BHXH.

“Nếu không muốn vi phạm pháp luật, buộc doanh nghiệp phải đi vay với lãi cao lên tới 15 - 16%, thậm chí có doanh nghiệp phải vay lãi ngày để đóng bảo hiểm cho người lao động. Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp cụ thể như: Cho doanh nghiệp chậm, hoãn, giãn nộp thuế trong vòng thời gian 6 tháng và cho phép kéo dài chu kỳ nộp thuế theo lộ trình không tính lãi”, ông Hùng nói.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cũng cho biết, tuyến vận tải khách liên tỉnh của doanh nghiệp này đang có 65 xe.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ có 20% số xe duy trì hoạt động cầm chừng. Tần suất xe chạy dù phải kéo dài từ 30 phút/chuyến lên hơn 2 tiếng/chuyến, nhưng số khách trung bình trên mỗi chuyến chỉ lác đác từ 2 - 3 khách. Riêng đợt Tết vừa qua, sản lượng vận tải hành khách giảm 70 - 80%.

“Doanh thu ít ỏi khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh càng chạy càng lỗ. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi buộc phải tạm dừng tuyến hoạt động. Trước mắt là dừng hơn 20 xe tại BX Giáp Bát”, ông Hải nói và đề xuất, khi dịch bệnh được kiểm soát, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp vận tải khách có bước đệm phục hồi.

Tính đến việc cho lao động nghỉ không lương

img

Hành khách đến ga trả vé nhiều, lên đến hơn 80 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp vận tải đường sắt lao đao. Ảnh: Tạ Hải

Không riêng đường bộ, vận tải đường sắt cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn Đào Anh Tuấn chia sẻ, chỉ tính riêng tiền hành khách trả vé của cả hai Công ty vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn đã trên 80 tỷ đồng. Trong khi doanh thu dịp Tết của Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn chỉ bằng khoảng 30% so với năm ngoái.

“Công ty cũng đang nghiên cứu biện pháp thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương đối với người lao động, cùng đó là các giải pháp hỗ trợ”, ông Tuấn nói và cho biết, đây là giải pháp không mong muốn vì đối với một doanh nghiệp, người lao động là nguồn lực lớn, nếu không chăm sóc, hỗ trợ, họ xin nghỉ hẳn, khi vận tải phục hồi sẽ không có lao động để sản xuất.

Cùng đó, ông Tuấn cũng kiến nghị được giãn nợ, lùi thời hạn trả nợ gốc, lãi vay các khoản đầu tư của doanh nghiệp. Nếu Nhà nước có gói hỗ trợ như năm 2020, nên đưa các doanh nghiệp vận tải, người lao động đường sắt thuộc đối tượng được hưởng. Năm 2020, dù bị thiệt hại nặng nề nhưng ngành Đường sắt phải tự vận động, vận dụng các nguồn để hỗ trợ.

Với Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Tổng giám đốc Nguyễn Viết Hiệp cho biết, doanh thu tàu khách đợt vận tải Tết năm 2021 chỉ bằng khoảng 26 - 27% so với Tết 2020. Vì vậy, đơn vị phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm tàu khách và tiết giảm chi phí.

“Chi phí sản xuất, chiếm tỷ trọng lớn nhất là trả công người lao động và sửa chữa phương tiện. Do đó, khi thu hẹp sản xuất, buộc phải giảm lao động bằng cách thực hiện biện pháp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ giãn cách, luân phiên. Cùng đó, tàu dừng chạy chi cho chỉnh bị, sửa chữa toa xe cũng ít”, ông Hiệp nói.

Cũng theo ông Hiệp, dù doanh thu giảm mạnh nhưng công ty vẫn phải chịu khoản trả nợ gốc, lãi vay cho các dự án đầu tư, trong đó có đầu tư toa xe thay thế toa xe hết niên hạn trong 2 - 3 năm qua. Đối với phí sử dụng hạ tầng đường sắt, do tàu chạy ít nên dù được Nhà nước đồng ý giảm 50% nhưng cũng không được bao nhiêu. Đơn cử năm 2021, dự kiến chỉ giảm được 50 - 60 tỷ đồng.

“Vận tải khách giảm, chúng tôi buộc phải tìm mọi cách đẩy mạnh vận tải hàng hóa. Nhưng ngay cả khi đẩy mạnh được vận tải hàng hóa cũng không bù đắp được bao nhiêu. Như năm 2020, vận tải hàng tăng trưởng 12%, tương đương khoảng 100 tỷ đồng nhưng vận tải khách sụt giảm trên 50%, tương đương 700 tỷ đồng. Như vậy vẫn giảm 600 tỷ đồng. Năm 2021 này còn khó hơn, mới quý I mà dự kiến vận tải khách giảm đến 75%”, ông Hiệp nói.

Vận tải biển, đường thủy chưa thoát “bết bát”

Với lĩnh vực vận tải biển, nhất là vận tải biển nội địa vẫn chưa thoát cảnh “bết bát” do sản lượng hàng hóa và giá cước đều sụt giảm. Ông Vũ Đức Then, quản lý 3 doanh nghiệp Công ty TNHH Vận tải biển Công Vinh, Công ty TNHH Vận tải biển Xuân Trường và Công ty CP Vận tải biển Trường Xuân chia sẻ, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sản lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển giảm 40%.

Nhà xe Phương Trang thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Theo đại diện Công ty Cổ Phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines (doanh nghiệp có hơn 2.000 chuyến xe khách hoạt động nhiều tuyến trên cả nước), dịp Tết cũng là giai đoạn cao điểm trong năm, là dịp để doanh nghiệp có thể bù đắp doanh thu cho những giai đoạn thấp điểm trong năm.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 lại bùng phát vào thời điểm cận Tết vừa qua, rất nhiều khách hàng đặt vé từ trước hủy vé, dẫn tới số chuyến giảm 65%. Không những vậy, trên mỗi chuyến xe lượng khách cũng chỉ còn 50% so với cùng kỳ.

“Mặc dù vẫn duy trì toàn bộ số lượng hơn 7.000 nhân viên, trả lương, thưởng, thậm chí ứng tiền lương sớm cho nhân viên vào dịp Tết... nhưng với tình trạng dịch kéo dài khiến công ty thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng”, đại diện Công ty Phương Trang nói và cho biết thêm, điều mà doanh nghiệp mong mỏi nhất là Sở GTVT các địa phương xem xét giảm một số loại phí tại bến xe để hỗ trợ các DN vận tải tồn tại, duy trì tuyến, chẳng hạn như chỉ thu phí nốt tài theo thực tế. Y. Trang


Với giá cước vận chuyển từ 160.000 - 180.000/tấn như hiện tại, doanh thu mỗi chuyến tàu của đơn vị chỉ đủ trang trải chi phí vận hành, nhân lực, lãi đóng ngân hàng thậm chí còn chưa đủ. “Quá khó khăn, chúng tôi phải bán 2 con tàu trong năm 2020. Tổng số lượng 7 tàu giờ chỉ còn 5 tàu”, ông Then nói.

Ông Phạm Quốc Long, Chi hội phó Chi hội Chủ tàu container Việt Nam cho biết, đợt dịch Covid-19 bùng phát mới đây không chỉ khiến hàng hóa container ra, vào khu vực tỉnh Hải Dương bị ùn tắc, hàng hóa container vận chuyển từ Hải Phòng vào TP HCM cũng giảm 30% so với các tuần chưa có dịch.

“Sản lượng sụt giảm, doanh thu của doanh nghiệp vận tải biển càng lao đao khi giá cước vận tải container nội địa chặng Hải Phòng - TP HCM đợt đầu năm giảm 10%. Hiện, giá vận chuyển chỉ khoảng 5 triệu đồng/cont 20 feet, 7 triệu đồng/cont 40 feet”, ông Long thông tin.

Với vận tải thủy nội địa, ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy khu vực I cho biết, sản lượng vận tải thủy trong 2 tháng đầu năm 2020 tại khu vực Hải Dương, Hải Phòng giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. Nếu năm trước trung bình mỗi tháng sản lượng vận tải hàng tại khu vực này đạt khoảng 5 triệu tấn, trong hai tháng đầu năm 2021 chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn.

Ông Lê Đức Cường, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II (quản lý một số đường thủy tuyến quốc gia khu vực Hải Dương) cũng cho biết, do yêu cầu phòng chống dịch nghiêm ngặt của Hải Phòng, Hải Dương nên hoạt động vận tải thủy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Trong tuần vừa qua chỉ có 41 lượt phương tiện thủy chở hàng cập cảng, bến, giảm hơn 5% so với tuần trước và cùng kỳ năm trước”, ông Cương thông tin.

Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, đợt dịch lần này chủ yếu ảnh hưởng đến vận tải thủy khu vực phía Bắc. Còn tại khu vực phía Nam, hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường thủy vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên tuyến vận tải hàng hóa trên tuyến xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia bị kéo dài hơn, hàng hóa quay vòng lâu hơn do thuyền viên khi xuất nhập cảnh phải cách ly y tế để phòng dịch.

Chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), gần như tất cả các lĩnh vực vận tải đều bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Trong đó, hàng không bị ảnh hưởng lớn nhất và đang diễn ra theo tình huống xấu hơn các kịch bản đã dự báo.

Ông Ngọc cho biết, ngay từ đợt bùng phát dịch năm ngoái, triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành hơn 100 văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong ngành GTVT; tổng hợp, báo cáo Chính phủ về những thiệt hại do dịch Covid-19 và kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành GTVT.

Từ đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã có chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung; quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 46/2020, giảm mức thu, nộp phí nhượng quyền khi thác cảng hàng không, sân bay; mức thu, nộp phí hải quan và lệ phí ra, vào cảng hàng không sân bay... Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua phương án của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Bộ GTVT ủng hộ về chủ trương cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hãng hàng không. Đối với các kiến nghị của hãng hàng không mà thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ xem xét và giải quyết. Còn các kiến nghị khác, Bộ cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành liên quan xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp theo đúng thẩm quyền”, ông Ngọc cho biết.

Đối với đường bộ, Bộ GTVT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị vận tải thực hiện việc cắt giảm số chuyến/lượt hoặc đề xuất tạm dừng hoạt động để giảm thiểu thiệt hại; kịp thời tiếp thu, thống kê những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị vận tải, bến xe kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ. Với đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, Bộ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ tương tự

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm chi phí logistics; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong các năm trước. Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đồng thời, lắng nghe, tiếp thu ý kiến về lĩnh vực quản lý chuyên ngành, đề xuất kiến nghị xử lý các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.

Trần Duy - Nam Khánh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.