Vẫn nóng chi phí ngoài luồng
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy VN cho biết, một trong những cản trở lớn đối với vận tải đường thủy hiện nay là khâu bốc xếp hàng hóa ở hai đầu cảng, bến. Doanh nghiệp vận tải không những mất nhiều thời gian chờ bốc xếp mà còn tốn nhiều chi phí ngoài luồng cho công đoạn này ở cả hai đầu cảng, bến.
“Bức xúc nhất là thời gian chờ đợi bốc xếp hàng hóa quá lâu, kể cả ở cảng biển và cảng thủy. Cùng đó, nhiều chi phí hiện rất cao và không rõ ràng. Ngoài tiền trả chính thức cho dịch vụ bốc xếp, doanh nghiệp vận tải còn phải chi thêm tiền “bồi dưỡng”, thế nhưng nhiều khi phương tiện thủy vẫn trở thành “kho” chứa hàng ở cảng”, ông Liêm nói và cho rằng, chi phí bốc xếp tính vào giá thành vận tải, chủ hàng phải trả, nhưng còn tiền “bồi dưỡng” bốc xếp không tính vào đâu được.
Cục trưởng Đường thủy cam kết giải quyết trước tháng 9/2019
Tại cuộc đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải thủy mới đây, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cam kết, các kiến nghị thuộc phạm vi giải quyết của Cục hoặc Bộ GTVT, Cục Đường thủy sẽ giải quyết hoặc kiến nghị Bộ GTVT giải quyết trước tháng 9/2019. Đồng thời cho biết, sau hội nghị Cục sẽ xử lý ngay một số vấn đề như: Mở rộng đoạn sông cong cua tại một số điểm nguy hiểm cho phương tiện; nạo vét đoạn luồng cạn truyền thống trên sông Hồng đoạn qua Cao Đại (Vĩnh Phúc) để tránh tình trạng lợi dụng để thu phí lai dắt tàu thuyền; làm việc với ngành quản lý đê điều về thời gian thoát lũ; nghiên cứu quản lý chất lượng dịch vụ tại cảng bến.
Nêu ví dụ cụ thể, ông Nguyễn Tùy Anh, nguyên Giám đốc dự án ICD Quế Võ cho biết, làm vận tải thủy giờ lãi chẳng được là bao, nhưng chuyện tàu phải “ăn đợi, nằm chờ” ở cảng, bến xảy ra thường xuyên, gây tốn kém cho doanh nghiệp. “Nhiều chuyến tàu chở than cho một cảng ở phía Bắc phải nằm chờ 7 ngày mới được bốc hàng lên, chi phí chờ đợi cũng đủ cho doanh nghiệp vận tải hết lãi”, ông Tùy Anh nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN Trần Đỗ Liêm, thị trường vận tải thủy hiện méo mó, không có sự cạnh tranh công bằng giữa các thành phần vận tải. “Hạn chế lớn khác của vận tải thủy hiện nay là không tổ chức được vận tải, dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng. Đội tàu toàn quốc hiện khá đông, có khoảng 170.000 chiếc, nhưng lại tản mát, phân tán. Như ở Đồng bằng sông Cửu Long, có đến 70-80% phương tiện là của tư nhân, không bị quản lý luồng tuyến, giá cước, thuế nên tạo ra sự cạnh tranh rất phức tạp, bất công bằng”, ông Liêm nói thêm.
Thực ra, câu chuyện doanh nghiệp vận tải thủy “than” về chi phí ngoài luồng, gặp khó khăn trong khâu bốc xếp hàng hóa hai đầu cảng, bến không phải mới. Còn nhớ, trong một số hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp đường thủy năm 2018, Hội Vận tải thủy nội địa VN cũng thẳng thắn nêu vấn đề các chi phí ngoài luồng bằng khoảng 30% giá cước vận tải, trong đó chi phí ở hai đầu cảng, bến chiếm 10-20% giá cước. Do đó, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị cơ quan quản lý sớm rà soát, quản lý dịch vụ bốc xếp ở cảng, bến để doanh nghiệp vận tải không bị làm khó, góp phần hạ giá thành vận tải thủy.
Nắm bắt vấn đề trên, tháng 7/2018, Cục Đường thủy nội địa VN đã ban hành kế hoạch thí điểm hiện đại hóa quản lý 2 tuyến vận tải thủy quan trọng là Hành lang vận tải thủy số 1 (Việt Trì - Hà Nội - Quảng Ninh) và TP HCM - Cần Thơ.
Trong kế hoạch cũng đưa ra giải pháp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Cục khảo sát, có giải pháp để công khai, minh bạch giá dịch vụ bốc xếp tại cảng, bến, tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện thủy để hạn chế tiêu cực. Tuy vậy, giải pháp trên đến nay vẫn chưa được triển khai trên thực tế, khiến bức xúc của doanh nghiệp vận tải vẫn chưa được giải quyết.
Kinh doanh cảng, bến cũng… khó
Trong lĩnh vực kinh doanh cảng, bến thủy nội địa, không ít doanh nghiệp cho biết gặp nhiều khó khăn, cản trở trong hoạt động doanh nghiệp.
“Từ năm 2008 đến nay, chưa có năm nào nước sông Hồng lên mức báo động cấp 1-2. Thế nhưng bên ngành đê điều vẫn giữ nguyên quy định thời gian bão lũ từ 15/6-15/10 hàng năm và cấm hoạt động cảng, bến thủy. Nếu theo đúng lệnh cấm, bến thủy phải đóng cửa 5 tháng liền, khiến doanh nghiệp rất khó khăn, mà Nhà nước cũng mất đi khoản thu thuế. Mỗi năm chỉ cần cấm trong 2 tháng để phù hợp với tình hình thực tế, bớt khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Lê Xuân Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Nam Sơn, đơn vị kinh doanh bến thủy ven sông Hồng thuộc địa bàn Hà Nội chia sẻ.
Liên quan việc cấp lại giấy phép cho cảng, bến thủy, một số doanh nghiệp cho rằng, thời gian cấp phép như hiện nay không thuận lợi cho doanh nghiệp. “Việc cấp phép, cấp lại phép hoạt động bến thủy được phân cấp cho địa phương thực hiện, mà chỉ cấp thời hạn 1 năm/lần. Thời gian cấp cần được kéo dài hơn để thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc đơn vị vận tải tàu du lịch sông Hồng cho biết.
Ông Nguyễn Tùy Anh, người hơn chục năm làm việc trong lĩnh vực logistics và vận tải thủy cũng cho biết, thủ tục xin cấp phép lại cảng thủy hiện nay khá phức tạp, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. “Công bố cảng lại chỉ là thủ tục đơn giản, không có gì ghê gớm, nhưng vẫn phải có “quan hệ”, có chút tác động, không bằng cách A thì cũng phải bằng cách B mới “trôi” được”, ông Tùy Anh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận