Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì tại Hội nghị.
Sáng 11/12, tại TP Cần Thơ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy, ký tại Phnôm Pênh ngày 17/12/2009, có hiệu lực kể từ ngày 20/01/2011; Phụ lục sửa đổi điều 6 và điều 17 của Hiệp định ký tại Phnom Penh ngày 26/2/2019 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Mục đích của Hiệp định là thiết lập khung pháp lý cho việc thực hiện tự do giao thông thủy có hiệu quả trên Hệ thống sông Mê Kông, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thông thủy quá cảnh và qua biên giới trên các tuyến đường thủy quy định.
Cũng theo ông Phan Văn Duy, sau 10 năm triển khai thực hiện Hiệp định vận tải đường thủy giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia, cơ quan chức năng của hai nước đã làm thủ tục cho gần 73 nghìn lượt phương tiện, hơn 397 nghìn lượt thuyền viên, hơn 15 triệu tấn hàng hóa và gần 1,3 triệu lượt hành khách thông qua, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, tăng cường các sáng kiến thúc đẩy các mối quan hệ thương mại và hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng và đôi bên cùng có lợi.
Ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp vận tải đã nêu lên những khó khăn, bất cập phần lớn tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc thu phí, làm thủ tục, giấy tờ tại khu vực cửa khẩu thủ tục đối với hàng hóa quá cảnh, phải thay đổi thủy thủ tại khu vực cửa khẩu giữa hai nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến chi phí phát sinh lớn, tình trạng hàng hóa ách tắc, thời gian thông quan kéo dài tại các cửa khẩu, phí cơ sở hạ tầng chuẩn bị áp dụng cho hàng quá cạnh tại TP.HCM, hay thời gian di chuyển trên luồng sông Hậu, sông Tiền kéo dài do ảnh hưởng bởi luồng hẹp, nông,...
“TP.HCM sắp triển khai thu một khoản phí hạ tầng trong đó có khoảng thu phí khu tàu, sà lan đậu chờ lên xuống hàng hay giao nhận hàng sang mạn trên luồng, ngoài phí bến cảng vùng nước đã thu trước đây. Nếu đúng như vậy thì chủ sà lan sẽ phải gánh thêm một khoản phí mới có thể làm cho chủ sà lan “quá tải” trong chi phí”, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội vận tải thủy nội địa Việt Nam bày tỏ.
Cảng Cái Cui
Đại diện Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV, Hải quan, Sở GTVT địa phương,... cũng đã ghi nhận các khó khăn, đồng thời giải đáp một phần các kiến nghị của các doanh nghiệp.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bày tỏ sự chia sẻ đối với các khó khăn của doanh nghiệp.
Đối với những ý kiến thuộc thẩm quyền xử lý, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ có văn bản trả lời cho các đơn vị, các ý kiến khác sẽ được tổng hợp, tiếp thu và đề xuất với Bộ GTVT để tháo gỡ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận