Tính toán chi phí chưa đúng, chưa đủ?
Sau cuộc họp khẩn ngày hôm qua (12/11) với các thương nhân phân phối và đại lý trong hệ thống, một doanh nghiệp đầu mối lớn (đề nghị không nêu tên) ở phía Bắc phản ánh tới Báo Giao thông những khó khăn hiện nay trong kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, doanh nghiệp (DN) này cho biết, hiện tính toán chi phí giá cơ sở từ khâu nhập khẩu đến khâu bán lẻ vẫn không đúng, không đủ .
Qua ý kiến tổng hợp, phân tích từ các khâu trong toàn hệ thống, gồm 45 thương nhân phân phối và 43 đại lý bán lẻ, DN đầu mối này cho biết, về chi phí nhập khẩu đưa xăng dầu về cảng Việt Nam, hiện tạm tính giá bình quân nhập khẩu của quý IV (giá Premium, cước vận chuyển, bảo hiểm, chi phí giám định) là 4.076 đồng/lít đối với xăng, và 2.147 đồng/lít đối với dầu.
Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối phải ký cam kết cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu
Trong khi đó, kỳ điều hành vừa qua (11/11), mức chi phí này chỉ mới tăng ở ngưỡng 640 đồng/lít với xăng nền để phối trộn xăng E5 RON 92, xăng RON 95 ngưỡng 1.280 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 730 đồng/lít, dầu hỏa là 1.740 đồng/lít, dầu madut 180cst 3,5S là 1.290 đồng/kg.
Cùng với tổng chi phí từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông mất khoảng 5.746 đồng/lít với xăng và 3.645 đồng/lít với dầu diesel (mặt hàng chiếm sản lượng lớn trên thị trường), DN này đề nghị với Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ Trưởng Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh tính đúng, tính đủ chi phí thực tế trên cho kỳ điều chỉnh giá vào ngày 21/11/2022.
Bên cạnh đó, cần thiết phải sửa đổi nghị định 95 phù hợp với cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu nhằm thích ứng với sự biến động của thị trường xăng dầu thế giới.
Hạn mức còn nhiều nhưng vẫn không vay được vốn
Không chỉ đang khó khăn khi áp lực chi phí chưa vơi, DN này còn cho biết họ cũng gặp khó khăn trong việc vay vốn theo hạn mức được phân giao.
Đó cũng là vấn đề chung của nhiều DN đầu mối xăng dầu hiện nay đang gặp phải.
Báo cáo về tình trạng vốn vay của Công ty TNHH thương mại Công Minh (Bắc Giang) cho thấy, hạn mức tín dụng của đơn vị này được cấp tại các Ngân hàng thương mại đủ điều kiện giải ngân thời điểm hiện tại là 955 tỷ đồng. Với dư nợ hiện tại là 327 tỷ đồng, thì hạn mức còn lại chưa được giải ngân là 628 tỷ đồng.
Dù công ty này đang cần sử dụng hạn mức để nhập hàng lưu trữ phục vụ hệ thống phân phối, tuy nhiên các ngân hàng không có vốn để giải ngân cho họ.
Trước thực tế Bộ Công thương yêu cầu DN đầu mối phải ký cam kết cấp đủ hàng cho cây xăng, các DN trên kiến nghị, các ngân hàng thương mại ngoài việc cấp đủ vốn theo hợp đồng tín dụng đã ký với các DN kinh doanh xăng dầu, thì cũng cần cấp thêm hạn mức tín dụng để DN đầu mối nhập hàng theo lượng phân giao tối thiểu quý 4 của Bộ Công thương.
Dựa trên báo cáo của 28/34 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, để đưa ra mức tăng chi phí mới áp dụng từ kỳ điều hành ngày 11/11, tuy nhiên bị các DN chê ít, ngày hôm qua (12/11), Bộ Tài chính một lần nữa gửi văn bản đề nghị Bộ Công thương phối hợp cung cấp tài liệu, đôn đốc các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo kịp thời, chính xác.
Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm toán sau này (nếu có) về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, số liệu báo cáo của đơn vị".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận