Tài chính

Doanh nhân đưa đôi dép Bác Hồ đi khắp 5 châu

07/05/2023, 07:00

Nhiều chiếc lốp xe mòn, tưởng như bỏ đi nhưng lại trở thành sản phẩm thời trang đẹp và độc, nâng niu bàn chân hàng vạn khách hàng.

Câu chuyện về đôi dép Bác Hồ nhờ đó cũng theo chân khách trên khắp nẻo đường…

Nâng niu hàng vạn bước chân

Nằm ngay cổng vào Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 19B phố Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), phòng trưng bày dép lốp rộng khoảng 40m2 của Công ty CP Tập đoàn Depcaosu.com nườm nượp khách ra vào, phần đông là khách du lịch đến thăm Lăng Bác.

img

Anh Nguyễn Tiến Cường giới thiệu các mẫu dép cao su qua các thời kỳ

Trên kệ gỗ mộc mạc, đóng giật cấp giống như những kệ trưng bày sách, hàng trăm đôi dép cao su được xếp ngay ngắn.

Không chỉ có “đôi dép Bác Hồ” đã ăn sâu trong lòng người dân Việt Nam, tại đây còn có nhiều sản phẩm với mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc bắt mắt, phong phú, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng.

Vừa từ Cao Bằng về Thủ đô vào Lăng viếng Bác, trên đường ra, anh Nguyễn Văn Chinh “lạc” vào gian hàng dép lốp và dừng lại rất lâu.

Cầm đôi dép lốp nâng lên, đặt xuống, anh Chinh tấm tắc: “Trước bố tôi đi bộ đội, một trong những hành trang khi xuất ngũ của ông là đôi dép cao su, tôi rất thích nên lấy đi suốt. Nhưng dép ngày xưa nặng, thô, lộ ra cả đinh, chỉ khâu. Giờ vẫn chất liệu cao su ấy, vẫn cái mộc mạc mà khí chất không lẫn vào đâu được ấy, xỏ vào chân thấy êm, nhẹ”.

Đứng cạnh anh Chinh, một vị khách nước ngoài, sau một hồi ngắm nghía, xỏ thử, rồi lắng nghe nhân viên kể về “lai lịch” đôi dép, đã nhặt bốn đôi thả vào túi.

Cô hướng dẫn viên du lịch cười giải thích: “Ông ấy là du khách người Ý, hết lời khen dép thiết kế lạ mắt, đi lên chân mềm mại, lại gắn với câu chuyện lịch sử nên quyết định mua để đi và làm quà tặng”.

Anh Chinh cho hay, vị khách người Ý là một trong những “khách quý” của Depcaosu.com. Nói khách quý là bởi, không chỉ lựa chọn sản phẩm vì chất lượng, mẫu mã, họ còn trân trọng sản phẩm như một nhân chứng lịch sử về của tinh thần, ý chí Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh!

Chẳng thế mà, Depcaosu.com mới thành lập từ năm 2017, nhưng đến nay đã tiêu thụ khoảng 3 vạn đôi. Sản phẩm thủ công này đã theo bước chân của rất nhiều khách hàng đến từ hơn 60 quốc gia.

Trong nước, ngoài phòng trưng bày ngay cạnh Lăng Bác Hồ, sản phẩm cũng được hiện diện ở 30 điểm bán khác, giúp công ty thu về mỗi tháng 700- 800 triệu đồng, tương ứng với doanh thu gần chục tỷ đồng mỗi năm.

Bỏ làm lãnh đạo doanh nghiệp về làm dép

img

Kệ trưng bày dép lốp cao su tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Trao đổi với PV Báo Giao thông, CEO Công ty CP Tập đoàn Depcaosu.com Nguyễn Tiến Cường chia sẻ, doanh số của công ty còn khiêm tốn, song anh rất hạnh phúc và tự hào vì đã góp một phần nhỏ bé gìn giữ và lan tỏa giá trị lịch sử, văn hoá của “đôi dép Bác Hồ”.

Với anh, những đôi dép cao su không chỉ là một sản phẩm thời trang, mà còn mang trong đó ít nhiều biểu tượng cho sức mạnh bền bỉ, dẻo dai của người Việt “chân cứng đá mềm, đường xa không mỏi”.

Nhớ lại những ngày khởi nghiệp, anh Cường kể, anh may mắn và tự hào khi được làm con rể của “vua” dép lốp, nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã được đặt hàng chế tác lại đôi dép cao su của Bác Hồ mà ngày nay trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Khi về già, bố vợ anh quyết định sản xuất, bán ra thị trường sản phẩm độc đáo này. Tuy nhiên, do bố anh tự làm theo cách thủ công, nên số lượng rất hạn chế, khách đến mua thường xuyên phải chờ. Hồi ấy, trong quá trình phụ bán với bố vợ (sau giờ làm việc từ 18-21h), anh chỉ có thể bán cho mỗi người một đôi theo số chứng minh thư nhân dân.

“Tôi vẫn nhớ về cảm giác áy náy khi hồi ấy chứng kiến một vị khách nước ngoài phải đến chờ cả một ngày trong căn nhà nhỏ tại ngõ Khâm Thiên để mua cho được một đôi dép”, anh nhớ lại.

Rồi trong đầu anh Cường bật lên suy nghĩ: Phải làm sao phát triển được sản phẩm này, vừa nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa góp phần kể tiếp câu chuyện về đôi dép “thần thánh” đã theo chân hàng triệu triệu anh Bộ đội cụ Hồ suốt chiều dài cuộc kháng chiến của dân tộc! Nghĩ là làm, anh quyết định bỏ vị trí lãnh đạo một công ty sản xuất phần mềm, nối gót bố vợ.

Giấc mơ về một bảo tàng dép lốp

img

Đôi dép Bác Hồ theo mẫu nguyên bản, quai trước to bản, mỏng, quai sau nhỏ

Quyết tâm là thế, nhưng khi anh Cường bắt tay vào khởi nghiệp mới thấy muôn vàn khó khăn, từ cả cung lẫn cầu: Có khách mua thì không có hàng, mà có hàng lại không biết bán cho ai.

Chưa kể, từ một lãnh đạo doanh nghiệp về công nghệ, chuyển sang lao động thủ công bằng chân tay là việc không hề dễ dàng và khó thích nghi trong ngày một, ngày hai.

Để giải quyết bài toán về nguồn cung, anh bắt tay tìm những người thợ làm dép ở các tỉnh xung quanh Hà Nội như Hoà Bình, Thái Bình... về nhờ bố vợ hướng dẫn, nâng cao tay nghề, rút ngắn thời gian đào tạo. Cứ thế ngày này qua ngày khác, đến nay, anh quy tụ được 25 thợ lành nghề.

Bài toán đầu vào đã tạm ổn. Tưởng rằng đầu ra dễ dàng bởi suy nghĩ chủ quan “dép Bác Hồ thì ai chẳng biết”, nhưng khi phát triển thị trường anh mới thấy ngược lại, người trong nước biết về dép cao su thì họ không mua vì định vị là hàng rẻ tiền.

Anh đi thực tế thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan... mới hay, nhiều nơi họ không biết đến dép cao su.

Anh nhớ như in 3 tháng đầu tiên thuê gian hàng ở Bảo tàng Hồ Chí Minh để khởi nghiệp. Với một mẫu dép cao su xỏ dây quai truyền thống, anh không bán nổi lấy một đôi. Anh thấy tự ái mỗi khi sản phẩm bị khách hàng lắc đầu chê đắt, nặng...

Cho đến những ngày cuối cùng trong khoảng thời gian 3 tháng thuê gian hàng, nằm vắt óc suy nghĩ, anh mới thấm thía rằng, sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu, điểm bán phải gắn liền với những địa danh mang giá trị văn hoá, lịch sử và du lịch.

Cũng từ đấy, anh quyết định thay đổi hình thức, đa dạng mẫu mã, cho ra đời những sản phẩm sát với nhu cầu sử dụng hàng ngày như tông (dép xỏ ngón), dép lê, quai hậu... giảm trọng lượng sản phẩm xuống ngang bằng với những đôi dép tổ ong.

Sau lần thay đổi ấy, một khách hàng châu Âu đã bỏ giỏ hơn chục đôi, giúp anh thêm một viên gạch niềm tin để xây dựng doanh nghiệp. Sự cải tiến, thay đổi không ngừng vẫn duy trì đến hôm nay.

Trên website bán hàng của anh, những đôi dép lốp cao su bán chạy là những sản phẩm với kiểu dáng, màu sắc bắt mắt. Giá bán cũng niêm yết đa dạng, từ 200.000-1.000.000 đồng, thay vì bán hàng 1 giá 1.000.000 đồng/đôi như trước.

Anh Cường chia sẻ, nếu tính từ những ngày đầu khởi nghiệp khoảng 9 năm thì 7 năm đầu, khách nước ngoài chiếm 90%, chủ yếu đến từ Nhật, Trung Quốc... Nhưng 2 năm trở lại đây, với nhiều mẫu mã cải tiến, dép lốp đã lay động cảm xúc người Việt, tỷ lệ khách hàng Việt lại chiếm đến 70%.

Anh không giấu tự hào khoe, dép lốp của anh được nhiều người nổi tiếng sử dụng, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình...

Anh cũng ước mơ, một ngày nào đó, khi đủ lực, anh sẽ mở riêng một bảo tàng dép lốp, xây dựng những show diễn độc quyền để giới thiệu giá trị lịch sử của từng đôi dép lốp đến bạn bè năm châu.

Anh Nguyễn Tiến Cường thường được gọi với tên thân mật là “Cường phò mã”. Anh là con rể của “vua” dép lốp, nghệ nhân Phạm Quang Xuân.

Ông Xuân là người được chọn để chế tác lại đôi dép cao su, vật dụng gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ để trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, khoảng những năm 80 của thế kỷ XX.

ược biết, đôi dép cao su của Bác Hồ bắt đầu được làm vào năm 1947, được chế tạo từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.