Hiện nay, câu chuyện “được mùa mất giá” trên thị trường nông sản Việt Nam đang khiến cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải đau đầu, khi dù đã có những kế sách nhất định nhưng diễn biến này vẫn tái diễn nhiều năm nay.
Báo Giao thông giới thiệu một góc nhìn từ bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood), kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam xung quanh vấn đề này...
Trước đây, vào năm 2016 rộ lên phong trào nông dân làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), tôi có chia sẻ rằng “không nên cho nông dân làm manh mún, nhỏ lẻ”.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tới những năm 2018-2019 thì hàng loạt bà con bỏ nhà màng, bỏ CNC để lại trở về với đồng ruộng.
Vì sao như vậy?, Vì đa số người dân đang thay đổi trong “mơ”, trong khi bản chất làm nông nghiệp chưa thay đổi.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood), kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam
Thực tế này khiến tôi cảm thấy sợ khi đọc những bài báo giật tít kiểu như: “Bỏ lúa trồng dưa lưới, nông dân làm tỷ phú….”.
Không những không đủ nghĩa, mà còn khiến cho một bộ phận người nông dân mơ tưởng về viễn cảnh “làm giàu nhanh”, dẫn đến đốt cháy giai đoạn.
Nếu bạn có 1-2 farm, mỗi farm có diện tích cỡ vài ha đất trồng, thì đúng là bạn sẽ thành tỷ phú với điều kiện bạn phải nhanh nhẹn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn nếu mô hình nhỏ lẻ với vài nghìn m2 thì không nên, vì sẽ lại loay hoay đầu ra khi sản lượng chưa đủ lớn, mà cũng không phải nhỏ, mộng tỷ phú không dễ.
Giương cao ngọn cờ áp dụng CNC theo trend là giết bà con. Thực tế dễ thấy, đã có những thời điểm nhà nhà làm CNC nửa mùa, người người làm CNC nửa mùa…
Đầu tư không tới và không có lối thoát cho đầu ra!.
Năm 2021, tôi đã chia sẻ với rất nhiều tỉnh thành, thậm chí các diễn đàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về việc “Tôi sẽ không đi giải cứu nữa”. Việc giải cứu làm tôi stress!.
Tại sao chúng ta loay hoay mãi việc trồng cây gì, bán cho ai? Nông dân loay hoay đã đành, chẳng nhẽ những người định hướng cũng loay hoay?.
Một hiện thực tồn tại nhiều năm nay đó là, diện tích đất nông nghiệp tự phát, nên hễ cứ nghe cây gì bán tốt, thành tỷ phú thì hàng ngàn ha đất trồng bị người dân bỏ cây cũ, trồng cây mới, rồi vài năm lại quay trong vòng luẫn quẩn của việc “được mùa mất giá”.
Tôi trăn trở: Việt Nam là đất nước nông nghiệp, hướng nông dân làm nông nghiệp, nhưng lý do gì trong vùng nông nghiệp lại không có nhà máy chế biến sâu? Cứ để dân bán thô? Và khi doanh nghiệp xin về các địa phương làm nhà máy chế biến sâu nông nghiệp thì câu trả lời là chưa có quy hoạch.
Ông Nguyễn Ngọc Bằng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) thăm hệ thống chuỗi siêu thị liên hoàn Nutri Mart thuộc Vinanutrifood
Lẽ ra, ở đâu có đất trồng nông nghiệp, việc đầu tiên các đấng công quyền nên nghĩ tới phải là xây dựng có quy hoạch khu chế biến để làm vùng lõi, sau đó mời doanh nghiệp về sản xuất, định hướng vùng trồng, bao tiêu, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.
Phép giải của bài toán “được mùa mất giá” lúc nào mới có người “viết”, khi kết quả đã thấy rõ.
Tôi khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam không ngại khó, ngại khổ, ngại đầu tư cùng bà con, nhưng sự chờ đợi quy hoạch suốt 10 năm nay đã làm mất đi của họ nhiều cơ hội, cũng là mất đi cơ hội phát triển đất nước.
Tôi khẩn thiết mong Thủ tướng Chính phủ đề cao nhiệm vụ quy hoạch khu công nghiệp nông nghiệp CNC, chế biến sâu, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào sản xuất nông nghiệp.
Tối thiểu 3 tỉnh nên có 1 nhà máy chế biến sâu nhằm tạo ra sản phẩm giá trị cao và từ đó, có những cam kết bao tiêu cho bà con, dần dần sẽ giảm dần tính manh mún, nhỏ lẻ…sẽ dần giải quyết được bài toán “được mùa mất giá”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận