Các diễn viên trong phim Em là bà nội của anh - Bộ phim được báo cáo doanh thu 102 tỷ đồng với hơn 1,4 triệu lượt người xem |
LTS: Năm 2015 doanh thu phim Việt Nam đạt 700 tỷ đồng, doanh thu hoạt động kinh doanh phim nước ngoài lên đến 1.590 tỷ đồng. Nhìn vào con số này, nhiều người chắc mẩm kinh doanh điện ảnh dễ hốt bạc. Tuy nhiên, sự thật có phải như vậy?
Dự thảo Báo cáo Quốc gia định kỳ 4 năm (2012 - 2016) cho biết, năm 2015 Việt Nam có 89 bộ phim ra đời và doanh thu từ nguồn này đạt 700 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động kinh doanh phim nước ngoài đạt 1.590 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu 21%.
Doanh thu trăm tỷ một phim, ảo hay thực?
Nhìn vào những con số thống kê trên, có thể thấy rằng năm 2015, điện ảnh Việt trăm hoa đua nở, từ các hãng phim đến các bộ phim, cùng doanh số. Nhà nhà, người người làm phim rạp, ca sĩ, người mẫu cũng đổ xô tiền triệu đô đầu tư làm phim. Các bộ phim chỉ sau vài ngày ra rạp là doanh thu được công bố và mọi công bố hầu như phim sau lại cao hơn phim trước, doanh thu đều đại thắng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Giao thông, nếu chỉ nhìn bề nổi của các báo cáo từ các hãng phát hành phim sẽ thấy: Em là bà nội của anh, doanh thu 102 tỷ đồng với hơn 1,4 triệu lượt người xem sau hai tháng công chiếu. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, doanh thu 78 tỷ đồng (hơn 3,5 triệu USD) chỉ sau một tháng công chiếu. Taxi, em tên gì? doanh thu hơn 21 tỷ sau 5 ngày công chiếu. 49 ngày doanh thu 15 tỷ đồng và phim Gái già lắm chiêu thu về 11 tỷ cũng chỉ sau ba ngày công chiếu.
Từ một thị trường chiếu phim vốn bị quốc tế xem nhẹ vì phát hành yếu ớt, nhiều phim được bán cũng như cho, đến nay Việt Nam đã là một thị trường tăng trưởng ấn tượng nếu chỉ nhìn vào các con số được trưng bày. Rất nhiều người đã toan vui với con số báo cáo trên. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ việc này, nhiều nhận định cho rằng: Con số phía trên chỉ là ảo, bày cho đẹp mắt (!).
Con số mà biết nói năng...
Hãy thử nhìn vào website của các nhà phát hành phim tính đến năm 2016, CGV hiện đang sở hữu số lượng rạp chiếu phim và phòng chiếu lớn nhất cả nước với 27 cụm rạp và 176 phòng chiếu tại 10 thành phố lớn trong cả nước, tổng số hơn 25.955 ghế, Lotte có 23 cụm rạp, Galaxy có 6 cụm rạp, BHD có 6 cụm rạp cộng với một số ít rạp nhỏ lẻ trên toàn quốc.
Theo công bố của nhà phát hành CGV, bộ phim Em là bà nội của anh chỉ đạt mốc kỷ lục là hơn 1,4 triệu lượt xem. Nhưng thực tế, độ cạnh tranh suất chiếu mỗi ngày giữa phim Việt với phim Việt và các phim bom tấn rất gắt gao. Phim Việt này chưa chiếu xong trọn vẹn một tuần thì đã có phim khác ra rạp. Chỉ tính riêng mỗi tháng của năm 2016, sẽ có đến hai phim Việt được ra rạp. Vậy thì con số 1,4 triệu lượt người xem cho một bộ phim có là phi lý?
Theo nguồn tin của chúng tôi tìm hiểu chỉ có 2 khoảng thời gian rạp đông nhất trong ngày là suất 11h - 13h và suất chiều tối từ 17h - 21h. Tức là, những suất chiếu trên có khả năng đầy rạp, còn lại những khung giờ khác số ghế chưa đến 1/2, thậm chí chưa đến 1/3 rạp kín ghế, nhất là các rạp ở các tỉnh vào ngày thường.
Theo nguồn tin một chuyên gia cung cấp cho chúng tôi, thì cứ một phim ra rạp, bán vé ba ngày đầu đã đoán biết được phim đó ăn khách hay không. Doanh thu ba ngày đầu sẽ chiếm 30% doanh thu của phim sau khi rời rạp. Cho nên vòng đời của một bộ phim rất ngắn. Có phim chỉ vừa ra rạp đã biến mất ngay sau ba ngày chiếu.
Thậm chí, rạp sẵn sàng cắt bớt suất chiếu hoặc “đày” vào các suất chiếu ít người xem. Trái lại, những phim ăn khách sẽ được liên tục tăng suất chiếu. Nhưng, thường thì phim của nhà phát hành nào thì rạp chiếu của nhà phát hành đó sẽ có suất chiếu ưu tiên hơn so với các phim nhà phát hành khác.
Nhìn vào doanh thu khủng mà các nhà phát hành, nhà sản xuất phim công bố, ta có thể thấy con số thật hay ảo bởi số lượng rạp, ghế, suất chiếu của một bộ phim Việt khi ra rạp đều có thể thống kê được. Và như vậy, những con số doanh thu cả trăm tỷ một bộ phim khó mà tin được.
Chưa có đơn vị độc lập kiểm tra doanh thu phim
Trò chuyện với ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh về doanh số các phim điện ảnh, ông cho biết: Cục không kiểm tra về doanh số của các bộ phim. Cạnh đó, ông cũng khẳng định con số 700 tỷ trên chỉ là tham khảo, vì Việt Nam chưa có đơn vị độc lập kiểm tra.
Khác với nền điện ảnh Việt Nam vẫn đang còn loay hoay chưa có đơn vị kiểm tra doanh số từ phim điện ảnh chiếu rạp, mới đây Trung Quốc đã điều tra bộ phim Diệp Vấn 3 về tội gian lận doanh thu lên tới 88 triệu NDT (tương đương 14 triệu USD). Trong đó, tại hơn 7.600 xuất chiếu ở các rạp đã bị chèn giờ khống, mang về doanh thu 32 triệu NDT ảo. Các đơn vị phát hành tự mua vé phim do mình cung cấp với số tiền lên đến 56 triệu NDT. Chính vì thế, con số doanh thu khủng của các bộ phim mà các nhà sản xuất tung ra khiến nhiều người nghi ngờ.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng: “Không có đơn vị sản xuất hay kinh doanh nào dám công bố con số chính xác trong hoạt động kinh doanh phim, bởi rất khó yêu cầu hãng phim báo cáo. Hiếm khi chúng ta có con số thực, ngay bản thân tôi nhiều khi phải nói dối về chuyện đó. Thế nên cần phải có tổ chức độc lập bên ngoài thống kê một cách khách quan”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận