Chùa Phước Hậu (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) là ngôi cổ tự tổ đình Phật giáo dòng Lâm Tế, phái Chúc Thánh.
Ông Nguyễn Xuân Hoanh - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Long cho biết, khi đến vùng Trà Ôn và Tam Bình, nhiều người tìm đến chùa Phước Hậu...
Nơi đây không chỉ nổi tiếng vì là ngôi chùa cổ hơn 100 năm mà còn nổi tiếng với công trình vườn kinh đá độc đáo.
Vườn kinh này nằm trong khuôn viên Tổ đình Phước Hậu, gồm 213 phiến đá màu xanh, kích thước 1,2x0,9 mét, khắc 423 bài kinh trên 2 mặt được sắp xếp theo hình 8 lá bồ đề thể hiện bát chánh đạo.
Qua đó, nói lên con đường 8 nhánh đức Phật gồm: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tin tấn, chánh niệm và chánh định đã dạy cho chúng ta thực hành tu theo đó nhằm an lạc.
Công trình vườn kinh đá được khởi công vào tháng 3/2014, bắt đầu là “vườn kinh pháp cú”, bố trí phía hậu bên phải từ cổng vào.
Năm đó thầy trụ trì Thích Phước Cẩn được Phật tử mời sang Miến Điện du lịch, được dịp ngắm nhiều ngôi chùa đẹp có những phiến đá khắc kinh bằng tiếng Phạn rất độc đáo mà các chùa ở nước ta không có. Trên chuyến bay trở về Việt Nam, thầy có duyên trò chuyện với 1 doanh nhân ở Sài Gòn. Vị doanh nhân này đã phát tâm đề nghị cúng dường cho chùa xây dựng mô hình vườn kinh đá.
Hòa Thượng Thích Phước Cẩn, Trụ trì Tổ đình Phước Hậu chia sẻ: Khi bắt đầu thực hiện, nhiều phật tử là kiến trúc sư, nhà mỹ thuật góp ý, đưa ra ý tưởng để bày trí sao cho khoa học, đẹp mắt. Sau đó mới quyết định làm vườn kinh pháp cú là tinh hoa của Phật giáo, do cố Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Phật giáo Việt Nam, dịch từ tiếng Pali sang tiếng Việt.
“Ý nghĩa của việc hình thành và xây dựng vườn kinh Pháp cú là mong muốn mỗi Phật tử, du khách khi tham quan, họ chỉ cần đọc được một câu trên những tảng đá này cũng đã chiêm nghiệm được lời vàng ý ngọc và tự sửa mình… ngày càng sống tốt đạo đẹp đời hơn”, Hòa thượng Thích Phước Cẩn cho hay.
Sau thành công của vườn kinh Pháp Cú, thầy Phước Cẩn thực hiện các công trình kế tiếp là vườn kinh A Di Đà và vườn kinh Bắc Truyền trích diễm. Vườn kinh A Di Đà có 31 phiến đá được bố cục theo một dãy hồ nhỏ trồng sen hình chữ S, tượng trưng nước Việt. Mỗi miền Bắc, Trung, Nam có 1 phiến đá đặt giữa hồ ghi ngôi chùa biểu trưng, thêm những hòn giả sơn biểu tượng như núi Yên Tử, Thất Sơn… Các bài kinh ở vườn kinh này được dịch theo thể thơ lục bát.
Khách du lịch trong nước cũng như ngoài nước từ tuyến Vĩnh Long xuống hay Cần Thơ qua đi đường sông thì họ cũng sẽ tới chùa Phước Hậu. Nơi đây đã thu hút tín đồ hồi hương khắp nơi và cả nước về.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Long, đến nay Hòa thượng Thích Phước Cẩn đã dành nhiều tâm huyết để tôn trí nhiều tượng đá, những công trình bằng đá và đặc sắc nhất là vườn kinh Pháp cú. Kinh Pháp cú là những lời vàng ngọc là tinh hoa của Phật giáo do đức Phật Thích Ca nói khi ngài còn tại thế… Hòa thượng Thích Phước Cẩn đã chọn những câu kinh đặc sắc khắc bằng chữ Phạn và chữ Việt, tôn trí và bày trí ở khuôn viên rất đẹp ở giữa vườn cây cổ thụ, bóng mát rất đẹp.
Những hình ảnh về vườn kinh đá độc đáo ở Tổ đình Phước Hậu:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận