Kỳ 1: Khi tiền tỷ, biệt thự không còn là giấc mơ
Kỳ 2: An cư trong khu tái định cư
Kỳ cuối: Để thuận lòng dân
Đó là bài học được rút ra khi GPMB tại một số công trình trọng điểm như: Cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành… theo đúng tinh thần chủ trương, nghị quyết của Đảng trong việc đảm bảo cuộc sống của người dân tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Ngày đến, đêm cũng đến
Một căn nhà mới khang trang trong khu tái định cư Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Ảnh: Vĩnh Phú
Trước đây, TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá là một trong những “điểm nóng” về giải phóng mặt bằng (GPMB) và cũng đã có không ít những cuộc cưỡng chế kéo dài hàng tuần, hàng tháng để lấy đất cho các dự án.
Tại thị xã có 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đi qua gồm: QL45- Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu với tổng chiều dài gần 23km. Chính vì vậy, việc kiểm kê, GPMB là chuyện không hề dễ dàng.
Xuyên suốt quá trình GPMB cho cao tốc, ông Mai Cao Cường, Giám đốc Ban GPMB TX Nghi Sơn được ví như người “chai mặt”, “không có lòng tự ái” khi ngày ngày lăn lộn đến nhà dân để động viên, thuyết phục. Ngày đến, đêm cũng đến, có những nhà, ông Cường đến 7- 8 lần để thương thuyết.
“Có tới 131 hộ dân thuộc diện cưỡng chế thu hồi đất. Chúng tôi phải đến từng nhà vận động, tuyên truyền, ban ngày không gặp thì chờ ban đêm, có hôm làm việc ở nhà dân đến 1h sáng. Bản thân tôi phải đi, vì cấp dưới không quyết được. Chúng tôi triển khai từ cuối năm 2019 đến năm 2021 là hoàn thành”, ông Cường nhớ lại.
Ngoài việc xử lý vi phạm, giải tỏa các công trình trái phép xây “siêu tốc” chờ đền bù, ông Cường cho biết, khó vô cùng khi thu hồi đất nhưng các khu tái định cư chưa xây dựng xong người dân không có nơi ở.
“Đây chính là mấu chốt và là kinh nghiệm xương máu để GPMB thành công. Phải bố trí khu tái định cư, hạ tầng khang trang, tiện nghi, có như thế họ mới yên tâm rời đi. Rồi với các hộ dân có nhà trong hành lang cao tốc chưa lấy hết đất, khi triển khai dự án, dân không có đường vào nhà. Lấy tiền đâu xây đường cho họ cũng là vấn đề cần tính trước”, ông Cường chia sẻ.
Vận dụng chính sách có lợi cho dân nhất
Ông Lê Văn Mọi (75 tuổi) trong căn nhà mới ở khu tái định cư xã Nhơn Sơn (Ninh Thuận)
Một kinh nghiệm nữa để người dân đồng thuận là các khung chính sách đền bù phải được triển khai rốt ráo, nội dung nào có lợi cho người dân nhất thì nên áp dụng.
Kinh nghiệm “xương máu” để dự án hoàn thành đúng tiến độ, đối với khu nghĩa trang, mồ mả của người dân phải có tính toán, bố trí nguồn vốn làm trước hạ tầng. Thứ hai, đối với dự án công thì cần có cơ chế đặc thù trong giải quyết các thủ tục, đơn cử như xây tái định cư là 1 dự án tách biệt thì khi thu hồi đất cũng phải triển khai song hành, không để đợi đến 1 năm sau mới làm.
Ông Mai Cao Cường, Giám đốc Ban GPMB TX Nghi Sơn, Thanh Hóa
“Chúng tôi đã vận dụng hết tất cả các khung chính sách, để chí ít cuộc sống của người rời đi phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Có những nơi, chúng tôi hỗ trợ chuyển đồ cho người dân. Khu tái định cư nào chưa có điện nước thì hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng để người dân ổn định cuộc sống mới”, ông Cường cho hay.
Tại Nghệ An, để GPMB hơn 87km đường cao tốc, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn là sự đồng lòng, hy sinh vì lợi ích chung của hàng nghìn hộ dân, gia đình.
Ông Phan Anh Nam, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An chia sẻ, trên địa bàn có 2 khu tái định cư.
Để người dân hiểu được, trước tiên cả hệ thống chính trị phải vào cuộc tuyên truyền, nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm quốc gia, chỉ có tiến, không lùi.
Cùng đó, phải công bố, công khai mọi quy hoạch, định mức, định giá đất nơi đến và nơi đi… để người dân nắm rõ. Quá trình đền bù, chi trả thực hiện công khai, công bằng, dân chủ.
Từ lãnh đạo địa phương cho đến lực lượng chức năng bám sát hiện trường, hỗ trợ, động viên từng nhà thu dọn đồ đạc, chuyển đồ đến nơi ở mới.
Cũng là một trong những địa phương “gặp khó” trong thời gian đầu thực hiện GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam, cán bộ xã Quỳnh Vinh, TX Hoàng Mai, Nghệ An đã chia thành từng tổ, đi xuống từng nhà dân để vận động. Trước hết, cán bộ, đảng viên phải vận động được gia đình, người thân của mình gương mẫu sang nơi tái định cư trước.
Nhiều khu tái định cư ở Nghệ An có vị rất đẹp, không những đi lại thuận tiện mà còn dễ dàng kinh doanh, buôn bán.
Ông Lê Mạnh Hiên, Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt đoạn qua địa bàn huyện có 4 khu tái định cư, với hơn 150 hộ dân. Từ quá trình khảo sát, định giá đất cho đến việc bốc thăm chọn chỗ ở mới không có khiếu kiện gì từ người dân.
“Đây các là khu tái định cư bà con được giao sổ đỏ nhanh nhất. Toàn bộ quá trình này được hội đồng bồi thường, GPMB của huyện làm giúp và sau đó trao tận tay cho người dân. Đây là một bài học lớn mà địa phương rút ra cho các dự án sau này”, ông Hiên chia sẻ.
Tận mắt thấy nơi ở mới, bà con hồ hởi chuyển nhà
Người dân đi bộ, tập thể dục trong khu tái định cư thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận)
Tại Ninh Thuận, nơi có dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua, thống kê có khoảng 1.230 hộ bị ảnh hưởng, tuy nhiên đây lại là nơi về đích sớm trong việc bàn giao mặt bằng. Trong số này, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn có khoảng 246 hộ.
Bà Trương Thị Bích Thuận, Bí thư xã Nhơn Sơn cho biết, khác với nhận định ban đầu, sau khi được vận động tuyên truyền, hầu hết người dân đều đồng tình ủng hộ. Bà con khi được đến tận nơi thấy khu tái định cư Nha Hố rất đẹp, vị trí nơi ở mới tốt hơn, cuộc sống không bị xáo trộn, họ nhanh chóng bàn giao đất. Ở đây, giá bồi thường cao hơn dự án khác. Khu tái định cư được phân nhiều lô, mỗi lô rộng 300m2, cách mặt tiền QL27 khoảng 100m, gần chợ, trường học. Người dân rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn chia sẻ: “Thời gian đầu chúng tôi rất áp lực. Tuy nhiên nhờ chuẩn bị sẵn quy hoạch, chính sách đền bù phù hợp nên hầu hết các hộ dân đồng thuận”.
Theo ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh giao Sở GTVT làm đầu mối GPMB, hàng tuần, hàng tháng đều có các cuộc họp đánh giá tiến độ, kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc để tỉnh có chỉ đạo tháo gỡ.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân tại nơi ở mới, việc đẩy nhanh dự án hạ tầng, cải thiện điều kiện sinh hoạt cũng là vấn đề rất quan trọng. Điển hình, tại dự án khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn rộng 282ha (phục vụ dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai), đến giữa tháng 12/2022 vẫn còn 100 hộ đang sinh sống trong công trường.
Tại buổi đối thoại với người dân thời điểm đó, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai lắng nghe các ý kiến của người dân và yêu cầu chính quyền các cấp nghiên cứu cụ thể từng trường hợp để giải quyết.
Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, tính đến đầu tháng 2/2023, chỉ còn 5 hộ đang hoàn tất thủ tục hồ sơ để bố trí tái định cư là bàn giao xong mặt bằng.
Từ bài học kinh nghiệm thực tế trên, huyện cũng vừa khởi công xây dựng khu tái định cư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quy mô 850 lô, vị trí nằm ngay thị trấn Long Thành, gần QL51, rất thuận lợi cho người dân sớm ổn định cuộc sống ở nơi mới.
Đảm bảo thu nhập, điều kiện sống tốt hơn
Theo ĐBQH Trương Xuân Cừ (Ủy ban Xã hội của Quốc hội), những năm qua vướng mắc GPMB là một trong những lý do khiến nhiều dự án, trong đó không ít những dự án trọng điểm chậm tiến độ.
Nghị quyết 18-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã nhận định, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, lợi ích của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, cũng như đời sống, sinh kế của người có đất bị thu hồi được quan tâm và bảo đảm tốt hơn.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nêu rõ, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng. Nghị quyết và các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi. Đây là cơ sở quan trọng trong việc đề ra các định hướng mới trong thời gian tới.
Theo ông Cừ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi đã quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi, phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quan điểm này hết sức đúng đắn, nhân văn theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương.
“Việc thực hiện chính sách về bồi thường, tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp cần phải thực hiện đầy đủ và đồng bộ. Khi người dân hiểu đúng, thấy quyền lợi được đảm bảo, không có lý gì họ không đồng thuận”, ông Cừ khẳng định.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Thực tế cho thấy, để thực hiện tốt công tác GPMB, bố trí tái định cư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiều địa phương đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn, trọng tâm là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Điển hình như tại Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, tập trung thực hiện tốt hàng loạt nhiệm vụ. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận, quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Tương tự, tại Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định... và nhiều địa phương khác, nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt rốt ráo từ các cấp uỷ đến chính quyền, công tác GPMB, tái định cư đã đạt hiệu quả cao.
Tái định cư phải đi trước một bước
Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ban hành ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt.
Đối với trường hợp thu hồi đất phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi. Tiếp tục thực hiện thí điểm và sớm tổng kết chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước.
Trong Nghị quyết, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Quảng Trị: Nhiều hộ dân kiến nghị tăng diện tích tái định cư
Tại Quảng Trị, theo Ban Chỉ đạo GPMB cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 32,53km, tổng số hộ bị ảnh hưởng, bố trí tái định cư khoảng 477. Tỉnh đã dự kiến 11 vị trí xây dựng khu tái định cư với diện tích hơn 43ha, hiện đã hoàn thành bước thiết kế bản vẽ thi công và lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công ngay trong tháng 2/2023.
Để đẩy nhanh tiến độ GPMB và di dời các hộ dân, sau khi có mặt bằng sẽ bàn giao cho người dân để xây dựng nhà ở, việc xây dựng nhà ở tiến hành đồng thời với việc xây dựng hạ tầng giao thông, điện nước, trường trạm.
Tại cuộc họp mới đây, đại diện các sở ngành, địa phương liên quan cho biết, thực tế diện tích đất bị thu hồi rất lớn, từ 1.000- 3.000m2, nhiều hộ bị mất toàn bộ đất sản xuất, cuộc sống bị ảnh hưởng. Nhiều hộ đã kiến nghị về việc tăng diện tích lô tái định cư từ 300m2 lên 450m2. Sau khi xem xét, Tỉnh uỷ đã giao các đơn vị liên quan rà soát các quy định và nghiên cứu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến yêu cầu các địa phương cần bám sát khung chính sách chung của Chính phủ, rà soát diện tích đất, quy hoạch để lập phương án riêng, xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Tinh thần chung là tạo sinh kế lâu dài, đảm bảo cho người dân có cuộc sống mới tốt hơn nơi ở cũ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận