Chuyện dọc đường

Đời lái tàu (kỳ cuối): Ám ảnh tai nạn

28/03/2015, 10:02

Rất nhiều lái tàu giờ đã giải nghệ nhưng trong tâm trí họ vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi ám ảnh

101
Tàu SE4 vượt hầm số 1 trên đèo Hải Vân (hầm dài nhất trong hệ thống hầm đường sắt, khoảng 600m. Dọc hầm có nhiều điểm hõm để tuần đường trú ẩn khi tàu qua) Ảnh: Thiện Anh

Xúc động một vần thơ

Tối ấy, trong cái quán cà phê ở một góc TP Huế, tôi và mấy cựu lái tàu của Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng cùng các đồng nghiệp làm trong ngành Đường sắt ngồi ôn lại những kỷ niệm về nghề lái tàu. Thường ngày, lái tàu phải có thần kinh thép là thế, nhưng khi nhắc đến vụ tai nạn vừa qua xảy ra với lái chính Lê Minh Phú, ai cũng nghẹn lại, rưng rưng nhắc đến những kỷ niệm nhọc nhằn của nghề. Rõ ràng cái nghề lái tàu ngày càng gian truân và phải đối mặt với những hiểm nguy trên đường nhiều hơn.

Anh Lê Xuân Linh, Quản đốc Phân xưởng vận dụng thuộc Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng xúc động đọc bài thơ có tên là Hỏa xa của một đồng nghiệp....

Nghề lái tàu cùng nỗi gian truân
Chỉ những ai ngồi sau tay lái
Mới tường tận cảm giác bình an...

Thương anh!
Người công nhân lái tàu
Gian khổ nhọc nhằn đè nặng hai vai
Lên ban máy cười tươi hớn hở
Phút ấy đâu rồi, anh đã ra đi....

Anh Linh mới làm quản đốc được mấy năm. Trước cũng làm lái tàu dọc ngang đất nước, nếm trải đủ nỗi nhọc nhằn của nghề. Sau đó, do có bằng cấp kỹ sư, lại chịu khó học hỏi nên anh được bố trí làm quản đốc phân xưởng vận dụng. Còn tác giả bài thơ ấy là một đồng nghiệp nữ vì thương anh em lái tàu hy sinh vất vả nên trải lòng mấy vần thơ.

Phần nhiều những cán bộ ở Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng đều có những năm tháng gồng mình trên ban lái, dãi nắng dầm mưa cùng những chuyến tàu hàng bất kể đêm ngày. Và trong số họ cũng đều phải trải qua những lần “ăn” ô tô dọc đường.

Anh Nguyễn Trung Nam, kỹ thuật viên đầu máy của Phân xưởng vận dụng nhớ lại hồi năm 2007, trong một lần anh lái tàu hàng trên khu gian Núi Thành - Diêm Phổ thì gặp tai nạn. Lúc đấy khoảng 17h30 chiều, một xe chở gỗ bạch đàn bất ngờ băng ngang đường ray khiến tàu của anh đâm vào. Tài xế ô tô tử vong tại chỗ. Anh Nam cũng suýt mất mạng nếu không nhanh trí cúi sát người xuống sàn.

Anh bảo, “nhìn thấy cả cây bạch đàn đâm xuyên qua kính lái tàu, đâm vào cabin, anh chỉ kịp né và cúi thấp người xuống nhưng cây cũng đâm gãy xương sườn, chấn thương vùng đầu, tràn dịch màng phổi. Bác sỹ kết luận tôi bị mất 20% sức khỏe”.

Sau lần ấy, anh Nam vẫn tiếp tục cầm lái đến khi được cử đi học theo chương trình đầu máy Siemens của Đức. Hồi đấy, ngành Đường sắt nhập một loạt đầu máy hiện đại nhất của Đức nên cần cán bộ có kinh nghiệm tiếp quản. Kết thúc chương trình, anh Nam không lái tàu nữa và về làm kỹ thuật đầu máy đến nay. “Vụ tai nạn đã xảy ra 8 năm nhưng tôi vẫn không thể quên được. Cũng may hôm đấy phụ lái không bị làm sao nên cũng nhẹ lòng”, anh Nam tâm sự.

Hôm nhận hung tin lái tàu Lê Minh Phú tử nạn trên đầu máy, anh em lái tàu cũng có phần dao động. Đây là lần đầu tiên có lái tàu tử nạn, còn những lái tàu bị tai nạn và may mắn thoát chết thì nhiều lắm. Như vụ lái tàu Nguyễn Lương và Lê Thanh Phong lái đầu máy hiệu 626 đi qua khu gian Thanh Hóa thì gặp xe chở luồng băng qua đường sắt đâm ngay đầu máy đổ ra ruộng. May mà ruộng hôm đấy không đầy nước, chứ nếu không thì chết ngạt. Người dân phải cắt đầu máy mới lôi được phụ lái tàu ra. Đến giờ anh Nguyễn Lương vẫn lái tàu.

“Bây giờ giao thông phát triển, đường ngang nhiều, xe ô tô tải nặng băng qua đường ngang thường xuyên, nhưng ý thức người dân không nâng cao, nên nghề lái tàu nhiều khi cũng phải nhờ may mắn mới thoát nạn. Anh em luôn trong trạng thái căng thẳng”, quản đốc Lê Xuân Linh tâm sự.

Và những nhọc nhằn sau tay lái

Đời lái tàu vốn chỉ trông vào đồng lương còm hàng tháng. Đi đêm đi hôm cũng chỉ tròm trèm hơn 6 triệu/tháng, thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Nhưng mức thu nhập này là đối với lái tàu chính lâu năm, còn những lái phụ hay mới vào nghề thì chỉ hơn 3 triệu là cao.

Công việc nặng nhọc, thu nhập bấp bênh thế nên những người vợ, người mẹ và đồng nghiệp luôn cảm thông và chia sẻ với anh em lái tàu. Trong khi tìm chất liệu cho bài viết này, tôi được anh Dũng, Phòng Thanh tra an toàn đường sắt "bật mí": Muốn tư liệu sống gì cứ đến quán ăn sáng ở ngay cổng của Trạm Đầu máy Huế khắc có".

Quán mở sớm lắm, chỉ 4h sáng đã đỏ lửa. Đấy là quán bún hến của chị Nguyệt. Quán nhỏ đơn sơ, nằm trong một con ngõ nhỏ trước cửa Trạm Đầu máy Huế. Khi mọi nhà vẫn chìm trong giấc ngủ, quán của chị đã sáng đèn. Đây là điều khá lạ đối với một nơi sống chậm rãi, bởi ở Huế ít người dậy sớm để đi ăn sáng, ít ra cũng phải 6h mới có khách. Thế nên, chuyện chị Nguyệt mở quán từ 4h sáng cũng không có nhiều người biết, thậm chí mấy anh bạn tôi là "thổ công" ở Huế cũng khẳng định không thể có quán nào mở bán sớm vậy.

Chỉ khi đến tận quán của chị Nguyệt lúc hơn 4h sáng thì tôi mới tin. Khách vào giờ này đều là những anh lái tàu giao ban sớm, ăn vội tô bún hến giá chỉ 6 nghìn đồng rồi lên máy ngay. Chị Nguyệt bảo, chồng chị cũng làm nghề lái tàu nên rất hiểu nỗi vất vả của nghề này. Đi đêm đi hôm suốt, tàu về đến ga toàn vào những giờ người ta còn đi ngủ. Lái cả đêm nên mệt lắm, người nào lên ban sớm cũng chưa kịp ăn gì, thế nên chị quyết định mở bán sớm để anh em lái tàu có bát bún lót dạ cho đỡ mệt nhọc.

Khoảng hơn 6h sáng, quán của chị mới lác đác có khách là những người dân sống quanh khu vực này. Chị Nguyệt bảo mở quán này gia đình cũng có thêm chút ít thu nhập, nhưng quan trọng là anh em lái tàu có thể ăn sáng được sớm cho đỡ vất vả. Hôm nào chị cũng phải dậy từ gần 3h sáng để chuẩn bị mọi thứ cho kịp.

Tôi gọi vui đây là quán ăn sáng của lái tàu. Anh Dũng bảo với tôi, trước đây chị Nguyệt bán 8 nghìn đồng một tô bún, nhưng sau thấy anh em lái tàu vất vả, lại lương thấp nên chị quyết định chỉ bán 6 nghìn đồng.

Tuy bát bún chỉ có giá mấy nghìn nhưng tôi thấy cũng đầy đặn lắm, có lạc, có hến nhỏ, bánh đa, chuối, giá... trộn đều. Mỗi thực khách còn được một bát nước hến đun với gừng uống cho ấm bụng. Nếu muốn ăn thêm có thể gọi một bát cơm hến cũng rất ngon. Người Huế thường ăn cay, nhưng biết tôi từ ngoài Bắc vào nên chị giảm chút vị cay ăn cho vừa vặn. Hai anh em ăn no bụng cũng chỉ hết 17 nghìn đồng cho bữa sáng.

Về phía Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng những năm qua cũng tập trung cơ sở vật chất cho anh em lái tàu. Ông Nguyễn Tự Do, Phó chủ tịch Công đoàn xí nghiệp dẫn tôi đi xem nơi nghỉ ngơi của anh em lái tàu. Xí nghiệp đã dành hẳn một khu để anh em nghỉ ngơi trước khi lên ban, mỗi phòng được bố trí từ 3 - 4 giường, có điều hòa, tủ quần áo và chăn gối nữa. Nhưng phòng nào cũng không được để tivi hoặc thiết bị nghe nhìn. Ông Do bảo, sợ anh em mải xem tivi nên quên giấc ngủ. Như thế sẽ không an toàn khi lái.

Vậy đấy, người lái tàu phải hy sinh rất nhiều thứ!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.