Cầu Đông Trù là cây cầu vòm ống thép nhồi bê tông đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh: Ngô Vinh |
Khoa học công nghệ (KHCN) góp phần quan trọng trong mọi hoạt động GTVT, đặc biệt là tiến độ, chất lượng các công trình. PGS.TS. Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.
Làm chủ nhiều công nghệ cầu, đường
Hạ tầng giao thông trong thời gian qua thực sự phát triển đột phá với rất nhiều những cây cầu lớn, có tính mỹ thuật cao. Theo ông, KHCN đóng góp thế nào để làm lên những công trình như vậy?
Nổi bật trong hoạt động KHCN giai đoạn 2011-2015 là tiếp tục hoàn thiện hơn quá trình chuyển đổi từ hợp tác với các chuyên gia, tư vấn nước ngoài chuyển giao sang giai đoạn các kỹ sư, chuyên gia, công nhân Việt Nam hoàn toàn làm chủ việc ứng dụng. Điển hình là chúng ta tiếp tục hoàn thiện các công nghệ xây dựng cầu bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực. Đến nay, hầu hết các công nghệ xây dựng cầu bê tông cốt thép hiện đại đã được chuyển giao vào Việt Nam, rút ngắn thời gian thi công, chỉ bằng 2/3 so với trước.
Đến nay, chúng ta cũng đã làm chủ và áp dụng thành công công nghệ xây dựng cầu treo, dây văng nhịp lớn do các đơn vị trong nước tự thiết kế, thi công. Ngoài các cầu đã xây dựng trước đây như: Rạch Miễu, hiện nay đang xây dựng cầu Bạch Đằng có chiều dài nhịp chính tới 240m. Bên cạnh đó, công nghệ xây dựng nền móng công trình cũng đã đưa vào áp dụng cọc khoan nhồi đường kính 2,5m, sâu 117m (cầu Cao lãnh) hay cọc thép và cọc thép dạng giếng (cầu Nhật Tân)...
Điểm nổi bật về công nghệ xây dựng cầu trong 5 năm qua là ưu tiên lựa chọn các dạng kết cấu cầu có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tốt, giá thành hạ, tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, có sự chú trọng đúng mức đến yếu tố kiến trúc, thẩm mỹ của các công trình cầu, nhất là đối với các cầu ở khu vực đô thị như cầu vòm, cầu vòm ống thép nhồi bê tông nhịp lớn (cầu Đông Trù, cầu Rồng, cầu Tân Thuận...) cầu dây văng 3 mặt phẳng dây (cầu Trần Thị Lý), cầu vượt nút ngã ba Huế tại TP Đà Nẵng...
Thời gian qua, nhiều công trình giao thông lớn được triển khai, nhất là đại dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và nhiều tuyến cao tốc. KHCN đã tham gia vào quá trình này như thế nào, thưa ông?
Trong 5 năm qua, hệ thống đường cao tốc đã phát triển nhanh chóng nên công nghệ xây dựng đường bộ và đường bộ cao tốc cũng được chú trọng. Chúng ta đã có nhiều giải pháp xây dựng nền đường và xử lý nền đất yếu, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như: Gia tải xử lý lún kết hợp với sử dụng vải địa kỹ thuật, bấc thấm, cọc cát, giếng cát, cọc đất gia cố xi măng, công nghệ cố kết chân không có màng kín và tường sét; Hoàn thiện và áp dụng công nghệ lớp phủ mỏng và siêu mỏng (Novachip, VTO) cho mặt đường cao tốc để có độ nhám cao, thoát nước tốt, giảm tiếng ồn...
PGS.TS. Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) |
Phát triển KHCN là sống còn
Theo ông, đâu là yếu tố để ngành GTVT phát triển và ứng dụng thành công nhiều KHCN tiên tiến trong thời gian qua?
Nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên sự thành công của công tác KHCN trong thời gian qua là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ đối với việc xây dựng chiến lược, quan điểm phát triển KHCN, xác định rõ mục tiêu, lộ trình hợp lý để tiếp nhận, chuyển giao, chỉ đạo thực hiện triển khai ứng dụng công nghệ vào thực tế sản xuất.
Một nhân tố quan trọng khác là trình độ năng lực và quyết tâm đổi mới công nghệ của các đơn vị tư vấn, chế tạo, xây lắp trong ngành GTVT. Nhiều doanh nghiệp đã lấy mục tiêu đổi mới công nghệ, trang thiết bị, trình độ tay nghề, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm làm mục tiêu tồn tại và phát triển thương hiệu, là yếu tố sống còn để giữ thị phần hoạt động, phát triển của đơn vị. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của ngành đã được trang bị, cập nhật kiến thức mới, công cụ, thiết bị, phần mềm tính toán hiện đại, trình độ quản lý được nâng cao một bước; Có đủ trí tuệ, năng lực, kinh nghiệm, lòng say mê khoa học kỹ thuật, khát vọng vươn lên làm chủ KHCN hiện đại đã đảm bảo cho sự thành công của nhiều dự án triển khai ứng dụng công nghệ mới đạt hiệu quả cao.
Thời gian tới, KHCN GTVT sẽ tập trung vào trọng tâm, trọng điểm nào thưa ông?
Trong thời gian tới, ngành GTVT sẽ đẩy mạnh ứng dụng KHCN phục vụ quản lý khai thác có hiệu quả, an toàn, bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu TNGT. Trong đó, sẽ tập trung triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại phục vụ công tác quan trắc, kiểm soát, đánh giá kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông. Đặc biệt, chú trọng đổi mới công nghệ hiện đại trong công tác bảo trì, bảo trì dự phòng hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường ATGT, phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình giao thông, bảo vệ môi trường…
Hoạt động KHCN thời gian tới cũng sẽ tập trung triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống quan trắc liên tục (SHMS) kiểm soát trạng thái làm việc của các công trình giao thông quan trọng như cầu lớn, hầm giao thông, hiện đại hóa công tác điều hành hệ thống giao thông. Đặc biệt, sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại trong tổ chức, quản lý điều hành kiểm soát giao thông trên tất cả các lĩnh vực giao thông...
Cảm ơn ông!
Theo kế hoạch, ngày 21/6 sẽ diễn ra Hội nghị tổng kết công tác KHCN ngành GTVT giai đoạn 2011-2015 và phương hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, trước đó đã diễn ra một số hội nghị chuyên đề của các tiểu ban. Trong đó, ngày 18/6 là chuyên đề Tiểu ban Công nghiệp, với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học đại diện cho các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các tổ chức khoa học công nghệ. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các kết quả đạt được và xu hướng KHCN ngành GTVT trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Tiểu ban Công nghiệp do Cục Đăng kiểm VN chủ trì cũng nghe báo cáo, đánh giá về một số công trình khoa học tiêu biểu đã được nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng vào thực tế. H.L |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận