Thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép cho tàu biển vào làm hàng tại các cảng được cắt giảm,giúp chủ hàng tiết kiệm thời gian và tiền bạc (Trong ảnh: Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải) - Ảnh: Trần Hải |
Đó là khẳng định của PGS.TS. Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư khi trả lời phỏng vấn Báo Giao thông xung quanh việc nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vào cuộc sống như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 18/4 vừa qua.
Học tập, quán triệt phải nghiêm túc
Có thực tế là lâu nay nội dung tại tất cả các Nghị quyết của Đảng đều đã nêu rất rõ, rất cụ thể, nhưng khâu thực hiện lại lúng túng. Tại hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh, phải khắc phục tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay nhưng một số chậm đi vào cuộc sống, có trường hợp nói không đi đôi với làm. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Đó là ý kiến rất sâu sắc của đồng chí Tổng bí thư, và cũng là vấn đề được đề cập trong khá nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước. Thực tế đó có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, do một số tác động khách quan không mong muốn từ bên ngoài; con đường phát triển của đất nước chưa có tiền lệ trong lịch sử khi chúng ta vừa làm vừa hoàn thiện; sự chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch; điểm xuất phát của chúng ta thấp, điều kiện và nguồn lực chưa chủ động…
Về chủ quan, một số nơi chưa được sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền chưa được thực hiện nghiêm túc, khâu chuẩn bị chưa thật chu đáo, bị động, lúng túng, có nơi còn hình thức; việc chuẩn bị báo cáo viên chưa tốt, thiếu đầu tư có chiều sâu; nhiều nơi xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết còn sơ sài; ý thức học tập của một số cán bộ, đảng viên chưa cao.
Chất lượng triển khai, học tập, quán triệt nghị quyết phải gắn với chương trình, kế hoạch thực hiện, trong đó phải đề ra được mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, gắn với điều kiện, với trách nhiệm thực hiện của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên; công tác tuyên truyền, học tập nghị quyết ra đoàn viên, hội viên và nhân dân phải được quan tâm đúng mức, hợp đối tượng.
Trong các yêu cầu trên, vai trò của người đứng đầu cấp uỷ đảng các cấp có vị trí hết sức quan trọng, vừa là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các khâu của quá trình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, vừa nêu gương trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, kế hoạch hành động của người đứng đầu cấp ủy và việc đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, cả nhiệm kỳ, kiểm tra, đôn đốc thực hiện để bảo đảm Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc. Cần phải thấy rằng, trong các nguyên nhân nêu trên, nguyên nhân bên trong, trực tiếp trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn có ý nghĩa quyết định.
PGS.TS. Phạm Văn Linh,Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư |
Kỳ vọng đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động
Kỳ họp Quốc hội cuối cùng của khóa XIII vừa kết thúc đã bầu được đội ngũ lãnh đạo Nhà nước mới, trong đó nhiều người trẻ, có năng lực và từng trải qua nhiều vị trí công tác trong thực tiễn… Ông kỳ vọng gì vào đội ngũ lãnh đạo mới này trong việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng?
Trong thời kỳ đổi mới, đất nước ta có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng không ít nguy cơ, thách thức, vì thế, chúng ta rất cần một đội ngũ lãnh đạo đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện và đồng bộ, đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại. Với những bước chuẩn bị nhân sự tại Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua, cũng như bước kiện toàn nhân sự tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, nhân dân có quyền tin tưởng và kỳ vọng vào sự đổi mới của đất nước khi có đội ngũ lãnh đạo mới, đặc biệt có nhiều người trẻ tuổi.
Đặc biệt, tôi kỳ vọng vào năng lực tổ chức thực tiễn của đội ngũ lãnh đạo mới, được đào tạo bài bản, gắn lý luận với thực tiễn, nhận thức với hành động, dám dấn thân, đi đầu trong những việc khó, đóng góp, cống hiến cho đất nước… Làm lãnh đạo không phải chỉ nói hay mà phải làm giỏi, biết quy tụ, thuyết phục mọi người. Tất cả những cái đó thuộc về năng lực lãnh đạo, năng lực tổ chức thực tiễn. Trong quá trình hoạt động, để đem lại hiệu quả công việc, cần phải biết lắng nghe, đặc biệt là gần dân, sát dân, sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra.
Cần đổi mới mạnh mẽ về thể chế
Ông nhận định thế nào về quan điểm chúng ta cần mạnh mẽ cải cách, đổi mới cả về kinh tế và chính trị, tổ chức bộ máy thì mới có thể đưa đất nước đến một bước phát triển mới?
Đúng vậy. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay, không chỉ đổi mới kinh tế, mà đổi mới chính trị cũng đang trở thành nhu cầu cấp thiết hơn, làm cho hệ thống chính trị nước ta hoạt động hiệu quả hơn.
Tình hình và bối cảnh trong nước, quốc tế ngày nay khác với 30 năm trước đây, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu đổi mới nội tại của đất nước, đồng thời tạo cơ hội cho đổi mới kinh tế và chính trị rộng lớn hơn, đồng bộ và toàn diện hơn, sâu sắc và triệt để hơn. Sự tác động ấy đòi hỏi chúng ta phải đổi mới một cách đồng bộ, toàn diện, có bước đi và hình thức phù hợp, không chỉ là tiếp tục đổi mới tư duy trên các vấn đề cốt yếu của đất nước, mà còn phải đổi mới cả hệ thống tổ chức, bộ máy và con người cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước. Mặt khác, chính quá trình đó cũng thúc đẩy nhu cầu nội tại của Việt Nam về đổi mới một cách mạnh mẽ hơn.
Điều đó khiến cho công cuộc đổi mới ở giai đoạn sắp tới phức tạp hơn, khó khăn hơn. Giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng hơn, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa càng phát triển đi vào chiều sâu, càng đặt ra nhiều vấn đề cả về kinh tế và chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, cả về tổ chức bộ máy, ở tầm vĩ mô và vi mô. Thành quả của đổi mới cũng không thể chỉ xác định ở đổi mới kinh tế, các lĩnh vực của đời sống xã hội có mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau. Bối cảnh quốc tế cũng như những đòi hỏi nội tại của đất nước hiện nay phải coi trọng đổi mới thể chế như một trọng tâm để thúc đẩy các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong đổi mới kinh tế. Hơn nữa, đó phải là những đổi mới quan điểm một cách căn bản, đột phá để tạo nên bước phát triển nhảy vọt nhưng vững chắc. Nếu không có những bước đột phá căn bản, nhất là đổi mới thể chế thì Việt Nam sẽ khó rút ngắn được khoảng cách tụt hậu so với các nước.
"Nhu cầu đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị đòi hỏi phải có những đột phá căn bản bên cạnh việc bảo vệ, giữ gìn những nguyên tắc trong quá trình đổi mới. Nếu như ở giai đoạn trước đây, đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị mới ở những bước đi ban đầu thì sắp tới, đổi mới buộc phải động chạm sâu rộng tới nhiều lĩnh vực khác một cách sâu sắc hơn như: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đổi mới sự điều hành, quản lý của Nhà nước, đổi mới việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân…”. “Điều nhân dân mong muốn trước hết ở đội ngũ lãnh đạo mới là những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gương mẫu về đạo đức, nói đi đôi với làm, có tư duy, tầm nhìn chiến lược. Người lãnh đạo phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì Đảng và dân. Là những người đại diện tiêu biểu, họ phải phát huy hết tinh thần trách nhiệm trước đất nước và nhân dân, làm mọi việc đều vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết." |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận