Trung Quốc ồ ạt xây dựng, bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông. (Ảnh: CSIS) |
Straits Times ngày 4/6 dẫn lời ông Gerry Brownlee, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand: “Những gì chúng tôi trông đợi là việc Trung Quốc cần phải làm rõ ràng mọi thứ”, ông Brownlee ám chỉ việc Trung Quốc cải tạo và bồi đắp trái phép hơn hàng nghìn ha đất ở Biển Đông, tại cuộc trả lời phỏng vấn bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 3/6.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand cho rằng, Trung Quốc tốt hơn hết nên giải thích, nếu không muốn tiếp tục căng thẳng với các quốc gia láng giềng nhỏ hơn trong khu vực. “Điều này là vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới và hòa bình khu vực, quan trọng đối với tự do hàng hải và hàng không”, Bộ trưởng Brownlee nói.
Cùng với việc cải tạo và bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích vùng biển này (80%) – nơi có giá trị thương mại hàng hải lên tới 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand còn nói thêm, các hành động của Bắc Kinh luôn đi ngược lại với những gì mà họ tuyên bố, rằng mục đích của việc xây dựng và bồi đắp trái phép chính là hòa bình cho Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand không quên nhấn mạnh, Biển Đông chính là một phần của thế giới với tới 80% hàng hóa thương mại của nước này đi qua Biển Đông mỗi năm.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand đồng thời tuyên bố, New Zealand sẽ thường xuyên gửi máy bay tuần tra tới Biển Đông, và Trung Quốc không được phép đuổi các máy bay này ra khỏi khu vực.
Tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái, ông Brownlee kể rằng, một vị tướng Trung Quốc từng nói với ông: Những căng thẳng Biển Đông không phải là vấn đề của New Zeland. “Nhưng chúng tôi nói từ góc độ của một quốc gia có nền thương mại nhỏ, chúng tôi quan tâm vấn đề này và vạch ra những điều tốt cho họ”, ông Brownlee nói.
Còn trong diễn văn khai mạc sau đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hối thúc các bên chọn hợp tác thay vì đối đầu đồng thời cho rằng tất cả các bên cần tham gia hoạt động chung, mang tính xây dựng... để những tuyên bố chủ quyền không trở thành rào cản. Đặc biệt, ASEAN cần thống nhất trong vấn đề Biển Đông vì hoà bình và ổn định ở vùng biển này, đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Ông Prayuth Chan-ocha cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy tự do đi lại trên biển và trên không, ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận